Nghĩ

Gia đình hãy là tổ ấm

.

Dư luận những ngày qua dậy sóng với vụ việc cậu bé 10 tuổi Trần G.K. (Hà Nội) bị bố ruột và mẹ kế “dạy dỗ” bằng những trận đòn tra tấn trong suốt hai năm trời. Đây chắc chắn không phải là vụ bạo hành trẻ em đầu tiên được đưa ra ánh sáng. Song, tại sao sau rất nhiều lần truyền thông lên tiếng, luật pháp trừng phạt, giáo dục vào cuộc,… những vụ việc như vậy vẫn tiếp tục xảy ra, hủy hoại cuộc sống và tương lai của rất nhiều đứa trẻ?

Tôi nhớ một lần nọ đi chợ, tình cờ nhìn thấy hai mẹ con ngồi bán chè đậu trên vỉa hè. Đứa bé khoảng 2-3 tuổi, nhỏ xíu lút chút đi quanh chỗ mẹ ngồi. Không biết có phải vì ngồi mãi không có ai mua chè nên người mẹ đâm chán, bèn nghĩ cách… chọc con.

Đầu tiên, chị chỉ vào những thứ rác thải ven đường rồi dọa gián, dọa chuột, dọa ma. Tưởng chỉ là mẹ con đùa giỡn với nhau, ai dè càng về sau, mức độ “dọa” của chị càng tăng. Tới lúc đứa bé chịu hết nổi, mếu máo khóc, chị lại… được thể nạt nộ, chỉ ngón tay thẳng mặt con bắt con im lặng.

Một người giữ xe “tốt bụng” gần đó còn đến hỗ trợ người mẹ bằng cách cầm thanh tre đập đập xuống vỉa hè, ngầm ý: “Nín ngay, không là ăn roi!” Không hiểu đầu óc mới được 2 tuổi của đứa bé ấy có lý giải được tại sao mẹ mình lại chọc cho mình khóc rồi lại bắt mình nín, hay câu hỏi đó sẽ ám ảnh những tháng ngày thơ ấu của em…

Bà mẹ ấy có lẽ không biết mình đang bạo hành tinh thần của con. Những ông bố bà mẹ thốc từng muỗng cơm đầy vào cái miệng nhòe nhoẹt nước mắt nước mũi của con, những ông bố bà mẹ bắt con “cày ngày cày đêm” đến kiệt sức để vào trường chuyên lớp chọn, những ông bố bà mẹ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau ngay giữa mâm cơm làm con cái kinh sợ,… cũng hiếm khi nhận ra rằng con mình đang bị bạo hành, mà thủ phạm chính là họ.

Bình luận dưới bài báo về cậu bé G.K được đăng tải trên một trang báo mạng, một người viết: “Có câu Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Thế hệ ngày xưa ăn đòn suốt, sau này đều nên người. Ông cha này (bố ruột bé G.K - PV) đánh con như vậy thì đáng tù thật, nhưng tôi nghĩ dạy dỗ trẻ con vẫn phải cần tới roi vọt cho nghiêm khắc vào”. Không biết người viết bình luận này muốn dạy con bằng roi bởi họ nghĩ rằng đó là cách tốt nhất, hay bởi họ không nghĩ ra cách nào khác?

Năm 2016, Bộ Công an công bố số liệu khảo sát đối với 2.000 học viên của các trại giáo dưỡng. Kết quả cho thấy khoảng 50% các em có tuổi thơ sống trong sự hà khắc của cha mẹ. Trong khi đó, tháng 11 vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết có khoảng 300 triệu trẻ từ 2-4 tuổi trên toàn thế giới đang chịu các hành vi bạo lực tâm lý hoặc thân thể. Người thực hiện các hành vi bạo lực của 75% các vụ chính là những người chăm sóc các trẻ tại nhà!

Có một thực tế là nếu trẻ được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình không lấy roi vọt làm “gia pháp”, khi ra ngoài xã hội, nếu trẻ bị đối xử bạo lực thì sẽ dễ dàng tự nhận ra và có biện pháp bảo vệ mình (như nói lại với cha mẹ hay tự đứng lên phản kháng). Ngược lại, những trẻ lớn lên bằng đòn roi sẽ khó lòng tự nhận thức về tình trạng của bản thân. Khi trẻ lớn – đặc biệt là các trẻ em gái – và bắt đầu có những mối quan hệ tình cảm, các em sẽ coi việc bị người yêu đánh, đối xử vô tâm… là chuyện bình thường, bởi các em chưa từng được sống trong yêu thương ngọt ngào để mà so sánh...

G.K có lẽ từng có một gia đình yêu thương em thật lòng, nên em hiểu mình không đáng phải nhận những trận đòn nhừ tử chỉ vì “ăn vụng thịt” hay “quấy phá không cho người lớn làm bếp” (những “tội danh” theo lời kể của người mẹ kế). Vì em hiểu, nên em cố nhớ mã số khóa cửa, cố dành dụm 5.000 đồng trong suốt 2 năm để tìm đường chạy trốn. Nhưng còn những em bé nhỏ xíu chưa đủ nhận thức? Những em bé chưa một ngày được cha mẹ yêu thương? Các em có đường nào để trốn, và trốn ở đâu khi ngay cả gia đình cũng không phải là tổ ấm?

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.