.

Những người thầy rời xa bục giảng

.

Thường đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, người ta hay nghĩ nhiều đến, thậm chí chỉ nghĩ đến những người thầy đang đứng trên bục giảng - những cô giáo/thầy giáo đang hành nghề dạy học, đang tác nghiệp trước đông đảo học trò. Và đương nhiên vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, những người thầy đang đứng trên bục giảng được đông đảo học trò - cùng cha mẹ các em - dành cho nhiều tình cảm quý trọng và lòng biết ơn sâu sắc theo tinh thần tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc. Thế nhưng cũng rất xứng đáng được nghĩ đến và được tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam là những người thầy đã xa rời bục giảng - những cô giáo/thầy giáo không còn hành nghề dạy học, không còn tác nghiệp trước đông đảo học trò. Đó là những người từng có thời gian làm nghề dạy học nhưng vì nhiều duyên cớ khác nhau mà từ lâu hay mới gần đây đã không còn đứng trên bục giảng…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trước hết rất xứng đáng được nghĩ đến và được tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam là những người thầy nghỉ hưu. Các cô giáo/thầy giáo sau một đời lao động dạy học nhọc nhằn nay được trở về đời thường, có thêm quỹ thời gian để làm điều mình thích và an hưởng tuổi già. Cũng có một số người sau đó vẫn tiếp tục cầm phấn - làm gia sư hoặc đứng lớp dạy thêm, nhưng số đông đã thực sự rời bục giảng. Một năm sau hoặc vài năm sau đó, họ bắt đầu tập thích nghi với việc Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm sẽ không còn học trò tấp nập đến thăm hỏi chúc mừng. Họ hoài niệm và lấy làm vui với ngày xưa. Có cô giáo nhớ lại hồi còn đi dạy, cứ đến ngày 20 tháng 11 hằng năm, học sinh lớp cô chủ nhiệm kéo đến nhà cô.  Mỗi lần chia tay cô,  cả lớp đồng thanh hát, năm thì “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền!”, năm thì “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/ Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/ Có những bài ca nghe rạo rực lòng người…”. Khi tiễn học trò ra đến cổng, cô còn nghe các em bàn nhau: Giờ đến nhà thầy, bọn mình hát bài gì hè? Tiếng hát vô tư hồn nhiên kia, dẫu nhịp với phách xem chừng sai cả, nhưng đã thực sự chạm vào trái tim người dạy học.

Rất xứng đáng được nghĩ đến và được tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam còn phải kể đến những người vì sinh kế hay công vụ mà dẫu rất yêu nghề vẫn phải rời bục giảng. Giống những đồng nghiệp nghỉ hưu nói ở trên, họ - kẻ ít tháng người nhiều năm - cũng từng theo đuổi nghề dạy học, cũng từng có học trò và cũng từng trải qua các cung bậc cảm xúc trong những ngày Nhà giáo Việt Nam. Có điều hoàn cảnh không cho phép họ đi đến cùng con đường họ đã chọn hoặc đã chọn họ. Biết làm sao được, họ buộc phải có sự lựa chọn khác, có thể không chỉ một lần. Có khi do “cơm áo không đùa…” (thơ Xuân Diệu). Cũng có khi một tờ giấy A4 - quyết định điều động công tác - đã đủ khiến đời họ sang một trang mới. Và ở những nơi ngoài bục giảng ấy - trên thương trường hoặc trên chính trường - vào mùa tựu trường và nhất là vào ngày 20 tháng 11 hằng năm, họ thường nhớ về ngày xưa/nghề cũ. Một số trong họ sau khi rời bục giảng thi thoảng vẫn được học trò đến thăm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Có thể ngày xưa họ thấy chuyện trò thăm thầy vào dịp này cũng bình thường, cả thiên hạ đều vậy. Còn giờ đây, với họ… mới thực sự là có ý nghĩa. Giờ đây có thể họ giao du rộng, có những quan hệ mới phái sinh, nhưng tình thầy trò bùng cháy khi họ đã rời bục giảng dường như ấm áp hơn. Và họ tự dặn lòng: Mình từng đứng trên bục giảng…

Từng đứng trên bục giảng - với họ - nghĩa là từng có phẩm chất người thầy. Họ nghĩ phẩm chất người thầy đòi hỏi họ dẫu đã rời xa bục giảng vẫn phải sống sao cho tử tế. Họ biết làm người tử tế không dễ, bởi tử tế cần độ bền. Để thành công trên thương trường hoặc trên chính trường, họ cần tinh tế. Có điều, người tinh tế thi thoảng không thật tinh tế một chút cũng không sao, cũng vẫn là người tinh tế. Trong khi đó người tử tế không thể thi thoảng lại không… tử tế! Từng đứng trên bục giảng, họ tự dặn lòng: Phải luôn là người tử tế… Đã rời xa bục giảng, họ hiểu họ không thể nào được vinh danh nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân như một số đồng nghiệp ngày xưa của mình. Họ thật sự ngưỡng mộ các đồng nghiệp được vinh danh nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân và cảm thấy… thơm lây. Họ tự an ủi: Thôi cố giữ cho được phẩm chất người thầy, cố giữ cho được độ bền của sự tử tế là quý rồi, là nhà giáo rồi, dẫu chỉ là nhà-giáo-không-bục-giảng. Từ đó họ cảm thấy thực lòng ngưỡng mộ đối với tất cả những ai - cả những người đang đứng trên bục giảng lẫn những người đã rời bục giảng - vẫn còn được xứng đáng vinh danh là nhà giáo!

Rất xứng đáng được nghĩ đến và được tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam còn có thể kể đến những người thầy rời bục giảng ngay trên… bục giảng. Ai rồi cũng một lần “đi về phía vuông tròn” (thơ Trương Nam Hương), người dạy học cũng không ngoại lệ, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là những người dạy học ra đi khi đang đứng trên bục giảng. Ngày 25 tháng 3 năm 1969, trên giảng đường Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, thầy giáo - nhà thơ Đông Hồ đã đột quỵ và qua đời khi giảng cho sinh viên bài thơ Trưng Nữ vương của nữ thi sĩ Ngân Giang, đúng vào lúc Thầy đang ngâm đến câu: “Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.