Sang Ireland học khởi nghiệp

.

Đoạt giải cao trong cuộc thi “Đường chạy khởi nghiệp” (“Startup Runway”) 2016, Trần Phương Thảo và Lê Thị Diễm (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) nhận được phần thưởng là 4 tuần học về khởi nghiệp tại vườn ươm Rubicon CIT (thuộc Viện Công nghệ Cork, Ireland)

Trần Phương Thảo (hàng trên, thứ 2 từ phải sang) và Lê Thị Diễm (hàng dưới, thứ 3 từ phải sang) cùng các sinh viên theo học khóa khởi nghiệp tại vườn ươm Rubicon CIT ở Ireland. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trần Phương Thảo (hàng trên, thứ 2 từ phải sang) và Lê Thị Diễm (hàng dưới, thứ 3 từ phải sang) cùng các sinh viên theo học khóa khởi nghiệp tại vườn ươm Rubicon CIT ở Ireland. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tháng 6-2016, vượt qua 66 dự án khác của sinh viên (SV) toàn thành phố, mô hình “Nuôi giun quế để làm thức ăn thủy sản và phân bón” của Lê Thị Diễm (SN 1995, SV khoa Thương mại) đã giành giải Nhất trong cuộc thi Startup Runway 2016 do trường ĐH Kinh tế phối hợp với Rubicon CIT tổ chức lần đầu tiên tại Đà Nẵng. Cũng trong cuộc thi ấy, Trần Phương Thảo (SN 1997, SV khoa Du lịch) giành ngôi vị á quân với dự án “Ứng dụng di động du lịch bụi cùng sinh viên”.

Với hai giải thưởng ấy, Diễm và Thảo đáp chuyến bay 16 tiếng đồng hồ, đến châu Âu tiếp tục “tầm sư học đạo” về khởi nghiệp. Đến Viện Công nghệ Cork (Ireland) vào mùa hè, hai cô bạn bất ngờ vì ký túc xá… vắng hoe. Thì ra, SV của trường đã nghỉ hè hết, còn số SV cùng theo học lớp khởi nghiệp của hai bạn chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20. Họ cũng là những người đoạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp tại Ireland.

Khóa học kéo dài trong vòng bốn tuần. Trong một phòng học được thiết kế như không gian làm việc chung, các SV được đào tạo về mô hình doanh nghiệp, các vấn đề pháp lý trong khởi nghiệp, cách gọi vốn, cách trình bày dự án để thu hút nhà đầu tư, cách tiếp thị và định vị thương hiệu cho sản phẩm,… Thay vì sắp xếp bàn ghế theo hàng lối, mỗi SV được phân một khu vực riêng trong gian phòng để tự do bài trí, sử dụng cho mục đích trình bày dự án khởi nghiệp của mình. Mỗi nội dung học, Rubicon CIT lại có một giảng viên đến trợ giúp lớp. Thảo kể, có lần cô bạn bất ngờ khi nhận ra người đang dạy mình lại là nhà sáng lập của một công ty khởi nghiệp có tiếng tại Ireland. “Thì ra, vì là một vườn ươm khởi nghiệp, Rubicon CIT “tận dụng” luôn nguồn CEO của các công ty khởi nghiệp đã từng ươm tạo để làm giảng viên khởi nghiệp”, Thảo cho biết.

Trong tuần học cuối cùng, các SV được đi trải nghiệm thực tế ở một số doanh nghiệp khởi nghiệp trong cùng lĩnh vực mình theo đuổi. Với dự án nuôi giun quế, Diễm lên đường đến vùng quê của Cork để thăm một… trang trại bò sữa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Còn Thảo thì bất ngờ khi được gặp một “ông lớn” trong ngành du lịch Ireland - người sáng lập một công ty chuyên cung cấp các chuyến đi ngắm cảnh lớn nhất của xứ sở cỏ ba lá này.

Diễm chia sẻ, sau bốn tuần vừa “du”, vừa “học”, điều làm cô bạn ấn tượng nhất không phải là cơ sở vật chất hiện đại của phương Tây, cũng không phải là những giờ học tại lớp. “Mình chú ý nhất đến cách mà các vườn ươm khởi nghiệp tại Ireland tạo ra một mạng lưới khởi nghiệp chặt chẽ, kết nối được những nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn nhỏ với những nhà khởi nghiệp - trong đó đa phần là sinh viên. Trong bốn tuần, mình làm một thành viên trong mạng lưới ấy và nhận ra nó quan trọng đến mức nào đối với người làm khởi nghiệp”, Diễm nói.

Còn đối với Thảo, những chi tiết nho nhỏ lại được cô bạn ghi chép và nhớ kỹ. Thảo kể, cuối khóa học, các SV có một buổi thuyết trình ý tưởng trước các nhà đầu tư thiên thần, trong đó có một vị Bộ trưởng của Ireland. Buổi thuyết trình rất quan trọng, nên ai cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cả tuần trước đó. Thảo còn nhớ trước khi bước vào phòng, các SV Ireland vẫn tự tin khẳng định mình đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng thể hiện, dẫu trên gương mặt không giấu nỗi vẻ căng thẳng. Chi tiết nhỏ ấy làm cô bạn ấn tượng, bởi “trong các lớp mình học trước đây ở Việt Nam, ít SV nào có thể tự tin như thế. Bọn mình thường nói về sự chuẩn bị chưa kỹ, sự lo lắng,… một phần cũng là để lỡ thuyết trình không tốt thì cũng… đỡ ngại. Chính thầy giáo mình cũng nói SV Việt Nam khiêm tốn quá mức. Thảo cho biết, “SV phương Tây có sự tự tin đáng để học hỏi, quả thực, sau 4 tuần, mình cảm thấy con người mình cũng thay đổi tích cực”.

Năm nay, Thảo và Diễm tiếp tục tham gia chương trình Startup Runway 2017, nhưng không còn ở vị trí thí sinh mà đã thành ban tổ chức. Trao đổi trước thềm cuộc thi, Giám đốc điều hành Rubicon CIT George Bulman cho biết rất ấn tượng với sự tiến bộ của các SV Đà Nẵng. “Tôi tin chắc đây cũng chính là một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của khởi nghiệp Đà Nẵng”.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.