Mang quà quê ra phố

.

Đang là công chức, Lê Thị Hồng Mận lại quyết định “rẽ ngang”, chọn cho mình con đường khởi nghiệp đầy gian nan chốn thương trường. Mận bảo, sự lựa chọn ấy có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng hơn hết là sự đam mê, niềm trăn trở muốn làm nhịp cầu đưa quà quê của mẹ đến những người con xa xứ vốn đã thao thức trong cô từ ngày còn là sinh viên sống xa nhà…

Lê Thị Hồng Mận với sản phẩm Madasa tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – STARTUP WHEEL toàn quốc năm 2017, tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Lê Thị Hồng Mận với sản phẩm Madasa tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – STARTUP WHEEL toàn quốc năm 2017, tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khởi nghiệp từ quà quê mẹ

Tôi đùa, cái tên của cô đủ gợi lên bao nhiêu hoa trái hèn gì cô lại chọn con đường khởi nghiệp bằng kinh doanh quà quê. Mận cười, được làm nhịp cầu đưa hương vị quê nhà, hương vị ấu thơ đến với mọi người, em thấy hạnh phúc, cảm giác như chính mình mời bạn bữa cơm rau quê nhà ấm áp!

Tốt nghiệp Trường ĐH Luật (ĐH Huế) chuyên ngành Luật Kinh tế vào năm 2011, Mận nhanh chóng được tuyển chọn làm chuyên viên Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng. Đối với bạn bè đồng trang lứa, đó là một công việc đáng mơ ước.

Nhưng rồi, từ tiềm thức sâu thẳm, nỗi nhớ những bữa cơm nhà luôn gợi nhắc niềm đam mê muốn mang những món quà quê mà những năm tháng sinh viên xa nhà cô từng được thưởng thức đến với mọi người, nhất là những người con xa quê đến nơi khác lập nghiệp.

Thế là tháng 11-2015, Mận quyết định dấn thân vào con đường kinh doanh quà quê với các sản phẩm ẩm thực từ thiên nhiên. Ban đầu Mận vừa hoàn thành công việc của một công chức, tranh thủ ban đêm nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch phù hợp cho những thực phẩm mình muốn kinh doanh.

Những ngày cuối tuần, cô lặn lội tận các vùng rừng Bắc Trà My tìm hiểu về các nguyên liệu như hạt ươi, quế; rồi về các vùng biển tìm hiểu về rau câu biển, mực rim, ghẹ rim… Mận kể: “Những bước đầu khởi nghiệp rất vất vả những bù lại được khách hàng đón nhận, ủng hộ nên em có thêm động lực đi tiếp, mở rộng”.

Những sản phẩm đó được Mận định hình, lên danh sách, tìm đối tác, kết hợp với các cơ sở chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tháng 3-2016, dòng sản phẩm Madasa (quà quê của mẹ) chính thức có bộ nhận diện thương hiệu bằng logo, nhãn mác. Đó cũng là thời điểm Mận quyết định xin nghỉ việc ở cơ quan.

“Quyết định có phần “ngược đời” ấy gặp không ít sự phản đối từ phía người thân. Em cũng suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng rồi cuối cùng vẫn quyết để chọn con đường đi riêng mình, sống với đam mê của mình. Nghĩ nhiều nhưng chọn rồi thì em không còn đắn đo nữa, tự nhủ phải tự tạo động lực cho mình để bước tiếp”, Mận cho biết.

Từ đó, các loại thực phẩm ngày càng được Mận cập nhật đầy đủ hơn gồm 5 dòng, mỗi dòng có từ 6 đến 10 sản phẩm, gồm: Bò khô, Hải sản khô, Sản phẩm thiên nhiên, Thực phẩm chế biến ăn liền, Bánh mứt truyền thống…

Mận bảo, tiêu chí sản phẩm của cô đến tay người tiêu dùng trước hết phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng ngon, vì mỗi món ăn ấy chứa đựng hương vị quê nhà, ký ức tuổi thơ để mỗi người khi thưởng thức ngoài việc ăn ngon còn được “sống” lại những năm tháng ấu thơ đong đầy kỷ niệm.

Mận nhẩm tính, đến nay bằng hình thức kinh doanh trực tuyến, sản phẩm của cô đã đến với khách hàng 63 tỉnh, thành trên cả nước; có mặt ở nhiều chuỗi nhà hàng, siêu thị uy tín như: Vita Mart (Đà Nẵng); đảo Cô Tô, Hạ Long (Quảng Ninh)… Doanh thu bình quân mỗi tháng khoảng 40 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, “Madasa - Quà quê của mẹ” của Mận đã tham dự cuộc thi Startup Wheel - cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc. Vượt qua 700 các ý tưởng dự án khởi nghiệp khác, Madasa lọt Top 60 ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc để giới thiệu đến những nhà đầu tư.

Một tấm lòng hướng đến cộng đồng

Nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường còn biết đến một Lê Thị Hồng Mận với tình yêu sách và tâm huyết đưa sách đến người trẻ thông qua dự án sách Mộc gia. Ở đó, nhiều bạn sinh viên có thể truy cập để chọn sách mình muốn mua hoặc thuê. Mận kể: “Ngay từ nhỏ em đã có sở thích đọc sách và ước mơ có một phòng sách nhỏ của riêng mình.

Thời sinh viên, tháng nào em cũng tranh thủ đi dạy thêm và dành hơn nửa số tiền công đó để mua sách đọc. Sau này đi làm, nghĩ đến các bạn sinh viên không có điều kiện em lại nảy ra ý tưởng mở một dự án sách online, tuyển chọn các dòng sách như văn học kinh điển và phần lớn là sách kỹ năng để tạo điều kiện cho các bạn ấy có điều kiện đọc nhiều hơn”. Cùng với sách Mộc Gia, Mận cũng tranh thủ đọc sách rồi dành thời gian giới thiệu về sách cho người đọc dễ tìm hiểu hơn.

Đau đáu với các bạn trẻ, hướng về cộng đồng, cách nay 2 năm trước, cũng chính Lê Thị Hồng Mận đã ghi danh vào ngôi vị quán quân trong cuộc thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” do Báo Tuổi trẻ và Ngân hàng Thế giới tổ chức với dự án cộng đồng “Một lớp trẻ được trao quyền tự quyết”.

Bận rộn với công việc kinh doanh ở “Madasa - Quà quê của mẹ”, với các dự án cộng đồng ấy những tưởng thế là đã không còn đủ thời gian, Mận còn khiến người đối diện ngạc nhiên bởi hàng trăm bài thơ, tản văn được in thành 4 tập sách được độc giả mến mộ. Chưa hết, cô vẫn còn miệt mài với công việc cộng tác viên thường xuyên của những tờ báo lớn…

28 tuổi, Lê Thị Hồng Mận đã gặt hái được những thành công nhất định trên con đường khởi nghiệp của một người trẻ đầy bản lĩnh quyết đoán và hơi… liều! Mận vẫn còn ấp ủ nhiều dự định phía trước, nhất là hiện thực hóa dự định mở chuỗi cửa hàng “Madasa - Quà quê của mẹ” ở nhiều nơi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cùng với việc kinh doanh trên mạng. Mận bảo: “Mỗi người chỉ có một tuổi trẻ - Tuổi trẻ để dấn thân, sống trọn đam mê của mình!”.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.