Nghĩ

Tất niên

.

Năm nay lần đầu tiên làm “chủ xị” tiệc tất niên gia đình, tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao mọi người tham gia đều ăn ngon và vui vẻ nên thuê người nấu đám đến phục vụ. Bữa tiệc kết thúc cũng là lúc nhóm phục vụ đã ra về trước đó khá lâu vì tôi không muốn họ phải đợi quá lâu, vậy là cuối cùng mình phải ngồi lại tận khuya dọn dẹp.

Việc đầu tiên của công đoạn hậu tất niên là tôi tìm một cái xô thật lớn để… đổ thức ăn thừa. Nói là thừa nhưng thực tế nhiều đĩa chưa mấy người đụng vào, còn nguyên cả phần trang trí. Chưa kể trước đó nồi la-gu đặc sệt thịt bò, nấm hương, rau củ cũng phải nhờ người nấu mang về vì để lại cũng bỏ đi.

Lúc đói thèm được miếng ăn ngon, lúc đồ ăn đầy ắp lại phải bỏ, tiếc đứt ruột nhưng vì đã khuya, không ai ăn nổi mà để lại chưa chắc hôm sau ăn được nên tôi chẳng còn cách nào khác. Thức ăn có thừa thì đồ uống càng chẳng thể thiếu khi hàng tạp hóa ngay cạnh nhà, cần bao nhiêu bia họ sẵn sàng cung ứng ngay lập tức.

Buổi tiệc bắt đầu cũng là lúc gia đình tôi liên tục nhận cuộc gọi của khách báo bận chạy “sô” cuối năm kèm lời hứa sẽ cố gắng đến. Anh hàng xóm thì đứng bên kia rào ra dấu rằng anh sẽ sang nhà cuối hẻm dự tiệc trước rồi mới vòng về nhà tôi…

Dù sao cũng là lần đầu làm tiệc tất niên, tôi nghĩ đây sẽ là kinh nghiệm để năm sau mình tổ chức phù hợp hơn chút nữa. Có mỗi chuyện bia rượu là tôi vẫn không biết giải quyết thế nào. Nhìn khách chưa tan tiệc đã đứng nghiêng ngả trong nhà mình, một vài người đi lại liêu xiêu rồi ngã ầm xuống đất, tôi “đứng hình” thật sự. Trời lạnh thế này họ có trúng gió không?

Đêm khuya chạy xe về có sao không? Bao câu hỏi khiến mình tràn ngập cảm giác tội lỗi rằng tại tiệc tùng nhà mình mà khách ra nông nổi ấy.

Cuối năm đi đâu cũng đụng tiệc nên chuyện đồ ăn ngon bị đổ đi, bia rượu thả ga đến quên đường về chắc đâu đâu cũng có. Bạn tôi còn kể, bạn ở “xóm đại gia”, nhà nào cũng chung tiền cúng xóm rất thoáng. Tiền nhiều, đồ ăn sang chảnh theo nhưng ai cũng muốn thể hiện “đẳng cấp” nên ăn kiểu cách, kết cục thức ăn dư thừa la liệt. Bạn tiếc nhưng cũng vì sĩ diện “nhà có điều kiện” nên không thể bỏ bao mang thức ăn thừa về.

Những ngày này tiệc tùng “bủa vây” mình, tôi lại nao nao nhớ cái tất niên đầu tiên tôi được dự ở xóm nhà chồng. Lần đó, sau khi đi thu tiền đóng góp của các hộ trong xóm, trên đường về, bác “thủ quỹ” lỡ đánh rơi toàn bộ tiền thu được. Một vài hộ kha khá chung lại lần hai, “bao cân” cho cả xóm. Quỹ eo hẹp nhưng các bác cũng biến tấu thành bữa tiệc mấy mâm.

Và cũng nhờ tình huống đó tôi mới được biết một món ăn chưa từng thấy xuất hiện trong đám tiệc, đó là món đầu gà. Để có chút thịt gà lên mâm, không biết các bác đã “sưu tầm” ở đâu được cả rổ đầu cổ gà. Tôi, một nàng dâu mới về nhà chồng, trước đó chưa từng biết làm gà là gì nhưng vì muốn chứng tỏ sự đảm đang nên phải cắn răng, cắn lợi lao vào… nhổ lông đầu gà.

Ngồi trước rổ đầu gà, tôi nghĩ có lẽ tình huống này sẽ không thể lặp lại trong cuộc đời mình. Cũng vì không đủ tiền nên năm đó xóm không thuê dàn nhạc dù dự định ban đầu là có. Dẫu vậy, ngồi bên này ăn uống, nghe xóm bên kia đàn ca sáo thổi cũng đủ rộn ràng lây.

Thế rồi cũng “gà”, cũng gỏi, thịt nướng, xôi chè tưng bừng cả xóm. Mọi người ăn uống và tâm sự say sưa như đã rất lâu chưa gặp lại. Bữa tiệc rôm rả từ chiều đến đêm, người già, người lớn, trẻ nhỏ đều no bụng, không nhà nào phải nấu thêm cơm. Mấy bác, mấy anh còn rê ra chuyện trò, ca hát đến khuya lơ khuya lắc trong tiếng ghi-ta thùng bập bùng…

Mỗi năm chúng ta tổ chức và tham dự không biết bao nhiêu bữa tiệc, nhưng có lẽ tất niên luôn là một bữa tiệc lạ lùng nhất khi mọi thứ tạo nên bữa tiệc như đồ ăn, thức uống, không gian, âm nhạc chỉ là phần “râu ria” và mức độ hoành tráng của những phần đó không thực sự có nhiều ý nghĩa.

Cái làm nên tiệc tất niên chính là sự thân tình đủ để những người tham gia có thể trải lòng với nhau nhưng không phải trải lòng về thực tại mà chủ yếu về quá khứ và tương lai. Khoảnh khắc ấy dường như không ai là “chủ xị”, tất cả đều cảm nhận rõ lòng mình đang lắng lại để nhìn ngắm một năm trôi qua với chính đời mình, gia đình mình, xóm làng mình, cơ quan, đơn vị mình và cùng ước mơ, hy vọng hoặc cam kết với nhau những điều triển vọng trong năm tới.

Tình cảm, sự gần gũi tự nhiên kéo mọi người lại gần nhau bao giờ không ai hay, để rồi cứ đến cuối năm lại mong được ngồi bên nhau trong bình an là tất cả mãn nguyện. Vì thế người ta có thể dự đám cưới, dự nhà mới, dự tiệc mừng thành công của những người không thân thiết mấy, nhưng tất niên thì nhất thiết phải thân tình hoặc là “chuyện của mình” mới góp mặt.

Tiệc tất niên có cần hoành tráng lắm không? Mỗi khi nhớ đến món “đầu gà lên mâm”, tôi lại trả lời rằng không, vì dường như độ hoành tráng thường nhiều khả năng đi liền với sự lãng phí, trong khi sự gần gũi, thân tình thì lại không có khái niệm hoành tráng hay không.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.