.
Nghĩ

Nỗi sợ giông sét giữa đồng

.

Từ đầu tháng 4 đến nay, điểm qua thông tin từ các báo có thể thấy trung bình mỗi tháng có chừng hai trận giông sét khiến nông dân (không thuộc địa bàn Đà Nẵng) đang làm đồng tử vong tại chỗ. Trong đó, có những trận gây tử vong 5 đến 7 người một lúc. Người nông dân cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên họ có vẻ rất hiểu thời tiết, nhưng chưa chắc họ nắm được cách ứng phó với những tình huống bất trắc do “ông trời” gây ra.

8 trận sét đánh xuống đồng trải dài khắp Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, khiến hơn chục nông dân tử vong, là minh chứng cho thấy không nơi nào giông sét ít nguy hại hơn nơi nào, và việc giúp người nông dân biết trú giông đúng cách thực sự đang vô cùng bức thiết.

Theo Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, về mặt công nghệ, việc xác định vị trí sét đánh có thể thực hiện được sau khi sét xảy ra, nhưng để dự báo trước cụ thể nơi nào sẽ có sét đánh thì chưa thể trong điều kiện hiện nay. Đáng nói là trên thế giới có 3 tâm giông sét lớn nhất là châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Trong đó, Việt Nam lại nằm ở tâm giông sét châu Á. Thế nên, mỗi năm, nhất là vào mùa giông sét (kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10), Việt Nam phải hứng chịu 2 triệu lần sét đánh xuống đất.

Sét thường chọn đối tượng cao nhất để đánh. Giữa đồng không mông quạnh, chỉ trơ trọi những thân hình lô nhô thì khả năng người nông dân bị sét đánh hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều tài liệu khoa học cho thấy, tình hình biến đổi khí hậu sẽ càng khiến giông sét trở nên phức tạp hơn. Điều này càng đặt ra đòi hỏi phải gấp rút giúp người nông dân có kiến thức về trú giông hiệu quả để hạn chế những cái chết đáng thương như vài tháng vừa qua.

Những vụ nông dân tử vong do bị sét đánh trong lúc đang làm đồng đều cho thấy kiểu trú giông khá giống nhau, đó là tụ tập đông người cùng nấp vào bụi cây rậm rạp, dựa vào xe máy giăng bạt trú mưa hoặc vẫn bì bõm dưới ruộng nước mặc cho trời đang nổi giông. Đây hoàn toàn là những cách tránh giông sét… ngược quy định an toàn! Và qua đây càng cho thấy, nông dân dường như chưa thực sự được giúp đỡ để hiểu biết và nắm được kỹ năng cơ bản tránh sấm sét.

Từ những địa phương khác, có thể nhìn về Đà Nẵng. Dù đất nông nghiệp tại thành phố thu hẹp đáng kể, công việc đồng áng cũng theo đó giảm nhiều, nhưng cứ còn gắn bó với ruộng đồng thì người nông dân còn cần nắm chắc kỹ năng phòng giông sét. Xây nhà trú giông rải rác trên các cánh đồng có lẽ là vấn đề lớn cần nhiều bàn thảo, nhưng đến mùa giông lại cung cấp, nhắc nhở, lặp lại những bài học tránh giông cho bà con thì chắc chẳng cần tốn quá nhiều tiền, hay quá khó đến mức không thể thực hiện được.

Trao đổi qua điện thoại với một cán bộ có liên quan trực tiếp đến công tác hỗ trợ nông dân, vừa nghe hỏi về chủ đề giúp nông dân tránh giông sét khi đang làm đồng, vị này liền… giới thiệu người viết liên hệ ban này, sở nọ, vì ở những nơi đó mới chịu trách nhiệm quản lý “chương trình phòng chống thiên tai quốc gia”!

Sợ giông sét trên đồng và sợ cả cái cách giúp nông dân mà cứ “to tát hóa vấn đề”…

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.