.

Ra phố đi... cày

.

Họa hoằn lắm mới thấy người ra quê ra phố mua sắm, vui chơi… Còn lại hầu như họ ra phố để mưu sinh. Cái nghiệp nhà nông không phải lúc nào cũng bận rộn mùa màng, thóc giống. Nhất là cái thời buổi làm gì cũng có máy móc.

Từ cày, bừa, cấy, hái cho chí gặt, đập đều có máy móc làm tất tần tật. Ngay cả nước tưới ruộng cũng có đội thủy lợi phụ trách. Ruộng càng ngày càng ít lại theo cái đà đô thị hóa nên buổi nông nhàn lại càng... nhàn hơn.

Nhiều phụ nữ nông thôn sau khi rời ruộng lúa ra “cày đường nhựa” để thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh minh họa: PHAN NGUYỆT
Nhiều phụ nữ nông thôn sau khi rời ruộng lúa ra “cày đường nhựa” để thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh minh họa: PHAN NGUYỆT

Nhưng cái sự nông nhàn cách đây mấy chục năm cũng có khác bây giờ. Ngày trước, lúc xong mùa vụ người ta tranh thủ sửa cái cày, cài bừa, lợp lại mái tranh, cột lại cái chuồng lợn. Cứ quẩn quanh trong nhà ra vườn là hết tháng hết ngày.

Tối về, luộc nồi khoai, rang mớ lạc... hãm ấm chè xanh mời xóm giềng sang trò chuyện. Trẻ con chơi rồng rắn, úp lá khoai. Vợ chồng trẻ rúc rích chơi trò “tay ải, tay ai” trong căn nhà thơm nồng mùi thóc lúa...

Bây giờ, hạnh phúc mang một gương mặt hiện đại hơn. Vì vậy để có được mái nhà kiên cố, nuôi mấy đứa con ăn học hết bậc phổ thông thì cha mẹ phải “cày mặt ra đường nhựa”. Mùa nông nhàn không còn nhàn nhã nữa.

Ở nông thôn không có việc làm, người ta đổ về thành phố kiếm sống. Mỗi ngày ra chợ đều gặp những phụ nữ gương mặt đầy lo toan, thật thà trong mua bán. Từ ba bốn giờ sáng, họ lặn lội theo những chuyến xe mang ra thành phố những mớ rau vừa hái trong vườn, đôi gà vừa mới nhảy ổ. Đôi khi chỉ vài ba chục trứng hay rổ khoai lang mới đào còn ướt đất phù sa… Tan chợ, họ tất tả trở về nhà mang theo chút hơi hướng của phố phường trong đôi quang gánh.

Ngày ngày trên con phố, những tiếng rao khắc khoải mua ve chai, tiếng mời chào đầy trắc ẩn khiến chúng ta không khỏi nao lòng. Trong số những người bán vé số, trái cây ở nội thành Đà Nẵng có không ít người nông nhàn từ vùng ngoại ô thành phố và tỉnh Quảng Nam đổ về.  

Không như những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có hẳn một chợ lao động, ở Đà Nẵng, cánh đàn ông khi mùa vụ đã ổn là lận lưng cái bay, cái bàn xoa... ra phố “cày” bằng các nghề phụ hồ, thợ nề. Gần thì nhảy xe buýt đi về trong ngày, xa thì ở lại cả tuần, thậm chí hàng tháng mới về. Những lúc đó, làng xóm vắng hoe, cửa nhà quạnh quẽ. Chỉ có trẻ con và người già…

Việc dòng người nông thôn đổ về thành phố sau vụ mùa đã khiến cho nghề nông từ lâu đời trở thành bán thuần nông. Nông dân lấy việc “cày đường nhựa” để lấy tiền mua giống má, phân tro và cả việc giỗ chạp, nuôi con ăn học cũng trông chờ từ đồng tiền bán sức lao động từ thành phố mang về. Thậm chí có nhiều người bỏ hẳn việc nhà nông, ra “cày” ở phố kiếm tiền về thuê người làm ruộng, có khi giao hẳn đất cho người khác làm, đến cuối mùa ăn chia theo thỏa thuận để có hạt gạo ăn quanh năm.

Ra phố mưu sinh lúc nông nhàn là một phần tất yếu của đời sống nông thôn hiện nay vậy.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.