.
Nghĩ

Trọn vẹn cảm xúc với pháo hoa

.

Nói ra có khi bị chê quê mùa, chớ sau 7-8 mùa pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng, thì mới biết… coi pháo hoa trực tiếp từ khán đài thiệt sướng chi đâu. Ngồi nhà xem pháo hoa qua ti-vi có cái khỏe là không phải chạy đi xa, không cần bon chen chỗ đông người, không tốn tiền mua vé. Nhưng tính ra, chính mấy cái “cực khổ” kể trên mới tạo nên cái thú và mang lại chút “sang chảnh” của người không phải coi pháo hoa qua màn ảnh nhỏ.

Sau mấy tuần liền thòm thèm, cuối cùng tôi cũng “chễm chệ” có mặt trên khán đài hạng A nhờ tấm vé được cho từ người bạn không buồn đi xem. Trúng ngay đêm được nhiều người dự đoán là “trận chung kết sớm” giữa hai đội rất mạnh Úc và Ý, khỏi phải nói sự hoành tráng của những màn trình diễn đủ sức làm bừng sáng cả bầu trời đêm. Có ngồi nhà triền miên dòm ngó pháo hoa qua truyền hình, mới thấy thiệt đã khi được choáng ngợp trước hằng hà bông pháo ùa vào tầm mắt. Thời tiết cũng chiều lòng người khi trời trong, gió nhẹ, mặt nước êm đềm để mặc những giàn pháo tung tẩy. Âm nhạc năm nay cũng có vẻ hài hòa hơn so với những cuộc thi trước khi phần tiếng rất rõ nhưng không quá lớn để lấn át phần hình. Nhiều khán giả đứng ngồi không yên thốt lên: Đẹp quá! Hoành tráng quá!

Nhưng mà lạ, trước cái đẹp “sống và thật” đến rung rinh cả cảm xúc lẫn ghế ngồi đó (nhiều đợt pháo bắn dồn dập rung cả bàn ghế), rất nhiều người dường như vẫn cảm thấy háo hức với… màn hình hơn. Khi tiếng đếm ngược vang lên, hàng trăm, hàng ngàn chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng giương cao sáng lóa hướng về khu vực bắn. Thế là từ đó, bao nhiêu cái lấp lánh, chói ngời, lạ mắt, quyến rũ và cả sự kỳ công của đội trình diễn đều chỉ được gom trong khuôn khổ chiếc màn hình bé tẹo với độ phản ánh chẳng xi-nhê so với hình ảnh, âm thanh thật. Chưa kể, những chiếc camera này có vẻ thu hình khói nét hơn thu hình lung linh của pháo. Vậy mà hàng trăm, hàng ngàn chiếc camera tí hon vẫn quay mải miết cho đến hơn nửa phần trình diễn, chắc do mỏi tay nên vài người mới bắt đầu chịu hạ màn hình xuống ngồi ngắm cho khỏe.

Đúng là “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Người có vé ngồi ngay trước sân khấu để thưởng thức trọn vẹn những màn trình diễn sống động thì phớt lờ cái rộng lớn xung quanh để chăm chăm với màn hình be bé của mình. Ngược lại, khối người thích coi thì không có vé vào khán đài nên cơm đùm, cơm nắm ra xí phần vỉa hè, thành cầu, bờ sông từ rất sớm để chiếm được chỗ mà ngó cho đã. Có người đèo nhau từ Quảng Ngãi, Quảng Nam ra tận Đà Nẵng chỉ để thấy pháo hoa trên trời khác trên ti-vi nhà họ như răng rồi về.

Chắc những người có công ngồi quay lấy quay để ấy vì muốn lưu lại tất cả sự hấp dẫn mà họ có cơ hội chứng kiến hoặc để chia sẻ lại với bạn bè, người thân chưa có dịp đến xem hoặc có khi nhằm chứng minh với người khác rằng họ đã đến được với sân khấu pháo hoa ngoài trời thật. Tôi nghe ban tổ chức thông báo ít nhất 2 lần rằng chương trình được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia và một số đài địa phương; chưa kể có cả một trung tâm báo chí gồm rất nhiều nhà báo với đồ nghề loại xịn đang hết mình “hân hạnh được phục vụ” khán giả, độc giả, thính giả. Ta có không giương điện thoại lên thì mọi chuyển động của từng bông pháo cũng đều đã có người chuyên nghiệp hơn làm thế. Bạn bè, người thân cũng chẳng cần phải đợi “sản phẩm” của ta chuyển về vì họ đã có những nhà phục vụ người xem, người nghe, người đọc nhanh nhạy hơn. Và ta liệu có cần chứng minh rằng “Tôi đã có mặt ở chốn này” khi ta càng cố chứng minh, càng cho thấy ta ở đó mà không ở đó!

Đặc biệt, có một bộ phận chuyên nghiệp hơn bất kỳ chiếc máy thu hình nào giúp ta lưu tại từng khoảnh khắc đẹp, đó là các giác quan của chính ta. Mắt ta thấy, tai ta nghe, mũi ta cảm nhận, tim ta rộn ràng, lòng ta thổn thức, da ta nổi rần cảm xúc sung sướng, những điều này liệu có theo ta dài lâu hơn bộ nhớ của chiếc điện thoại hay máy tính bảng? Dài hay ngắn hơn thì chưa biết vì chẳng thể đo đếm, nhưng chắc chắn, cảm xúc sẽ theo ta, bên ta và trong ta bất kể lúc nào chứ không phải chỉ hiện lên mỗi lúc ta khởi động máy.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.