.

Cách chức khi không còn chức: Có tiền lệ trong lịch sử

.

Mấy hôm nay dư luận và công luận, đang luận bàn về chuyện cách chức khi không còn chức đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương. Có người nói là chưa có tiền lệ. Nhưng nếu tìm trong lịch sử thì sẽ có đáp án. Rõ nhất, và gần nhất có lẽ là trường hợp Thoại Ngọc Hầu (1761-1829), công thần khai quốc triều Nguyễn. Ông tên là Nguyễn Văn Thoại, quê ở làng An Hải, nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông là người có công phò giá Nguyễn Phúc Ánh, có nhiều công lao trong các lĩnh vực quân sự, ngoại giao, xây dựng các công trình giao thông - thủy lợi, khai phá đất đai ở lưu vực sông Hậu và bảo vệ biên cương rộng dài vùng tây nam của Tổ quốc.

Tên tuổi Thoại Ngọc Hầu đã gắn liền với cả vùng đất Nam Bộ trù phú. Khi trấn nhiệm ở vùng đất này ông có công gom dân lập ấp, khai mở nhiều làng xã, nhiều tuyến đường bộ, xây nhiều cây cầu qua sông rạch. Năm 1818, ông phụng mệnh thiết kế, tổ chức đào kênh nối  Đông Xuyên - Rạch Giá dài hơn 12km, hoàn thành trong thời gian 4 tháng. Biểu dương công trạng của Thoại Ngọc Hầu, vua Gia Long đặt tên con kênh này là Thoại Hà và đặt tên cho ngọn núi phía đông Thoại Hà là Thoại Sơn.

Năm 1819 ông tiếp tục phụng chỉ thiết kế và chỉ huy đào kênh nối Châu Đốc – Hà Tiên dài gần 100km, trong thời gian 5 năm. Công trình hoàn thành, năm 1824, vua Minh Mạng đặt tên cho dòng kênh này là Vĩnh Tế Hà.

Núi Sam ở bên cạnh cũng được đổi tên là Vĩnh Tế Sơn - lấy tên bà Châu Thị Vĩnh Tế, nhất phẩm phu nhân của Thoại Ngọc Hầu đặt tên cho kênh và núi. Thoại Hà và Vĩnh Tế Hà là hai công trình giao thông - thủy lợi lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long, cho nên Thoại Ngọc Hầu được người đời sau tặng danh hiệu nhà doanh điền và thủy lợi - giống như cụ Nguyễn Công Trứ được phong tặng danh hiệu nhà quy hoạch, kỹ sư dinh điền, vị khai canh của cả hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829 khi đang trấn nhậm ở Châu Đốc, sau 52 năm làm công bộc của dân. Chữ tài liền với chữ tai, ông đã không tránh khỏi sự đố kỵ, ganh ghét. Năm 1832, khi đã thành người thiên cổ, ông bị kẻ xấu vu vạ. Vua Minh Mạng giáng ông từ hàm Nhị phẩm xuống Ngũ phẩm, tịch biên toàn bộ tài sản, ruộng vườn, tước quyền tập ấm của con trai.

Bài viết trên chuyên mục này không đủ dung lượng để phân tích sự bất minh của triều Nguyễn và giải án oan sai cho Thoại Ngọc Hầu, người viết chỉ đưa ra một tiền lệ trong lịch sử nước nhà, chí ít cũng có một tư liệu tham khảo, mở ra một hướng nghiên cứu để vận vào trường hợp ông Vũ Huy Hoàng.

THANH TÙNG

;
.
.
.
.
.