.

Bao giờ hết "rác" trên cột điện?

.

Việc nhiều cột điện ở nội thành Đà Nẵng phải “cõng” tới hàng chục loại dây nhợ truyền thông khác nhau đã làm “mất giá” cho cảnh quan thành phố.

Phố chuyên doanh Lê Duẩn trước và sau khi hạ ngầm cáp thông tin, hệ thống điện. Ảnh: V.T.L
Phố chuyên doanh Lê Duẩn trước và sau khi hạ ngầm cáp thông tin, hệ thống điện. Ảnh: V.T.L

Hiện tượng “mạng nhện trên không” này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Tệ hại hơn, tình trạng treo cáp thông tin không đúng quy cách, quy định này còn dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn hệ thống lưới điện. Tai nạn điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào do doanh nghiệp viễn thông không đăng ký công tác với ngành điện, không được nhân viên điện lực giám sát khi thi công...

Lùng nhùng những “mạng nhện trên không”

Ngày 20-5-2015, một tai nạn điện đáng tiếc xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu. Trong quá trình kéo cáp thông tin, công nhân Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) - Chi nhánh Đà Nẵng khi tung ném cáp thông tin qua đường dây điện 110kV Đà Nẵng - Hòa Khánh tại khoảng trụ D437 - D438 gây ra phóng điện chạm đất một pha. Hậu quả làm một người đang sử dụng điện thoại trong lúc sạc điện bị tử vong, gây hư hỏng thiết bị điện 93 hộ dân và thiết bị phân phối điện hạ áp của 3 trạm biến áp tại phường Hòa Khánh Bắc.

Thực trạng “mạnh ai nấy kéo” này phát xuất từ việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông và là một trong những nguyên nhân khiến cho những “mạng nhện trên không” này ngày một phình to ra. Để mở rộng mạng lưới phục vụ, họ kéo/treo thêm các loại cáp thông tin nhiều khi không có sự thỏa thuận với ngành điện, không được Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) thành phố cấp phép như báo cáo “Kết quả quản lý cáp thông tin năm 2015” của sở này: “Vẫn còn tình trạng kéo treo cáp thông tin không xin phép, kéo treo trên các tuyến đường cấm treo mới cáp thông tin, đã ngầm hóa hoàn toàn (kéo trên cây xanh, cột điện chiếu sáng) hoặc tuyến vừa sắp xếp, ngầm hóa...”.

Việc sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin trên các tuyến phố đã được Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) triển khai từ cuối năm 2011 để đáp ứng yêu cầu chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, theo Chánh văn phòng PC Đà Nẵng Nguyễn Minh Tùng, việc này gặp khá nhiều khó khăn: “Mặc dù tốn khá nhiều công sức và thời gian nhưng việc sắp xếp, chỉnh trang cáp không đạt hiệu quả như mong đợi. Quá trình thực hiện không nhận được sự phối hợp tích cực từ phía các doanh nghiệp viễn thông. Các tuyến đường đã được PC Đà Nẵng chỉnh trang, một thời gian sau phải chỉnh trang lại do tình trạng kéo treo không phép, kéo lén chưa được giải quyết dứt điểm…”.

Đầu năm 2015, hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, PC Đà Nẵng đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện công tác chỉnh trang cáp có sự phối hợp với Sở TT-TT, chính quyền địa phương và các đơn vị viễn thông có cáp treo cột điện. Để việc phối hợp minh bạch, hiệu quả, định kỳ hằng tháng, PC Đà Nẵng gửi kế hoạch chỉnh trang đến đơn vị sở hữu cáp, kiên quyết yêu cầu các đơn vị chủ sở hữu cáp gắn thẻ chỉ danh. Sau thời gian hạn định, PC Đà Nẵng tiến hành bó gọn cáp quang, thực hiện cắt bỏ, thu hồi cáp vô chủ, treo sai quy định, cáp dự phòng vượt quá chiều dài quy định (>10m).

Để tạo bước chuyển lớn trong công tác chỉnh trang cáp thông tin, PC Đà Nẵng đổi mới cách làm, nghiên cứu đưa ra các loại phụ kiện phù hợp với hiện trạng hệ thống treo cáp. Những vòng treo cáp thay thế cho cách buộc dây trước đây, vừa mỹ quan vừa tạo thuận tiện cho các đơn vị kéo cáp. Theo đánh giá của ông Tùng, vòng treo cũng giúp ngăn ngừa, phát hiện các đơn vị treo cáp lén, bởi họ sẽ không đủ thời gian đưa cáp vào hết các vòng treo. Do đó sẽ hạn chế được tình trạng chỉnh trang hệ thống cáp lại lần 2, lần 3… như trước và những “mạng nhện trên không” cũng hết lùng nhùng.

Sau khi ngầm hóa cáp thông tin, nút giao thông phía Đông cầu Sông Hàn đã sẵn sàng cho APEC 2017.  (Ảnh do PC Đà Nẵng cung cấp)
Sau khi ngầm hóa cáp thông tin, nút giao thông phía Đông cầu Sông Hàn đã sẵn sàng cho APEC 2017. (Ảnh do PC Đà Nẵng cung cấp)

Ngầm hóa và mỹ quan đô thị

Ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng cho biết, từ khi thành lập Sở, đơn vị đã phối hợp triển khai ngày càng hiệu quả hơn với PC Đà Nẵng trong sắp xếp cáp thông tin trên cột điện. Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã triển khai thực hiện sắp xếp cáp thông tin trên 536 đoạn/tuyến đường với tổng chiều dài trên 297km. Riêng trong năm 2015, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, sắp xếp cáp thông tin kéo treo tại 93 đoạn/tuyến đường với tổng chiều dài hơn 55km, đạt 216% kế hoạch. Trong đó, ưu tiên sắp xếp cáp thông tin tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực quá rối rắm hoặc quá tải đối với cột điện lực… đã yêu cầu chủ sở hữu cột treo cáp sửa chữa, thay thế các cột treo cáp bị hỏng; các chủ sở hữu cáp tháo dỡ, xử lý hơn 50 trường hợp cáp treo mất mỹ quan, không an toàn trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, việc ngầm hóa hệ thống điện cũng đã được tiến hành thời gian qua. Phố chuyên doanh Lê Duẩn giờ khoác lên mình tấm áo mới, không còn dọc ngang các loại dây nhợ như trước. Dự án ngầm hóa hệ thống điện tuyến phố này đã được PC Đà Nẵng thực hiện trong hai năm 2014 - 2015, giai đoạn 1 từ đường Trần Phú đến đường Ông Ích Khiêm với tổng mức đầu tư lên đến 26 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ đường Ông Ích Khiêm đến Điện Biên Phủ năm 2015 với mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng, phần lớn là vốn vay. Mặc dù UBND thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ lãi suất vay từ Quỹ đầu tư phát triển của thành phố nhưng áp lực vốn vay vẫn còn đó khi sản lượng điện thương phẩm, doanh thu, tỷ lệ tổn thất điện năng,… hầu như không có sự thay đổi giữa trước và sau khi ngầm hóa lưới điện.

Cùng với đường Lê Duẩn, các tuyến đường như: Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng,… được PC Đà Nẵng thực hiện ngầm hóa hệ thống điện. Lưới điện trung, hạ áp trên các tuyến đường nội thị Đà Nẵng đã được PC Đà Nẵng đầu tư khá hoàn thiện và hiện đang vận hành ổn định, đảm bảo khả năng cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng trong nhiều năm tiếp theo. Việc ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường này, theo nhận xét của ông Nguyễn Minh Tùng, hầu như chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội, đảm bảo mỹ quan đô thị mà không làm tăng doanh thu hoặc cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh của PC Đà Nẵng.

Việc đưa hệ thống cáp thông tin, hệ thống điện đi ngầm dưới mặt đất là một trong những công tác góp phần hạn chế, làm sạch “rác” trên cột điện, tạo mỹ quan cho một đô thị hiện đại.

Mỹ quan đô thị trước thềm APEC 2017

Năm 2017, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà luân phiên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017). Thành phố Đà Nẵng được Chính phủ đồng ý chọn là nơi đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” với sự kiện quan trọng nhất là “Hội nghị Lãnh đạo APEC” - nơi người đứng đầu Chính phủ của 21 nền kinh tế thành viên APEC gặp nhau mỗi năm một lần tại kỳ họp thượng đỉnh.

Nhằm tạo mỹ quan đô thị phục vụ APEC 2017, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ triển khai thu dọn cáp treo, dây súp tại một số đường chính, đường ven biển (tuyến đường quy định ngầm hóa); cùng với đó, sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng ngầm hóa cáp thông tin (kết hợp với cải tạo vỉa hè) trên các tuyến đường như: Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong (bắt đầu làm trong cuối 2016), Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Ông Ích khiêm (làm từ đầu năm 2017).

Với PC Đà Nẵng, trước tình hình khó khăn về vốn để ngầm hóa lưới điện các tuyến đường nội thị hiện nay, đơn vị cần phải tăng cường đầu tư các công trình điện phục vụ APEC 2017, đảm bảo nguồn lưới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo, nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị thành phố. Trên quan điểm này, PC Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố chỉ thực hiện ngầm hóa cáp thông tin, cáp viễn thông và đã được UBND thành phố đồng ý cho triển khai thí điểm thực hiện tại 3 tuyến đường: Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung (dự kiến triển khai và hoàn thành trong quý 3-2016).

V.P.Q

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.