Tình đất tình người

.

Thanh âm những nốt nhạc cuối cùng của điệu múa “C2 Hòa Vang - Một thời để nhớ” vừa lắng xuống, các diễn viên khoác lên người tấm vải dù và hóa thành những nấm mộ mờ ảo dưới ánh đèn đã giảm độ sáng.

Đạo diễn Lê Thành (phải) và NSƯT Tiến Lâm trao đổi về cách diễn xuất của chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca bất tử”.  Ảnh: V.P.Q
Đạo diễn Lê Thành (phải) và NSƯT Tiến Lâm trao đổi về cách diễn xuất của chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca bất tử”. Ảnh: V.P.Q

Một giọng ca nam cất tiếng hát khúc ca “Về thăm đồng đội” (thơ Lê Ngọc Nam, nhạc Minh Đức): Tôi về thăm chiến trường xưa giữa trưa hè cháy bỏng. Qua nghĩa trang thăm đồng đội tôi nằm. Đồng đội tôi hàng dọc hàng ngang. Nghiêm trang như trước giờ xuất trận. Lặng im nghe lệnh công đồn...

Cuối bài hát, các diễn viên múa từ những “nấm mộ” bước ra với trang phục trắng toát, mờ dần cho đến khi ánh sáng tối hẳn. Phía dưới lung linh hàng chục ngọn nến do các diễn viên chậm rãi mang lên sân khấu. Trong đó, người cầm ngọn nến trung tâm là Trần Thanh Bình, nguyên Trưởng ban Trinh sát mặt trận C2 Hòa Vang. Ông kể về trận đánh Nam Sơn – Hòa Lợi ngày 25-5-1966, nhấn mạnh thời khắc chiến sĩ Nguyễn Đình Tranh xung phong ôm bộc phá tiêu diệt xe tăng và hy sinh, mộ hiện nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến...

Đó là một trong những phân cảnh xúc động nhất của chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca bất tử” sẽ diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hòa Tiến vào tối 26-7 nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Tác giả biên kịch, đạo diễn Lê Thành cho biết, lần này ông viết về Hòa Vang với tâm trạng một công dân của huyện (ông vừa làm nhà ở xã Hòa Liên) nên chú trọng đến ý tứ, yếu tố nghệ thuật, tránh rơi vào lối mòn.

Chương trình gần 80 phút với 3 chương. Chương 1 “Tổ quốc – hai tiếng thiêng liêng” mở ra dấu ấn lịch sử Việt Nam thuở dựng nước. Chương 2 “Viết tiếp bản hùng ca” minh họa 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; tái hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về công tác thương binh-liệt sĩ. Chiếm một nửa thời lượng là chương 3 “Hòa Vang - tình đất tình người”, nhấn mạnh Hòa Vang anh hùng trong chiến tranh, tỏa sáng trong hòa bình.

Vận dụng tiểu cảnh (đất đá, cỏ cây…) có sẵn ở nghĩa trang, tác giả tái hiện không gian của một thời oanh liệt. Các điệu múa, bài hát, các làn dân ca (hát bài chòi, xuân nữ, hò hố, hát ru Quảng Nam…) cái mới hòa quyện với cái cũ, ngày hôm qua đan xen với ngày hôm nay... tất cả đều hướng về cái kết của chương trình: “Mãi mãi ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, mãi mãi không quên sự hy sinh của những người con ưu tú đã nằm lại trên đất mẹ Hòa Vang. Xương máu cha anh và sự cống hiến của các Mẹ Việt Nam anh hùng là tiền đề cho một nông thôn mới Hòa Vang hôm nay luôn vững bước. Thế hệ hôm nay nguyện phất cao lá cờ truyền thống, để Hòa Vang mãi mãi là “Một chấm son trên bản đồ Tổ quốc”.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.