Nhớ mãi với họa sĩ Vĩnh Phối

.

Gần đây Nhà Xuất bản Hội Nhà văn dự định xuất bản một tập sách viết về Đà Nẵng, chúng tôi định mời anh Vĩnh Phối cộng tác về mảng mỹ thuật. Rồi lại nghe anh đang ốm, định chờ anh khỏe lại để về Huế bàn với anh sau. Chưa kịp gặp lại anh thì mấy người bạn ở Huế báo tin anh đã ra đi, đã dừng cuộc chơi…

Họa sĩ Vĩnh Phối (trái) với tác giải bài viết bên bức tranh của anh tại gallery La Tour Effel ở Đà Nẵng.
Họa sĩ Vĩnh Phối (trái) với tác giải bài viết bên bức tranh của anh tại gallery La Tour Effel ở Đà Nẵng.

Trước đây mỗi lần có những cuộc triển lãm mỹ thuật nào ở Huế, Đà Nẵng, anh thường có mặt, để động viên lớp trẻ và cũng là cơ hội  gặp gỡ anh em văn nghệ. Những lần như vậy thấy anh em tôi ở Đà Nẵng ra là anh vui lắm, cùng nhau lai rai từ chiều cho đến khuya không kể giờ giấc. Dù cách biệt tuổi tác nhưng lâu ngày gần gũi tình cảm như là anh em bạn bè. Một người từng du học ở Ý, có tranh triển lãm ở nước ngoài từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, rồi làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng mỹ thuật, xuất thân  gia đình danh gia vọng tộc thuộc đế hệ hoàng tộc ở Huế, một nhà giáo uy tín, nhà nghiên cứu có bề dày, là cây đa cây đề của phong trào mỹ thuật miền Trung..., thế mà anh vui vẻ vô tư hồn nhiên như trẻ nhỏ, gặp nhau luôn vui vẻ.

Tôi quý anh khi biết anh là một người vẽ trừu tượng đầu tiên ở Việt Nam. Suốt 10 năm sau 1975, anh phải vẽ tranh theo khuynh hướng hiện thực. Phải đợi đến sau khi Đổi mới, nhất là sau cuộc gặp gỡ với giới mỹ thuật Pháp năm 1992 với Trường Đại học Mỹ thuật Huế, anh mới trở lại với niềm đam mê của mình là vẽ tranh trừu tượng. Hành trình sáng tạo hội họa của anh trong 60 năm cũng trải qua nhiều thời kỳ, nhiều khuynh hướng, thể loại: trừu tượng, bán trừu tượng, biểu hiện, hiện thực... nhưng từ khai mở cho đến khi kết thúc, khuynh hướng trừu tượng như một tâm thế sáng tạo trong dòng chảy nghệ thuật của người họa sĩ tài hoa này. Tranh trừu tượng của anh luôn đem đến cho người thưởng ngoạn những cảm xúc mạnh mẽ. Những mảng màu sắc hình khối vòng xoay như phát ra những tín hiệu đầy suy ngẫm của bản thân họa sĩ với cuộc đời với những đề tài về tôn giáo, không gian vũ trụ, về thiền luận, tục đế, lục đạo của Phật giáo, không gian sống và tâm thức Huế, hình ảnh ngọn lửa thiêng - ngọn lửa của sáng tạo, sự hóa thân, sự chuyển động của tâm thức… Tranh của anh luôn thể hiện tư duy khám phá về văn hóa truyền thống, đi tìm sự hòa hợp nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây.

Tôi có những kỷ niệm không thể nào quên với anh. Có lần anh L.D nhờ anh vẽ một bức chân dung bằng sơn dầu. Biết rằng vẽ chân dung không phải là nghề của anh, nhưng vì quý mến mà nhờ anh vẽ. Ngày nhận tranh, tôi xem tranh rồi vui miệng nửa đùa nửa thật. Anh vẽ anh D. nghệ thuật mô không thấy mà trông giống ông hớt tóc. Tưởng là anh giận vì tôi lỡ lời. Nhưng anh không giận chỉ lắc lắc đầu ngượng nghịu một chút rồi nói chuyện khác.

Dạo ấy anh đã vẽ xong một bộ tranh có tên là Sắc màu Huế gồm những sắc màu truyền thống chủ đạo trong không gian Huế. Tôi về Huế ghé chơi nhà anh mấy lần. Anh hỏi thích bức nào. Tôi trả lời cho vui: Bức Tím Huế. Và sau này lại không nhớ mình nói thế. Vậy mà lần sau đến chơi với anh, ra về anh chạy theo cùng với bức Tím Huế. Anh nói: Tặng mi! Tôi không hề nghĩ đến chuyện này vì cả một bộ tranh mà tác giả đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian chăm chút đầu tư để thực hiện, vậy mà ai nỡ lấy đi một bức để tặng thì bộ tranh đó còn mang giá trị gì. Tôi nằng nặc từ chối thì anh đã bỏ lên xe còn nói: - Đi nhanh đi kẻo chị thấy, chị đang đau. Trời ơi thế là anh giấu vợ để tặng tranh cho tôi. Tôi biết ăn nói răng chừ. Tình cảm kiểu này thì còn gì để nói nữa. Càng nghĩ càng xúc động đến chảy nước mắt.

Anh vốn là người rất rộng rãi. Lần khác, dịp Festival Huế lần đầu tiên. Bữa đó ở Khách sạn Thuận Hóa, anh em văn nghệ Huế-Đà Nẵng-Sài Gòn tụ tập đông lắm. Có một chủ phòng tranh ở Đà Nẵng nhờ chúng tôi chuyển 200 USD nhuận tranh cho anh. Thế là anh cầm tiền và nói với mọi người: - Bữa ni cho mình lo hết nghe, Làm răng cho hết tiền ni thì thôi. Nhưng bữa tiệc đó cũng không hết. Anh cầm tiền còn lại. Thôi cái ni về đưa cho vợ. Anh vừa nói vừa cười...

Một năm trước đây, anh vào Đà Nẵng tham gia triển lãm chung với nhóm họa sĩ Bắc - Trung - Nam. Thấy anh vẫn khỏe. Cả cuộc đời anh chỉ với một đam mê tột bậc là hội họa. Thời gian còn lại là vui chơi tang bồng hồ thỉ với bạn bè tri kỷ. Một người ham chơi thứ thiệt, đã đạt đạo, ngộ ra giữa cuộc đời mọi thứ đều phù hư, vô thường. Hình như sống với anh là một cuộc chơi. Tôi đùa với anh. Cuộc chơi là cuộc lữ. Vậy mà  anh đã dừng cuộc chơi, dừng cuộc lữ rồi anh Vĩnh Phối ơi. Từ nay bên góc phố dười chân cầu Gia Hội đã không còn bóng dáng của người nghệ sĩ tài hoa mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và thương mến.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.