.
TRUYỆN NGẮN

Mưa từ cõi tạm

.

Nguyễn Thị Diệu Ái sinh năm 1987, quê Quảng Trị, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng; đã có tác phẩm đăng trên Báo Đà Nẵng, Tạp chí Cửa Việt, Tạp chí Sông Hương... Tác phẩm in chung: Nắng trong đáy mắt (NXB Văn học, 2013), Những món quà kỳ diệu (NXB Văn học, 2015), Đường tới hạnh phúc (NXB Văn học, 2016), Hè hóm hỉnh (NXB Kim Đồng, 2016). Truyện ngắn này rút từ tập truyện in riêng đầu tay cùng tên “Mưa từ cõi tạm” tại Phương Nam Book, phát hành tháng 6 năm 2016.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mở cửa hé ra bên ngoài, nhìn qua chánh điện thấy đèn vẫn sáng, tiếng tụng kinh từ đó vọng ra rỉ rả đều đặn. Đêm qua sư cô không chợp mắt hẳn vì con bé vừa no sữa đang nằm mút tay ở kia. Nó cứ túm lấy áo Bé rồi giúi mặt vô ngực, Bé ước chi sau làn áo mình là dòng sữa chảy ra cho mấy đứa ngậm no nê. Sớm qua, cũng giờ này, sư cô ra thỉnh chuông thì thấy con bé nằm gọn lỏn dưới tượng Quan Âm Bồ Tát. Nó tới đây không cùng với một mảnh giấy nào, chỉ một tấm chăn mỏng bao quanh người, vài chiếc bỉm và cái cọng rốn còn chưa khô. Đã ba năm mà lần nào Bé cũng luống cuống trong tình huống ấy. Lật đật pha sữa cho đứa nhỏ uống rồi bế lên bệnh viện khám, xong xuôi lại theo sư cô đi báo chính quyền.

Sư cô khổ tâm lắm, cửa chùa thành ra là nơi người ta để lại những sinh linh bé bỏng với mẩu giấy nhỏ ký thác cửa Phật từ bi. Lúc đầu chỉ một, hai đứa, qua mỗi năm lại nhiều thêm. Hình như nghe tiếng, nên mỗi người đàn bà khi không tìm thấy con đường nào khác lại lẳng lặng đem con mình quày quả bỏ đây. Sư cô làm giấy khai sinh cho mấy đứa nhỏ bằng những cái tên bắt đầu bằng chữ Phước.  

Trời bây giờ giăng sương sớm, cả nền trời mờ đục hệt như hôm Bé bỏ làng đi. Buổi sáng ấy trời dày sương như thế này, người đi trước có ngoái đầu lại cũng chẳng nhìn rõ mặt người đi sau. Hôm ấy là ngày Tùng cưới. Lúc đi ngang qua nhà, Bé liếc vô thấy Tùng đang thắt cà-vạt, gương mặt đượm nỗi âu lo. Lo giờ đi họ gần tới mà mâm heo quay chưa mang về kịp hay lo mình chưa đủ chỉnh chu, và biết đâu (Bé chợt xao lòng khi nghĩ tới) là lo Bé buồn khi thấy anh rộn rã làm lễ rước dâu.

Trước đó hai đứa đã làm căng với gia đình hai bên. Tùng kiên quyết lắm, bảo Bé yên tâm đời này chỉ yêu mình Bé, chỉ cưới Bé. Cái quan hệ họ hàng từ mấy đời trước, hai đứa mình liên quan chi, sao tự dưng bảo Bé phải gọi Tùng là cậu. Sao mệ Tùng lại truy ra rằng, mệ mà mất thì mệ Bé cũng bịt khăn tang, rằng cái quan hệ ấy dù có phần mờ nhạt nhưng vẫn là máu mủ. Năm hay sáu đời chi không cần biết.

Ở làng quê nhỏ bé yên bình ấy, nhà Bé ở đầu làng, nhà Tùng ở cuối. Ngày xưa, mỗi sớm đi học, Bé hay ra đường xin quá giang và Tùng là người chở Bé nhiều nhất. Hai đứa lặng lẽ lớn lên bên nhau rồi thương nhau lúc nào chẳng hay. Người lớn lúc nhỏ vẫn ra sức ghép đôi rồi cười tủm tỉm khi mường tượng đám rước dâu thiệt đẹp, đi bộ rồng rắn từ đầu đến cuối làng. Tới lúc hai đứa tính chuyện thì lật gia phả và té ngửa ra là họ hàng huyết thống. (Mệ Bé nói năm đời còn mệ Tùng khẳng định là sáu).

Tối ấy, ngồi trong nhà nghe tiếng nhạc từ tiệc đãi bạn của đám cưới Tùng, Bé không hề khóc. Như cái quyết định sẽ đi, Bé chẳng mấy chần chừ. Chỉ là nhất quyết đi vào hôm ấy để khi dắt tay cô dâu về, Tùng liếc qua nhà đảo mắt tìm Bé hay dáo dác khi ngang cổng làng (nơi hai đứa hay hò hẹn) sẽ không thấy Bé đâu trong đám người đứng xem rước dâu. Lòng anh sẽ chật chội bởi ý nghĩ dễ gì em ấy đối mặt được và nặng trĩu trong đêm tân hôn khi hình dung Bé đang úp mặt vào bờ tường mà nức nở.

Bé nhớ hình xăm của một chú trên xe đò trong chuyến đi vào thành phố, một vết xăm mờ nhạt với hai chữ “về đâu” và ba dấu chấm lửng lơ. Lúc ấy Bé mới khóc. Chú nhìn vào cánh tay mình rồi bảo, chú qua cái lúc bão bùng ấy rồi. Ngày xưa lang bạt khổ cực, người yêu bỏ đi lấy chồng nên mấy thằng đè nhau ra xăm. Giờ nửa muốn xóa nửa muốn để vậy cho nhớ một thời từng hoang hoải. Chú ấy vỗ vai Bé và bảo, rồi sẽ qua. Khi ấy mới mười chín tuổi nên Bé cũng nghĩ chắc là vậy, hẳn rồi sẽ qua.

Bé xin ở lại chùa để chăm lo cho mấy đứa nhỏ. Sư cô có lẽ đã quen với những hoàn cảnh như thế, người ta tìm nơi cửa thiền để lẩn tránh đời trôi nổi. Có điều, với những người đàn bà lỡ thời như dì Kim hay vài gương mặt đẫm sương gió, sư cô không đắn đo gì. Bé trẻ quá, gương mặt còn chưa lấm bụi trần ai liệu rồi lúc qua cơn bão lòng có vội vã đi để lại mấy đứa nhỏ đã quen hơi. Sư cô bảo sẽ có lúc Bé thèm về với đời vì vướng bận ở ngoài kia và duyên nghiệp với cửa thiền chưa đủ nên khoan vội vàng xuống tóc. Bé chần chừ và nghĩ thêm, có khi để tóc dài cho ra hình dáng một người mẹ, để gieo vào ký ức tuổi thơ chẳng mấy êm đềm kia một hình ảnh xao lòng nào đó.

Chùa quy định Phật tử cúng dường chỉ nhận hoa quả, sau này là sữa, tã giấy, bột giặt, bánh trái, đồ chơi hay áo quần trẻ nhỏ. Thế nhưng, có nhiều người dúi vào tay Bé và dì Kim mấy tờ bạc lạnh tanh vì thương cảm, để bồi dưỡng cho chị, cho cô khi vất vả chăm mấy cháu. Bé thường đưa mắt nhìn họ nghi ngại xem trong số mấy người rớt nước mắt ấy, có ai là mẹ, là ba của một đứa trẻ nào đó không. Liệu năm tháng qua có băn khoăn và hối hận. Đôi hoàn cảnh bỏ con ở đây để làm lại cuộc đời, chẳng hay cuộc đời mà họ quyết tâm làm lại ấy có tươi sáng và hân hoan khi sẵn tâm vứt bỏ giọt máu chính mình. Dì Kim bảo, nó vứt trước cổng chùa là còn nhân đạo, để lại một vật gì đó làm tin hay dòng chữ nghệch ngoạc nhờ nhà chùa chăm sóc đứa bé là còn chút nghĩa tình. Bé nhớ ba năm trước, trong một đêm mất ngủ, Bé gặp thằng Tâm lần đầu. Thằng nhỏ được đặt trong cái nôi đắt tiền với chục bộ áo quần mới cáu và một bình sữa mẹ vừa hút ra. Cái lý do để thằng Tâm nằm đó ai cũng hiểu khi nhìn vào gương mặt với nụ cười khuyết đi một nửa.

Bé hay áp bàn tay Phước Tâm vào má mình để nghe Phước Hòa và thằng Ngộ vùng vằng tị nạnh. Mỗi khi tắm cho thằng Tâm, Bé dịu dàng sờ vào bờ môi khuyết của nó khiến nó cười khanh khách, cái nụ cười chỉ một nửa mà tươi tắn như nắng tháng ba. Những đoàn người vào thăm, họ xôn xao tranh giành bồng bế thằng Ngộ rồi vạch quần để xem phía dưới của nó mà ngạc nhiên với gương mặt như tròn trịa đẹp xinh như con gái, hay quay sang bồng bế Phước Hòa vì gương mặt hệt như thiên thần của con bé. Mặc thằng Tâm đứng ngây người đưa tay chới với, họ lướt qua đưa cho nó lốc sữa rồi thôi. Tình người tưởng như chan chứa mà nhiều khi cũng được phân loại và chọn lọc, huống hồ chi…

Nhiều đêm thức dậy pha sữa, Bé thắc thỏm khi nghĩ nếu đứa bé trong bụng mà còn và lớn lên, chắc giờ mình cũng cặm cụi pha sữa và lèm nhèm than con dại khổ dữ ri trời. Rồi mình cũng như mấy chị, mấy mạ ở quê, ngồi mô cũng vạch áo cho con bú mà chẳng lấy đâu ra ngại ngùng. Có khi đứa đầu chưa kịp lớn đã rúc rích với chồng để đẻ thêm vài đứa nữa nuôi một lần cho tiện. Cho tới bây giờ, mỗi khi cười nói chợn vợn với một đứa nhỏ nào đó, Bé lại nhớ đứa trẻ ngày xưa ở lại trong bụng mình hai tháng. Nên nụ cười và niềm vui vừa nhen lên đã vội tắt ê chề.

Trong đoàn người về thăm chùa, Bé gặp lại một hình dáng quen cùng cái chau mày gần gũi. Đó là gương mặt ấm áp của ngày xưa, mỗi lần Bé gõ vào trán trêu anh, anh sẽ chau mày bảo Bé con nít quá. Cái chau mày khi nói chuyện với sư cô và đặt vấn đề xin một đứa trẻ mà không được chấp nhận. Đây không phải lần đầu sư cô nghe lời đề nghị này, nhiều người tới thăm chùa mục đích để xin con nuôi. Sư cô bảo mấy đứa có duyên ở đây nên cứ để chúng ở đây. Ngoài kia lăn lóc cay nghiệt lắm, đời đẩy chúng vào đây thì cửa Phật từ bi không thể bỏ rơi chúng lần nữa. Sau này lớn, chúng biết suy nghĩ thì sẽ tự quyết định lấy đời mình. Bé hiểu nỗi lo ngại của sư cô khi lòng người ngày càng chật hẹp mà thừa gian dối, biết người ta ân cần nhỏ nhẹ với mấy đứa nhỏ được bao lâu. Vợ Tùng ốm yếu xanh xao lắm, cả hai mòn mỏi khi cưới nhau ba năm mà chưa có con.

Mắt anh trũng sâu với ánh nhìn khô cạn. Bé chợt nghĩ, nếu con hai đứa mà còn thì bây giờ đã lon ton đi nhà trẻ. Trong một sát-na nào đó, Bé thấy đắc ý vô cùng. Theo quy luật nhân quả và nghiệp báo, Tùng đã nhận được và Bé cũng đang nếm trải từng ngày.

Lần hẹn hò cuối cùng, Tùng quỳ sụp dưới chân xin lỗi Bé, anh bảo sẽ lấy cô gái làng bên để làm vừa lòng mệ, nếu không là bất hiếu. Vậy mà, Bé định báo cho Tùng hay anh đã làm cha, Bé nhẩm tính cũng một tháng rồi. Tùng nói nhiều rồi khóc lóc nên Bé quên luôn. Trong một tháng Tùng lục đục chuẩn bị cưới vợ, chạy đôn chạy đáo đi phát thiệp cưới, đi chụp hình thì Bé ở nhà chực lên mấy cây ổi, cây nhãn mà ì ạch nhảy xuống. Đứa bé đã dai dẳng nằm yên trong bụng Bé cho đến khi Bé nghĩ hết cách rồi, không lẽ phải vô bệnh viện nhờ người ta hay cứ nhắm mắt để con mình chui ra xem mệ mình chết giả. Hôm đứng ở giếng cúi nhặt mảnh vỡ từ chiếc vòng mã não mà Tùng tặng, Bé trượt chân ngã.

Cảm giác lúc ấy chao chác làm sao, đau chảy nước mắt mà nhẹ bẩng. Đứa bé đã rời đi như ước nguyện của người mẹ, như tác dụng không may của cú ngã. Cảm giác một hình hài đã hụt hẫng rớt vào một khoảng không mơ hồ nào đó hệt như trái đu đủ chín úa bị chối đây đẩy và rơi xuống đất lạnh lùng.

Có lần, dì Kim hỏi Bé có kế hoạch gì không, không lẽ cứ thế này. Dì đã bỏ qua nhiều tháng năm để sinh với người mình yêu một đứa con, chọn một người để rúc rích và càm ràm. Bé còn trẻ, đừng theo gương dì. Như lần trước vào thăm Bé, mạ khóc thút thít bảo con gái về quê lấy chồng giùm mạ với, mạ khổ tâm lắm. Kế hoạch của đàn bà tính tới tính lui cũng chừng ấy chuyện. Bé và dì Kim chưa bao giờ hỏi cặn kẽ về chuyện của nhau, đã là nỗi đau thì nhắc lại làm gì. Dì Kim hẳn từng có con vì có lần dì bảo thằng Ngộ hao hao con dì. Hệt như Bé, đôi lần nhìn Phước Hòa cứ thấy gương mặt tựa giống Tùng, loáng thoáng nhìn Phước Tâm lại thấy đôi mắt nó là bản sao của đôi mắt đã ôm trọn đời con gái mình. Rồi giật mình nhìn quanh, đâu đâu cũng mường tượng hình ảnh đứa bé ngày xưa nằm trong bụng mình hai tháng có thể sẽ bằng từng này, từng này. Tóc nó sẽ dài ngang vai, buổi sáng Bé thắt bím, buổi chiều cột lúc lắc hai bên. Bé luôn gặp con mình trong hình hài của một bé gái. Đứa bé đó sẽ giống Tùng ở cái miệng rộng, trán cao, giống Bé ở làn da ngăm đen và hạt gạo bên khóe miệng.

Chùa tĩnh mịch nhất vào những ngày mưa. Khi ấy, đám trẻ sơ sinh tội nghiệp sụt sùi chảy mũi. Mấy đứa lớn chẳng thể ra ngoài chạy nhảy nên đứng tựa cửa nhìn trời. Sư cô lặng lẽ thỉnh một hồi chuông chiều. Ngẩn ngơ nhìn lại bốn bề, tiếng chuông văng vẳng vào hư không rồi rơi rớt trong buổi chiều hôm ấy. Bé mơ hồ nghĩ tới ngày xưa, nếu mình thực hiện ý định rời xa chốn tạm để cùng đi với đứa con bé bỏng và mang theo một tình yêu tức tưởi, sẽ chẳng bao giờ biết chờ tiếng chuông ngân. Sư cô dạy, muốn gần cõi niết bàn thì nghe tiếng chuông phải ngừng nói năng và suy nghĩ, để tâm yên tĩnh chỉ nghe nhịp thở. Ngay cả mấy đứa nhỏ, mỗi lần nghe tiếng chuông cũng yên lặng, thôi khóc cười, thôi ồn ã. Vậy mà Bé, trong lòng hệt như có mưa, có sóng, chẳng thể nào tĩnh tâm dù ngày nào cũng nghe chuông ngân nga trầm bổng, thức tỉnh và giải thoát chúng sinh.

Con người ta đau đớn không phải đều rên la, có những nỗi đau âm thầm cứ bào gan rút ruột. Như nỗi đau không hình hài của cô gái vừa qua hai mươi này, nhiều lúc chực rảnh rang lại lục đục trỗi dậy. Hệt như mưa từ cõi tạm, tưởng như tạnh đó mà cứ lất phất dai dẳng muôn đời…

DIỆU ÁI

;
.
.
.
.
.