.

Cà-phê trên đường Bạch Đằng

.

Nếu có dịp đến Đà Nẵng, hẳn du khách khó lòng bỏ qua việc dạo chơi trên con đường Bạch Đằng thơ mộng, dừng chân ngắm phố và thưởng thức ly cà-phê khi đêm về.

Ngắm Sông Hàn từ cà-phê Memory Lounge - Đà Nẵng.Ảnh: Internet
Ngắm Sông Hàn từ cà-phê Memory Lounge - Đà Nẵng.Ảnh: Internet

1. Nằm ven sông Hàn, đường Bạch Đằng chứng kiến bao sự đổi thay của thành phố. Mươi năm trở lại đây, thành phố tập trung đầu tư nhiều hạng mục cảnh quan, cộng với việc người dân đầu tư xây dựng nhiều quán cà-phê, giải khát đẹp, con đường trở thành địa điểm thu hút và tập trung rất đông người dân và du khách đến tham quan, thư giãn. Đặc biệt về đêm, ngồi nhâm nhi cà-phê ở đường Bạch Đằng, người ta có thể nhìn thấy ánh đèn từ những cây cầu bắc qua sông Hàn khiến quãng sông dài chảy trong lòng thành phố trở thành “dòng sông ánh sáng” lung linh, huyền ảo.

Đối với người dân Đà Nẵng, hè phố Bạch Đằng trở thành không gian giao tiếp cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú. Người già đến đây để thư giãn, đánh cờ, ngắm dòng sông, phố xá; thanh-thiếu niên đến đây để thưởng thức những thức uống Á-Âu và rôm rả chuyện trò. Bạch Đằng cũng chính là con đường mà người Đà Nẵng mỗi khi đón khách phương xa thường đưa bạn đến ngồi, thưởng thức ly cà-phê thơm và nhìn ngắm nhịp đời trôi qua trên phố.

 Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đường Bạch Đằng hiện đã được UBND thành phố quy hoạch là một trong 8 tuyến đường Phố dịch vụ du lịch và trung tâm mua sắm (giải khát, cà-phê, bar, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, dịch vụ lữ hành, dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi, gym & spa... và trung tâm mua sắm). Con đường này vốn dĩ từ lâu đã mang trong mình bao nét xưa phố cũ hài hòa với những công trình kiến trúc hiện đại nên những quán cà-phê ở đây cũng mang nét đẹp riêng. Nơi đây tập trung những quán bar, pub nhỏ. Ngay đầu đường Bạch Đằng giao với Thái Phiên là bar Bamboo2, một địa chỉ quen thuộc với nhiều du khách, nhất là người nước ngoài.

Đường Bạch Đằng đẹp nhất mỗi khi phố lên đèn. Đó là lúc hàng loạt quán cà-phê cao cấp như BoA, Highlands, Memory Lounge, Luxury… hắt ánh sáng vàng dịu dàng vào đêm. Anh Lưu Ngọc (một hướng dẫn viên du lịch tự do) cho biết, rất nhiều du khách đến Đà Nẵng đã yêu cầu anh dẫn đến cà-phê trên đường Bạch Đằng chỉ để ngồi ngắm nhìn nhịp sống hối hả của phố đêm. “Hiện nay, du khách trước khi đến Đà Nẵng đều tìm hiểu thông tin trên mạng.

Và họ biết rằng, đường Bạch Đằng có những quán cà-phê rất tuyệt, thực đơn đa dạng, phong phú với các loại thức uống, ngoài ra các món bánh và kem rất ngon và đậm đà. Phong cách phục vụ chu đáo, thân thiện. Và ai cũng muốn được trải nghiệm không khí Đà thành ở đây”, anh Ngọc nói. Bên cạnh những quán cà-phê mang phong cách châu Âu, Cộng cà-phê lại là một điểm xuyết khác.

Đó là không gian mà mọi vật dụng hầu như gắn bó một thời với thế hệ 6x, 7x, sẽ khiến du khách như sống lại ký ức gian khó mà chan chứa yêu thương. Mỗi ngày đêm, Cộng cà-phê đón gần 400 lượt khách là minh chứng cho thấy, người ta không bao giờ quay lưng với quá khứ mà lúc nào cũng muốn tìm về. Hầu như các quán cà-phê trên đường Bạch Đằng đều tuyển nhân viên có thể giao tiếp bằng tiếng Anh để phục vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của khách nước ngoài.

2. Không cần vào quán cà-phê sang trọng, các quán nhỏ với vài bộ bàn ghế nhựa, phục vụ những thức uống nhanh như cà-phê, nước ngọt, nước mía, nước dừa... đủ giúp du khách ngắm thành phố đêm yên bình bên dòng sông Hàn… Những quán này do người dân sinh sống trên tuyến đường tự mở nhằm không “đứng ngoài cuộc chơi” trước cơn sóng phát triển du lịch.

Mỗi ngày bà Nguyễn Thị Tấn Cường (số nhà 196 Bạch Đằng) cùng em gái và các cháu chuẩn bị rau câu trái dừa từ sáng để kịp phục vụ vì 18, 19 giờ là đã có khách và lượng khách duy trì ổn định đến tận 23 giờ. Bà Cường cho biết, từ ngày có “Cầu Rồng phun lửa” mỗi tối cuối tuần, lượng khách đến đường Bạch Đằng rất đông, nhiều đêm không đủ bàn ghế để phục vụ. Tuy nhiên, sự nhộn nhịp của hàng quán trên đường Bạch Đằng chỉ kéo dài từ đầu cầu Rồng đến cầu Sông Hàn, từ cầu Sông Hàn về phía cầu Thuận Phước, nhịp độ có vẻ yên ắng hơn. Sự phát triển nhộn nhịp cũng kéo theo sự cạnh tranh của hàng quán trên tuyến đường này. Rất nhiều du khách, người dân đã tỏ thái độ bực bội khi vừa dừng xe đã bị 2, 3 nhân viên của các quán đến lôi kéo.

Thêm vào đó, mặc dù khách đỗ xe bên kia đường, trong vạch cho phép nhưng nếu không vào uống quán đó, nhân viên sẽ đến nhắc nhở không cho đậu xe. Nhiều bạn sinh viên chỉ có nhu cầu đến đường Bạch Đằng đi dạo nhưng đi một vòng hết con đường cũng không tìm đâu ra một chỗ đậu xe máy khi các quán đã “để dành” đất cho khách quán mình đậu xe. Nhìn những khuôn mặt tiu nghỉu của những bạn sinh viên cứ thấy trái trái với sự ồn ã, phồn hoa của đường Bạch Đằng như thế nào…

Trong khi Đà Nẵng vẫn còn thiếu những điểm vui chơi về đêm thì đường Bạch Đằng trở thành điểm đến cần được nâng niu, phát triển đầu tư. Đó là cần có quy hoạch đồng bộ, mở thêm những hoạt động về phía bắc con đường, làm đa dạng, phong phú các hoạt động về đêm, để đường Bạch Đằng còn “hút” khách hơn nữa.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.