.

Giải trí ở nông thôn: Dân kêu thiếu, nhà đầu tư quay lưng

.

Vài năm trở lại đây, các hoạt động văn hóa, giải trí ở nông thôn khá phong phú. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn đã kìm hãm người dân đến với các dịch vụ phải trả tiền, khiến những người đầu tư vào dịch vụ giải trí cũng rơi vào thế khó.

Trẻ em nông thôn thường chơi các trò “dân gian” như đá bóng, thả diều, câu cá… Ảnh: Q.T
Trẻ em nông thôn thường chơi các trò “dân gian” như đá bóng, thả diều, câu cá… Ảnh: Q.T

Giải trí kiểu… nông thôn!

Mùa này, bãi đất trống ở bên cạnh trụ sở UBND xã Hòa Liên vắng tanh, trong khi người viết từng chứng kiến sự cổ vũ náo nhiệt từ một trận bóng đá giao hữu sôi động của các bạn nhỏ vào một ngày hè vừa qua. Em Lê Văn Dương, học sinh Trường tiểu học Hòa Liên, cho biết: “Đi học về tụi em thường đi đá bóng, câu cá, thả diều. Nhưng chỉ những ngày nắng thôi, những ngày mưa dầm, rét rét như thế này là ba mẹ cấm ra khỏi nhà vì có nhiều rắn lục đuôi đỏ lắm. Tụi em chỉ ở nhà xem ti-vi thôi”.

Đi qua những miền quê, hình ảnh thường thấy là những em nhỏ hòa mình với nắng gió và chơi các trò chơi dân gian như: Nhảy dây, bắn bi, đá bóng, đá cầu. Những trò chơi ở nhà banh, nhà phao, lái xe điện… vốn quen thuộc với bọn trẻ ở phố trở nên xa xỉ với trẻ ở quê. Hiện tại, hầu như các xã ở huyện Hòa Vang đều có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng có lẽ do cách bài trí khô khan, nghèo nàn, thiếu sách báo, đồ chơi nên cũng không thu hút được các em nhỏ.

Hiện tại, 11/11 xã của huyện Hòa Vang đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng nhu cầu đời sống văn hóa của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Các chương trình ca nhạc, nghệ thuật chẳng mấy khi nào tổ chức ở nông thôn.

Dù mỗi năm, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng đều tổ chức các buổi chiếu phim lưu động về tận thôn nhưng xem ra vẫn không thể thỏa mãn giới trẻ nông thôn bởi đa số, các phim được chiếu đa phần thuộc thể loại tài liệu, lịch sử hoặc phim cũ. Hay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng tổ chức các buổi diễn miễn phí cho người dân, nhưng chỉ người già đi xem, lứa tuổi trung niên, thanh niên đều không mặn mà.

Cả huyện cũng không có một rạp chiếu phim nào, vì thế để có thể tiếp cận với các tác phẩm điện ảnh trong cũng như ngoài nước với người dân nông thôn là vấn đề cực kỳ khó khăn. Các tác phẩm văn học, sách báo mới xuất bản cũng khó được đưa về nông thôn,  người dân ở đây nếu có muốn tìm mua cũng không phải việc dễ dàng.

Không chỉ có trẻ em nông thôn thiếu khu vui chơi, cả người lớn cũng thiệt thòi về mặt thụ hưởng các sản phẩm văn hóa. Tại các xã như Hòa Phong, Hòa Nhơn… đều có các câu lạc bộ dưỡng sinh, thể thao cho người lớn tuổi, nhưng không phải ở thôn nào cũng có.

Các hội, đoàn thể cũng tổ chức các hoạt động như lễ hội truyền thống, văn nghệ quần chúng và các phong trào văn hóa như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng thôn văn hóa và nhiều phong trào xã hội khác… Tuy nhiên, đa phần các hoạt động chưa thực sự có chất lượng, chưa gắn bó được với đời sống quần chúng nhân dân, ít phát huy tác dụng.

Bà Nguyễn Thị Vân, thôn Bồ Bản 2, xã Hòa Phong bộc bạch: Hoạt động giải trí ở nông thôn còn khô khan, nghèo nàn lắm. Người nông dân sáng vác cuốc ra đồng, chiều tối vác cuốc về, chỉ đến tối mới “ngơi” tay, hoạt động giải trí duy nhất của nông dân là ở nhà xem ti-vi!

Theo chị Dương Thị Thanh Tâm (22 tuổi, con gái bà Vân), lớp thanh niên cùng lứa hiện nay đa số đều xuống phố thuê nhà trọ, xin làm công nhân, nhân viên; cuối tuần, cuối tháng mới về nên hầu hết nhà dân trên đây toàn người già, hoạt động giải trí vì thế hầu như không có.

Nhà đầu tư kêu khó!

Thực tế, huyện Hòa Vang không quá thiếu những khu vui chơi công cộng cho trẻ em, tuy nhiên, các khu vui chơi được lắp đặt tại các xã đa phần nghèo nàn về trò chơi. Nhiều khu vui chơi được xây dựng trong thời gian kéo dài (khi lắp được ½ trò chơi thì rào lại, tiếp tục xây dựng, đến khi xây dựng xong thì các trò đu quay, cầu trượt đều bị gỉ rét). Do đó, đìu hiu, vắng vẻ là tình trạng chung của các khu vui chơi công cộng trên địa bàn hiện nay.

Các điểm vui chơi do tư nhân mở (thường tại khuôn viên các chợ, gần trụ sở UBND…) thì các trò chơi đa dạng, phong phú hơn. Đơn cử như tại khuôn viên chợ Túy Loan, chiều lại là nhạc thiếu nhi đã mở rộn ràng. Người chủ đã bày ra nhà phao, nhà banh, cầu trượt, xe đạp đôi… “mời gọi” trẻ em nhưng vì có bán vé nên số lượng trẻ em đến chơi rất ít.

Theo một số người buôn bán tại chợ Túy Loan, chỉ những cặp vợ chồng là công chức hoặc gia đình có điều kiện thì mỗi chiều hoặc cuối tuần mới đưa trẻ đến đây chơi, còn con cái nhà nông, buôn bán thì hầu như không bao giờ, họa hoằn lắm có dịp lễ, Tết mới đến. Do đó, khu vui chơi này cũng khá ế ẩm.

Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VH-TT) của huyện Hòa Vang có mở các lớp dạy đàn organ, thanh nhạc, múa… nhưng mỗi lớp “giỏi lắm” chỉ có 20 em theo học. Hay, trung tâm cũng có cho thuê sân cỏ nhân tạo phục vụ thanh, thiếu niên với giá 80.000 đồng/giờ, tuy nhiên, thanh niên địa phương đến thuê đều được lấy giá… hữu nghị 50.000 đồng/giờ. Vậy mà sân luôn trong tình trạng vắng lặng bởi hiếm lắm mới có người đến thuê.

Ngay bên cạnh Trung tâm là quần thể sân bóng nhân tạo, bể bơi do Công ty TNHH Tùng An xây dựng. Tuy nhiên, sau nửa năm đi vào hoạt động, công ty đang gắng gượng duy trì vì vắng khách. Mặc dù, giá cho mỗi lần thuê sân là 100.000 đồng, chỉ bằng 1/3 giá tiền thuê sân cỏ nhân tạo ở phố; 1 lần bơi là 10.000 đồng (ở phố ít nhất 15.000 đồng/lần).

Ông Võ Văn Tùng, Giám đốc công ty thất vọng: Hồi đầu đi tìm hiểu thị trường thì thấy địa bàn nông thôn đang thiếu sân chơi cho thanh, thiếu niên nên chúng tôi mới đầu tư. Giờ đây, ngoài tôi, còn một vài cá nhân khác cũng đầu tư vào sân bóng nhưng đều rất ế ẩm vì thanh niên đi đâu hết. Hiện tại, sân này chỉ đón khoảng 3-4 lượt khách, thu nhập chưa đến 500.000 đồng/ngày.

Ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện cho biết, Hòa Vang là địa bàn có hơn 90% dân số làm nông nghiệp. Người nông dân làm lụng “một nắng hai sương”, bán ra 1 sào lúa được 300.000-400.000 đồng, trong khi học phí các môn năng khiếu là 150.000-200.000 đồng/tháng. Người dân không có tiền bỏ ra để hưởng thụ về tinh thần.

Hiện tại, ông Hải đang cố gắng kêu gọi xã hội hóa ở một số hạng mục cần thiết phục vụ nhu cầu tinh thần cho người dân. Gần nhất là xây dựng khu vui chơi với những trò chơi mới, hấp dẫn nhưng giá vé phải hạ xuống thấp nhất. Thay vì 10.000-15.000 đồng thì chỉ lấy 3.000-5.000 đồng/lần chơi. Có như vậy thì mọi người dân mới có điều kiện hưởng thụ.

Người nông dân có rất ít nhu cầu về giải trí bởi công việc đồng áng. Đồng tiền làm ra không phải trong ngày, hay cuối tháng nhận lương mà kéo dài cả năm mới thấy tiền. Vì còn phải lo từng bữa ăn, họ khó lòng nghĩ đến vấn đề giải trí. Ngoài ra, nhiều người ít có thói quen bỏ tiền ra để hưởng thụ văn hóa - giải trí, chỉ thích và quen với miễn phí. Vì vậy, xóa khoảng cách chênh lệch trong hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần giữa thành thị với nông thôn vẫn luôn là bài toán khó.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.