Vườn Kiều ở Biên Hòa

.

Ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có một vườn văn độc nhất vô nhị mang tên vườn Kiều. Nhà văn trẻ Mỹ Hường ở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai giới thiệu và hướng dẫn tôi đến thăm “Địa chỉ xanh” như tên quen gọi của khách tham quan. Ông Phạm Văn  Khoát - chủ nhân của vườn Kiều ra tận cổng đón khách. Ở vườn Kiều này, năm 2007, Hội Văn học-Nghệ thuật  Đồng Nai đã trao giải vịnh Kiều từ một cuộc thi với 350 tác giả ở 35 tỉnh, thành có khoảng 1.700 bài dự thi. Sau đó ông Khoát thành lập Câu lạc bộ Vườn Kiều hoạt động sôi nổi đều đặn với khoảng 50 hội viên.

Ông Khoát  (trái) đưa khách tham quan bức tường đắp phù điêu Truyện Kiều.
Ông Khoát (trái) đưa khách tham quan bức tường đắp phù điêu Truyện Kiều.

Trước khi xây dựng vườn Kiều, ông Khoát từng là một nhà doanh nghiệp nổi tiếng nuôi heo ở vùng đất này được mọi người trìu mến gọi tên là “Ông vua nuôi heo”.  Năm 1996, ông bắt tay vào xây dựng vườn Kiều bắt đầu từ mê Kiều.

Hồi ông mới 25 tuổi, ông bị bệnh tim, sức khỏe yếu. Một lần nghe nói đi tắm biển sẽ giúp chữa bệnh, ông bèn thu xếp ra biển. Mang trọng bệnh trong người lại gặp biển mùa đông nên ông thường đi dạo dọc biến để giải khuây. Một hôm đang đi thì ông nghe ai đó đọc lên mấy câu thơ hợp với tâm trạng của mình liền bước lại làm quen và học thuộc: “Buồn trông cửa bể chiều hôm – Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa – Buồn trong ngọn nước mới sa – Hoa trôi man mác biết là về đâu”...  Ông thốt lên: Hay quá, đúng tâm trạng của mình quá! Hỏi ra ông mới biết đó là mấy câu trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Ông Khoát mê Kiều đến mức đã từng bỏ tiền túi làm một chuyến du lịch sang tận Trung Quốc tìm đến những nơi mà nhân vật Thúy Kiều đi qua như Giang Tô, sông Tiền Đường, Vô Tích… Ông còn lập ra bản đồ và hành trình cuộc đời nhân vật “Hồng nhan bạc mệnh” treo ở trong lầu Ngưng Bích.

Tượng Thúy Kiều, Thúy Vân.
Tượng Thúy Kiều, Thúy Vân.

Năm 1995, ông đi chúc Tết người bạn vong niên ở gần nhà. Năm đó ông bạn được người cháu ở quê gửi vào biếu cành đào Nhật Tân rất đẹp. Nhìn thấy cành đào, ông đọc mấy câu Kiều hợp cảnh hợp người: “Trước sau nào thấy bóng người – Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.  Ông bạn cũng là một tay mê Kiều ra câu đố đề nghị ông giới thiệu điển tích hai câu Kiều này bằng hình thức thơ lục bát. Ông Khoát bèn hạ bút ứng khẩu ngay bài lục bát vì những điển tích truyện Kiều đã ngấm vào ông hóa thành máu thịt đã lâu. Ông viết: “Danh nhân Thôi Hộ đời Đường – Đẹp trai giữ hội lệ thường du xuân – Đi qua xóm nhỏ dừng chân – Ghé nhà gõ cửa ngoài sân đứng chờ. - Để xin nước uống, bất ngờ - Thập thò thiếu nữ muốn đưa cho chàng – Tay Thôi đỡ chạm tay nàng –  Ngượng ngùng nàng thẹn má càng đỏ tươi – Năm sau ngày hội xuân qua – Thôi tìm đến xóm đào hoa năm rồi –  Cảnh xưa nay vắng bóng người –  Then cài cửa khóa hoa cười gió đông”. Ông bạn hàng xóm đã đáp lại bằng chính cành đào tươi thắm!

Thật lạ, từ ngày mê Kiều, thuộc Kiều và chép Kiều thì bệnh tim của ông cũng giảm dần như một liều thuốc bổ chữa được bệnh Tâm. Ông bạn hàng xóm bảo ông: Sao vườn nhà ông rộng, nhiều cây cối có tên trong Truyện Kiều mà ông không lập vườn kiều thành địa chỉ cho chúng tôi đến sinh hoạt  vịnh Kiều. Bắt đầu từ đó, ông Khoát cho dựng tượng các nhân vật trong Truyện Kiều và sưu tầm các loại cây có tên trong sách Kiều và chọn những câu Kiều hợp tình hợp cảnh gắn biển lên thân cây.

Bước vào ngõ của vườn Kiều, tôi bắt gặp cây liễu xanh tha  thướt. Cạnh đó là bức tượng chàng Kim Trọng mặc áo xanh cưỡi ngựa trắng. Phía bên kia là tượng Vương Quan hai tay chắp làm lễ chào Kim Trọng và tượng hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân đứng e ấp bên nhau dưới bóng liễu và bóng thông. Toàn bộ không gian phối cảnh đó được ông Khoát thiết kế dựa trên cảnh Kim – Kiều lần đầu gặp gỡ trong tiết thanh minh.

Trong số những bức tượng dựng ở vườn Kiều thì bức tượng hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân khá nổi bật. Dưới chân tượng mô phỏng mộ của Đạm Tiên “Sè sẽ nắm đất bên đường – Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”. Điều khá đặc biệt là xung quanh khu vườn có bức tường xây cao 2 mét dài khoảng 100m đắp nổi  20 bức phù điêu khá sinh động và hấp dẫn. Ông Khoát bảo: Truyện Kiều dài 3.254 câu với 20 chương. Tôi “mạn phép” rút lại 20 câu lục bát mỗi câu lấy ở một chương. Ví dụ chương 1 tôi chọn hai câu “Rút trâm sẵn dắt mái đầu – Vạch ra cây vịn bốn câu ba vần” hay chương 2 là hai câu “Chênh chao bóng nguyệt xế mành – Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu”. Nghe ra tôi nhận thấy những câu ông chọn đều có động thái hợp với những nỗi niềm tâm trạng thân phận với bao chìm nổi, đắp nổi đầy vơi gắn với thân phận Thúy Kiều.

Không gian của vườn Kiều phân bố, bài trí, xếp đặt khá hợp lý. Có hòn  giả sơn đắp lớn như núi, có mặt hồ  dưới chân núi để “sen tàn cúc lại nở hoa”, có thấp thoáng giữa cây xanh một mái am nhỏ, nơi  vãi Giác Duyên gửi Thúy Kiều ở lại với cửa Phật để Kim Trọng  tìm tới tái hồi. Bước theo các dấu chân nhân vật, người  vãn cảnh có cảm giác thấy khu vườn như rộng hơn diện tích thực của nó vì trong không gian giới hạn ấy chứa 15 năm lưu lạc của  nàng Kiều. Du khách gặp trong vườn gần 80 câu Kiều được viết chữ lớn treo trên các thân cây.

Ngày ngày, ông Khoát vẫn mặc  bộ quần áo giản dị, thổi hồn mình tái hiện Truyện Kiều bằng một vườn Kiều sinh động với tất cả tình yêu và tâm huyết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Vườn Kiều cũng như tấm lòng của ông luôn rộng mở như hai câu thơ chào khách: Vườn Kiều đón khách du xuân – Đọc thơ ngắm cảnh thương thân nàng Kiều.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.