.

Cần một vòng tay ấm áp

.

Theo các thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK) ở nước ta hiện có xu hướng gia tăng. Ước tính, đến năm 2020, tổng số trẻ em có HCĐBKK của nước ta sẽ chạm ngưỡng 1,8 triệu em, trong đó có 223.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, 27.000 trẻ nhiễm HIV/AIDS, 265.000 trẻ em khuyết tật nặng và trẻ là nạn nhân của chất độc hóa học... Vì vậy, vấn đề bảo vệ, chăm sóc trực tiếp, dự phòng đối với những trẻ em có HCĐBKK được đặt ra bức thiết.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Sống độc lập.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Sống độc lập.

Để các em được “Sống độc lập”

Năm nay đã 16 tuổi, song Lê B. (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) vẫn chưa biết giao tiếp, suốt ngày thui thủi ở nơi góc nhà, không thể tự lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân. Bảo bị down ở thể nặng từ trong bụng mẹ, 16 năm nuôi con, chưa ngày nào chị T.T.H – mẹ B. có thể nở nụ cười trọn vẹn. Những nỗi lo cứ ngày mỗi lớn dày vò tâm can người mẹ khi nghĩ đến mai kia bản thân già yếu, có mệnh hệ gì thì ai chăm con...

Vì vậy, thật khó nói hết niềm hạnh phúc của người mẹ ấy khi lần đầu tiên thấy đứa con có số phận kém may mắn của mình có thể tự diễn đạt được điều muốn nói, có thể nhìn mẹ cười đầy ý tứ, tự tay rửa chén, quét nhà... Cuộc sống của B. và nhiều đứa trẻ cùng chung số phận đã thay đổi kể từ khi tham gia Câu lạc bộ (CLB) Sống độc lập thuộc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội (CTXH) Đà Nẵng – trực thuộc Sở  LĐ-TB&XH.

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm, người dành nhiều tâm huyết đối với CLB Sống độc lập từ ngày đầu thành lập (tháng 1-2016) đến nay chia sẻ: CLB được thành lập nhằm hỗ trợ kỹ năng sống độc lập cho các em có khó khăn về mặt trí tuệ, giúp các em khám phá sức mạnh của bản thân và độc lập trong cuộc sống.

CLB đang hỗ trợ kỹ năng sống cho trên dưới 10 trẻ bị chứng down, tự kỷ, chậm phát triển hoặc một số vấn đề bất thường về tâm lý, trí tuệ so với các trẻ khác. Hoạt động của CLB bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều thứ bảy hằng tuần. Đến với CLB, các trẻ khuyết tật được các chuyên viên khơi gợi khả năng giao tiếp, sinh hoạt nhóm, hướng dẫn các kỹ năng làm một số sản phẩm thủ công đơn giản như vòng đeo tay, làm thiệp, cắm hoa…

Đặc biệt, giờ trưa các em được cùng các cô đi chợ, nhặt rau, nấu ăn, rửa chén, quét nhà… - những công việc rất đời thường nhưng trước đây ở nhà dường như các em chưa bao giờ được làm. Chiều đến thì vẽ tranh, nghe nhạc… “Không ai nghĩ các em có thể mô phỏng được các động tác khá phức tạp của điệu nhảy Gangnamstye, nhưng các em đã làm rất tốt, có em còn thể hiện khả năng cảm thụ âm nhạc đặc biệt.

Chúng tôi có thể cảm nhận được niềm vui, những thay đổi trong ánh mắt, nụ cười của các em. Và điều quan trọng nhất, khi đến đây, các em dần lấy lại sự tự tin, ý thức được giá trị của bản thân mình”, chị Lê Thị Sinh – thành viên của CLB Sống độc lập xúc động bày tỏ.

Trẻ có vấn đề về tâm lý, chậm phát triển được học các kỹ năng tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng.
Trẻ có vấn đề về tâm lý, chậm phát triển được học các kỹ năng tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng.

Nhân rộng các mô hình chăm sóc tại cộng đồng

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn thành phố hiện có 2.828 trẻ em (dưới 16 tuổi) có HCĐBKK, chiếm tỷ lệ 1,3% dân số trẻ em, trong đó có 2.178 trẻ em khuyết tật, số còn lại là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em vi phạm pháp luật... Ngoài ra, có khoảng gần 24.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐBKK khi sống trong gia đình nghèo, gia đình có vấn đề xã hội, trẻ bị tai nạn thương tích...

Hiện chỉ có gần 600 trẻ em có HCĐBKK được nuôi dưỡng tại 10 cơ sở trợ giúp trẻ em (các Trung tâm bảo trợ) công lập và ngoài công lập. Những trẻ còn lại chủ yếu được chăm sóc tại cộng đồng. Vì vậy, theo ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, vấn đề cần quan tâm hiện nay, ngoài các Trung tâm bảo trợ,  trẻ  có HCĐBKK được chăm sóc như thế nào tại cộng đồng.

Cũng theo ông Nguyên, hiện đơn vị thực hiện chức năng chăm sóc trẻ em có HCĐBKK tại cộng đồng đạt nhiều hiệu quả đáng khích lệ chính là Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH. Bên cạnh hoạt động của CLB Sống độc lập kể trên, Trung tâm còn cung cấp nhiều mô hình dịch vụ hiệu quả, trong đó có thể kể đến mô hình “3 trong 1” dành cho trẻ bị rối nhiễu tâm lý – Mô hình được chọn làm thí điểm cơ sở phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí theo định hướng Đề án 1215 của Chính phủ vừa qua.

Khác với các cơ sở y tế, dịch vụ CTXH “3 trong 1” cho trẻ em bị rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm được thực hiện đồng bộ cả 3 hoạt động: can thiệp trị liệu cho trẻ, tham vấn tâm lý cho phụ huynh và trợ giúp xã hội cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc đánh giá các chỉ số phát triển tâm lý, căn cứ vào kết luận của bác sĩ, Trung tâm cùng phụ huynh lên kế hoạch can thiệp, hỗ trợ trị liệu tâm lý, hành vi cho trẻ. Hoạt động đánh giá, sàng lọc và trị liệu tâm lý cho trẻ em được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ cùng mạng lưới cộng tác viên tại cộng đồng, các thầy cô giáo ở trường học, các bệnh viện và sự tham gia của gia đình.

Trong mô hình này, gia đình đóng vai trò quan trọng, cùng tham gia xây dựng kế hoạch can thiệp, thực hiện quy trình can thiệp trị liệu cho trẻ với các liệu pháp âm nhạc, lao động, nghệ thuật, vật lý trị liệu, thể dục thể thao, khiêu vũ và liệu pháp Yoga... Đồng thời, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được khảo sát nhu cầu, huy động nguồn lực trợ giúp gia đình phát triển kinh tế, để có điều kiện chăm sóc trẻ.

Tuy số lượng can thiệp trị liệu tại Trung tâm còn khiêm tốn, song khi tham gia với mô hình “3 trong 1”, nhiều trẻ có tiến bộ rõ rệt trong phát triển tâm lý và hành vi. Nhiều gia đình được kết nối thêm nguồn lực từ các chương trình dự án khác để nâng cao năng lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, có điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn.  

Ngoài Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH, các trẻ em có HCĐBKK được bảo vệ đặc biệt thông qua hệ thống chăm sóc cộng đồng được thành lập ở mỗi xã, phường/quận, huyện. Hiện 56 xã, phường trên toàn thành phố đều có các địa chỉ giúp đỡ khẩn cấp, tư vấn tâm lý các trẻ em có HCĐBKK do các cán bộ chuyên trách trẻ em xã/phường đảm trách. Đồng thời, toàn thành phố hiện có hơn 1.000 cộng tác viên tổ/thôn thường xuyên được tập huấn các kiến thức, kỹ năng giúp trẻ có HCĐBKK tại địa phương.

Thiết lập đường dây tư vấn miễn phí 18001046: phát hiện, can thiệp và bảo vệ kịp thời các trường hợp trẻ em cần được trợ giúp; hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi; tìm kiếm hình thức chăm sóc, tham vấn trị liệu tâm lý; can thiệp phục hồi cho trẻ khuyết tật, trẻ là nạn nhân của bạo lực, xâm hại, bóc lột. Thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức tại cộng đồng về chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… qua đó giúp người dân phát hiện sớm và thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng liên quan.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm, riêng trẻ bị nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là đối tượng được bảo mật thông tin nên việc chăm sóc, giáo dục thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở Y tế (trực tiếp là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS). Đối với việc hỗ trợ, chăm sóc nhóm trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, Sở cũng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như in ấn, phát hành tờ rơi, tập huấn cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em, cộng tác viên bảo vệ trẻ em thôn/tổ những kiến thức, kỹ năng có thể hỗ trợ cho các gia đình, đồng thời tuyên truyền cộng đồng về sự không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Rào cản từ gia đình

Chị Đỗ Thị Lam, chuyên viên Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH người trực tiếp tham vấn cho trẻ cũng như nhiều phụ huynh khi con em họ gặp các vấn đề về tâm lý, khuyết tật một phần nào đó về trí tuệ, nhận thức, đặc biệt trẻ bị xâm hại cho biết, tâm lý chung của các bậc phụ huynh khi đến với Trung tâm là quá lo lắng, bế tắc, bi quan chán nản, không muốn đối diện với sự thật.

Thực tế, có mối quan hệ rất mật thiết giữa đời sống tinh thần của phụ huynh với kết quả phục hồi sau can thiệp của trẻ. Theo kết quả khảo sát mới đây với 200 phụ huynh trẻ khuyết tật trí tuệ, phát hiện có 54% bố mẹ có các biểu hiện của rối nhiễu tâm trí như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, lo lắng và không tin tưởng vào khả năng điều trị hồi phục của con em mình, 50% phụ huynh trả lời cảm thấy bế tắc, chán nản, mất niềm vui trong cuộc sống, thậm chí cảm giác ảo thanh. Và những em có phụ huynh như vậy, thì kết quả phục hồi rất kém.

“Vì vậy, rào cản để những trẻ khuyết tật (về thể chất lẫn tinh thần trí tuệ) hòa nhập cuộc sống không chỉ là vấn đề kinh phí cho hoạt động của tổ chức bảo trợ, các mô hình, sự kỳ thị, thờ ơ của cộng đồng mà còn xuất phát từ chính gia đình các trẻ. Sự hợp tác và niềm tin của gia đình về khả năng hòa nhập, độc lập của trẻ là rất quan trọng”, chị Đỗ Thị Lam nói.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.