Tìm lối thoát nghèo

.

Gắn kết chương trình giảm nghèo với hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề và tạo việc làm, ngày nay, nhiều cấp Hội Phụ nữ ở các địa phương trên địa bàn Đà Nẵng xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay, khuyến khích các chị em chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với sự hỗ trợ vay vốn, nhiều chị em trên địa bàn phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) có việc làm nâng cao thu nhập. Ảnh: Đ.L
Với sự hỗ trợ vay vốn, nhiều chị em trên địa bàn phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) có việc làm nâng cao thu nhập. Ảnh: Đ.L

Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Là địa phương nằm trong vùng chỉnh trang, quy hoạch đô thị của thành phố, hầu hết các phường trên địa bàn quận Cẩm Lệ đều chịu tác động của quá trình đô thị hóa. Việc mất đất sản xuất nông nghiệp làm nhiều chị em phải chuyển đổi ngành nghề và khó khăn khi tìm kiếm việc làm ổn định.

Một số phường mất đất sản xuất nhiều như Hòa Xuân, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát càng trở nên khó khăn vì xa trung tâm quận, thương mại-dịch vụ không phát triển. Trong năm 2017, UBND quận đề ra chỉ tiêu thoát 700 hộ nghèo và 250 hộ cận nghèo, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận nhận giúp 140 hộ phụ nữ nghèo và 50 hộ cận nghèo thoát nghèo.

Chị Nguyễn Hạ Uyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cẩm Lệ cho biết, để giải quyết việc làm và giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, Hội xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay. Điển hình là mô hình “Địa chỉ hồng”, mô hình “Khởi nghiệp” với đa dạng các lĩnh vực như may gia công đồ thể thao và giày da, nấu ăn phục vụ đám cưới, đan lưới, làm thiệp 3D…

Mỗi cơ sở thu hút từ 10-40 lao động, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho các chị em. Trong năm qua, phát triển thêm được 10 “Địa chỉ hồng”, nâng tổng số “Địa chỉ hồng” trên địa bàn quận lên 55 địa chỉ.

Nhờ vậy, đã giúp 734 chị em có thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, mô hình “Khởi nghiệp” không chỉ giúp phụ nữ vay vốn mà còn hỗ trợ kiến thức để các chị em mở các cơ sở sản xuất và dịch vụ tại nhà. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, đến nay, toàn quận đã thành lập được 9 mô hình “Khởi nghiệp” tại tất cả 6 phường trên địa bàn thu hút được 73 lao động có việc làm ổn định.  

Nằm trên khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp, cơ sở may gia công tại gia của chị Nguyễn Thị Hoài Thương mới mọc lên chưa đầy một năm nhưng đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 10 chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Hoài Thương chia sẻ: Trước đây, chị phải đi may gia công vì mất đất sản xuất. Tuy nhiên, do bận bịu con nhỏ nên chị trao đổi với Chi hội Phụ nữ nhờ giới thiệu vay vốn để thành lập mô hình sản xuất may gia công đồ thể thao. Trước mắt là tạo công ăn việc làm cho chính mình, sau đó giúp các chị em không có công ăn việc làm do có con nhỏ hoặc lớn tuổi.

Từ một vài máy nhỏ ban đầu, đến nay chị đã đầu tư hơn 10 máy may may gia công đồ thể thao cho Công ty Phú Hòa. Bình quân mỗi tháng, mỗi chị thu nhập được 4 triệu đồng. Mô hình này tiện lợi ở chỗ là các chị được làm việc gần nhà. Đặc biệt, những chị có con nhỏ thì có thể đem đồ về nhà may nên đỡ vất vả”.

Theo chị Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Xuân, hiện Hội LHPN phường có tất cả 2.214 hội viên. Hòa Xuân là vùng đất giải tỏa trắng hoàn toàn nên đa số các chị em phải chuyển đổi ngành nghề.

Đối với các chị em trong độ tuổi lao động thì hướng nghiệp cho họ vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn quận và thành phố. Còn các chị từ 55-65 tuổi thì giới thiệu làm việc tại các mô hình “Địa chỉ hồng”. Hiện mô hình “Địa chỉ hồng” của phường có 3 tổ may gia công, 7 tổ dịch vụ nấu ăn cho đám cưới, 3 tổ bốc gạch và 1 tổ lau dọn vệ sinh tại nhà. Thông qua mô hình này, các chị đã có việc làm với thu nhập tương đối ổn định.

Ngoài ra, Hội LHPN quận Cẩm Lệ còn phát động mô hình “Quầy hàng thừa cho, thiếu nhận” để giúp các hộ nghèo, khó khăn. Các quầy hàng là nơi nhận các vật dụng gia đình, áo quần cũ không còn dùng nữa để cho các hộ còn thiếu.

Đến nay, quận đã thành lập được 9 quầy hàng tại tất cả các phường. Hội LHPN phường Hòa Thọ Đông cũng phát động thêm mô hình “Chăn đông ấm tình phụ nữ”, qua đó mỗi chi hội ủng hộ 1 chiếc chăn và đã quyên góp trao tặng cho 30 phụ nữ nghèo, đơn thân, khuyết tật trong mùa đông với tổng giá trị 3 triệu đồng.

Nhờ các việc làm nêu trên, đến cuối năm 2017, tất cả 190 hộ phụ nữ nghèo và cận nghèo được quận hội giúp đỡ đều vươn lên thoát nghèo bền vững.  

Gắn hỗ trợ giảm nghèo với giới thiệu việc làm

Cũng là địa bàn diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn rơi vào tình trạng thất nghiệp sau khi mất đất sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng này, chị Trần Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN quận cho biết, với phương châm hỗ trợ giảm nghèo phải gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất và tạo việc làm, Hội tuyên truyền thông tin về học nghề và việc làm tại 57 điểm với 3.135 chị em hội viên tham gia nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để chị em chủ động chuyển đổi ngành nghề.

Đối với các chị em ở trong độ tuổi lao động thì hướng họ vào làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn quận hoặc KCN Điện Nam-Điện Ngọc, cơ sở Tổng Công ty CP Dệt-May Hòa Thọ ở phường Hòa Quý, các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Hội An.

Đối với các chị trên 55 tuổi thì hướng dẫn trồng nấm tại nhà hoặc tham gia mô hình dịch vụ lau chùi, dọn dẹp vệ sinh, nhất là tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi. Hội còn thành lập mới hai mô hình “Phụ nữ phát triển kinh tế”, thu hút 251 thành viên là những chị em có cùng chung nguyện vọng, chí hướng trong phát triển kinh tế.

Chia sẻ về cách giải quyết việc làm hiệu quả tại phường Mỹ An, chị Đoàn Thị Diễm Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, sau khi được thành phố hỗ trợ tiền do bị thu hồi đất, nhiều chị đã mở dịch vụ lưu trú và buôn bán nhỏ lẻ tại gia đình.

Đặc biệt, nhiều chị đã tìm được việc làm như nấu ăn tại các nhà hàng, quán ăn và dọn dẹp vệ sinh tại các khách sạn, nhà nghỉ. Hội LHPN phường còn thành lập mô hình “Giấc ngủ ngon” và mô hình giúp nhau buôn bán ở chợ Bắc Mỹ An. Thông qua các mô hình này, các chị em san sẻ công việc cho nhau khi cần như làm chăn ga, gối nệm và buôn bán bún tươi, mì lá.

Hiện nay, tất cả các cấp Hội LHPN trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đều có mô hình góp vốn quay vòng và giới thiệu các chị em vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mua sắm phương tiện sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm đến 27-10-2017, Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn đã giải ngân với tổng số tiền 23,246 tỷ đồng/575 hộ nghèo vay phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như chị Tống Thị Kim Dung ở Chi hội phụ nữ 14, phường Mỹ An, sau khi được vay vốn, mở quán bán bánh bèo, bánh ướt ở đường Châu Thị Vĩnh Tế. Nhờ có thu nhập ổn định, chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà ở Chi hội phụ nữ 28, phường Mỹ An, có chồng mất sớm, chị một mình nuôi hai con ăn học. Sau khi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ NHCSXH quận và sự giúp đỡ của Tổ chức Happy Children Lotus Foundation, chị Thu Hà mở quầy buôn bán tạp hóa tại nhà. Từ một hộ nghèo thiếu ăn, đến nay, chị đã trả hết tiền vay ngân hàng và tìm cho mình công việc ổn định tại một doanh nghiệp và thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, các con chị đã có điều kiện ăn học tốt hơn: một em học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và một em học Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng. Với sự quan tâm chia sẻ giúp đỡ của các hội viên trong các cấp Hội, trong năm 2017, Hội LHPN quận đã giúp 91 hộ phụ nữ nghèo và 73 hộ phụ nữ cận nghèo thoát nghèo bền vững, vượt chỉ tiêu đề ra.

Mặc dù trong năm qua đã có nhiều hộ nghèo, khó khăn được các cấp Hội LHPN quan tâm, giúp đỡ thoát nghèo, nhưng nhìn chung số hộ nghèo ở các địa phương vẫn còn nhiều. Đa số các hộ nghèo trình độ còn hạn chế, không có việc làm, thiếu vốn và phương tiện sản xuất.

Một số hộ khác không có khả năng thoát nghèo như già yếu, cô đơn, thiếu người lao động, nhiều người ăn theo… Do đó, để giảm nghèo hiệu quả trong các năm đến, bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì bản thân người nghèo phải nâng cao tính tự giác, không ngồi chờ, ỷ lại. Song song với việc hỗ trợ giảm nghèo phải gắn với hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề và tạo việc làm; thành phố cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, giảm dần việc “cho không” nhằm khuyến khích các hộ nghèo vươn lên bằng chính nghị lực của mình.

Theo báo cáo của UBND thành phố, trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp tạo việc làm trong chương trình xây dựng “Thành phố 3 có”. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho trên 32.000 lao động, trong đó nữ chiếm gần 50%. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có nhu cầu được vay vốn giải quyết việc làm, giảm nghèo cải thiện đời sống. Năm 2016, thành phố đã giải quyết cho 11.923 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền 394.094 triệu đồng. Bên cạnh đó, thông qua các mô hình góp vốn quay vòng, quỹ hỗ trợ, tổ tiết kiệm, các hội đoàn thể Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành phố đã cho 2.414 lượt hộ vay không lãi hoặc lãi suất thấp với số tiền 21.808 triệu đồng.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.