.

Lắng nghe bằng trái tim

.

Tháng 4 năm 2016, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và đổi tên thành Luật Trẻ em. Một trong những điểm mới lần này là khuyến khích “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” (từ Điều 74 đến Điều 78) và quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Nhóm học sinh đại diện trẻ em quận Liên Chiểu tham gia thảo luận ý kiến nhằm đề xuất với lãnh đạo thành phố tại Diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói 2016.  Ảnh: T.Y
Nhóm học sinh đại diện trẻ em quận Liên Chiểu tham gia thảo luận ý kiến nhằm đề xuất với lãnh đạo thành phố tại Diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói 2016. Ảnh: T.Y

1. Ngồi giữa không gian có gần nghìn đứa trẻ đang dõi theo lời ca, điệu múa sôi động, đầy cuốn hút trên sân khấu “Đêm hội trăng rằm - Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” lần thứ 9 năm 2016, tổ chức tại công viên phía đông cầu Rồng tối 11-9, nhưng ánh mắt em Ngô Thị Mai, học sinh lớp 6/1, Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) vẫn phảng phất một nỗi buồn. Mai lặng lẽ ngắm nhìn em bé đang cười thật tươi trong vòng tay ba mẹ. Mai ít cười, thỉnh thoảng lắm mới thấy em quay sang nói gì đó với người chị đồng hành Phan Thị Bích Ri, học sinh lớp 9/1 cùng trường.

Gần 6 năm qua, từ xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, chị em Ngô Thị Mai được ông bà nội mang ra Đà Nẵng gửi gắm vào Làng Hy Vọng. Khi ấy Mai chuẩn bị bước vào lớp 1, và em trai Mai, 5 tuổi. Mai kể mình mồ côi mẹ từ nhỏ, ba suốt ngày rượu chè, có nhiều đêm không chịu về nhà, bỏ hai chị lăn lóc trong cảnh đói khát triền miên.

Thấy tình cảnh này, ông bà nội Mai dù rất thương cháu nhưng gia cảnh nghèo khó không thể mang chị em Mai về nuôi dưỡng. Sau nhiều đêm trăn trở, tìm hiểu, ông bà quyết định khăn gói ra Đà Nẵng gửi gắm hai đứa vào Làng Hy Vọng với mong muốn chúng nó được ăn no, ngủ ngon và tránh nhìn thấy hình ảnh người cha thường xuyên say xỉn, đập phá trong nhà.

Dần dà, Mai và em trai quen dần cảnh sống xa gia đình, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người thân, xa luôn những đứa bạn sống gần nhà suốt năm tháng tuổi thơ. Mỗi năm vào dịp Tết hoặc nghỉ hè, chị em Mai mới được người thân ở quê ra đón về quê chơi vài ngày với ông bà. Hỏi, em mong muốn điều gì nhất, Mai trả lời rất gọn ghẽ: Em mong mình có một gia đình với đầy đủ ba và má. Mong có một ngôi nhà để trở về và thường tưởng tượng cảnh má còn sống, em sẽ nhờ má chỉ cho mình làm bài tập về nhà khi cần.

Trái ngược với Mai, Phan Thị Bích Ri sinh ra và lớn lên tại vùng biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ri có đầy đủ cha mẹ, nhưng vì gia cảnh nghèo khó, nhà đông con nên Ri được gửi gắm ra sinh sống và học tập tại Làng Hy Vọng.

Năm nay học lớp 9, ở phố cũng đủ lâu, nhưng cái chân chất, thật thà của một cô bé lớn lên tại vùng biển vẫn ẩn hiện trong tiếng nói, cách cười và những chia sẻ thật thà, dung dị. Để rồi, khi bất chợt nhìn thấy những đứa trẻ đang nũng nịu trong vòng tay ba má đi xem múa lân, tôi chợt nghĩ rằng, ông bà nội của Mai và ba má của Ri mới chỉ bảo vệ con cháu bằng cách chọn cho các em một nơi để được đi học, được ăn uống đủ đầy. Họ quên rằng, tuổi thơ của các em rất cần mái ấm tình thương từ gia đình, điều mà mỗi người lớn, bằng tình thương và trách nhiệm, đều có thể mang lại cho con trẻ của mình.

2. Từ năm 2015, “Lắng nghe trẻ em nói” không còn đơn thuần là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em, mà trở thành một điều trong dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi trình Quốc hội thông qua năm 2016. Từ cơ sở đề xuất này, năm 2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và đổi tên thành Luật Trẻ em.

Một trong những điểm mới lần này là khuyến khích “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em” (từ Điều 74 đến Điều 78) và quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, làm thế nào để những đứa trẻ có cơ hội nói lên tiếng nói (hay đề đạt nguyện vọng của mình) mà không bị người lớn định hướng vẫn còn là câu chuyện dài.

Ngày 26-8 vừa qua, 150 trẻ em đến từ 7 quận, huyện và các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tham gia diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em và Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Thoạt nhìn, chương trình diễn ra khá thành công bởi các nhóm đã mạnh dạn bày tỏ chính kiến, quan điểm xung quanh quyền tham gia của trẻ em trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; về phòng chống tai nạn thương tích; về bạo lực học đường; về sân chơi cho trẻ…

Thế nhưng, khi nghe xong những ý kiến đã được duyệt qua bởi Ban tổ chức, những ý kiến được trau chuốt lời thoại, không ít người lớn có mặt tại đó đã nén tiếng thở dài, bởi đa số vấn đề các em đưa ra không quá mới mẻ và chưa thể đại diện cho đại đa số những em bé mồ côi, hoặc đang phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của gia đình.

Chị Nguyễn Thị A, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu thẳng thắn bày tỏ rằng, những diễn đàn được tổ chức hiện nay còn nặng tính hình thức. Đơn cử, “Lắng nghe trẻ em nói” chỉ được tổ chức ở cấp tỉnh, thành đến quốc gia, chưa được tổ chức tại cộng đồng hay cấp xã, phường nhằm lấy được những ý kiến từ dưới lên.

Bên cạnh đó, những em được chọn tham gia diễn đàn thường là học sinh có học lực khá, giỏi, có cuộc sống đủ đầy. Ngoài ra, do diễn đàn còn có phần thi tiểu phẩm nên các đơn vị tham gia chủ yếu chọn những em có hình thức và có khiếu ăn nói trên sân khấu, điều này vô tình biến các em thành những “diễn viên” chứ không phải đến để nói lên suy nghĩ của chính mình.

3. Là nước đang phát triển, vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam chỉ mới chú trọng đến cái ăn, cái mặc của trẻ mà chưa đi vào chiều sâu và chưa nhân rộng ra cộng đồng. Vẫn còn đó hàng ngàn đứa trẻ bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động một cách âm thầm mà chưa được các cơ quan, đoàn thể hay tổ chức đứng ra bảo vệ.

Một cô giáo (xin giấu tên) đang công tác tại quận Hải Châu chia sẻ trong lần đứng lớp, cô để ý đến cô bé lớp 6 có dáng người gầy gò, thỉnh thoảng nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường bằng ánh mắt lo lắng, không yên.

Cuối giờ học, cô giáo gọi em ra sân trường hỏi chuyện mới biết rằng em thường xuyên bị nhóm bạn khác đuổi đánh và dọa nạt vào giờ tan trường. Sau đó, cô giáo âm thầm tìm hiểu thì được biết, cậu học sinh thường hiếp đáp cô học trò của mình đang sống trong một gia đình nghèo có ba say xỉn, hay đánh chửi mẹ mỗi khi có dịp.

Người mẹ vô cùng đau khổ và mang sự bực tức trút giận lên đầu con. Chán nản, chây ỳ trước đòn đau và ngôi nhà không hạnh phúc, cậu bé dần trở nên bất cần, lập hội nhóm để hiếp đáp bạn bè ốm yếu hơn mình. Câu chuyện sau đó đã được cô giáo trình bày trong cuộc họp với Hội đồng Sư phạm trường và nhà trường đã có những động thái tích cực nhằm giúp cả 2 em học sinh thoát khỏi cảnh bạo hành đã tồn tại âm ỉ trong một thời gian dài. Câu chuyện đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về bạo lực gia đình hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý cũng như hành động, thái độ của trẻ em hiện nay.

Luật Trẻ em 2016 quy định, quyền tham gia của trẻ em bao gồm quyền được tiếp cận thông tin phù hợp với lứa tuổi của mình. Các em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình về các vấn đề ảnh hưởng đến các em, quyền được người lớn lắng nghe và phản hồi các kiến nghị, ý kiến của mình…

Nói có vẻ to tát, nhưng thật ra, mỗi đứa trẻ chỉ cần được cha mẹ, người thân và thầy cô thấu hiểu, lắng nghe là đủ. Ai cũng hiểu rằng, lắng nghe không phải là làm theo mọi yêu cầu của trẻ, mà để dạy cho trẻ điều hay lẽ phải, tôn trọng suy nghĩ của trẻ, từ đó phân tích cho trẻ thấy những gì các em nên làm và nên tránh để có được những năm tháng tuổi thơ yên bình, hạnh phúc. Và chỉ khi nào, người lớn chịu lắng nghe và lắng nghe trẻ bằng cả trái tim, bằng ký ức tuổi thơ mình, thì việc lắng nghe ấy không phải là quá khó.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.