.

Sự lựa chọn của hiện tại...

.

Mười năm trở lại đây, người dân Đà Nẵng quen dần với thói quen đi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm mua sắm. Hệ thống này ra đời đã mang lại cho họ sự lựa chọn phong phú, có cơ hội so sánh giá cả các mặt hàng cũng như hưởng những dịch vụ ưu đãi và cung cách phục vụ ngày càng chuyên nghiệp.

Hệ thống tính tiền một lần giúp khách hàng có thể kiểm tra được mức chi tiêu của mình. Ảnh: T.Y
Hệ thống tính tiền một lần giúp khách hàng có thể kiểm tra được mức chi tiêu của mình. Ảnh: T.Y

1. Ở Việt Nam, siêu thị từng được cho là trung tâm mua sắm dành cho người giàu, có điều kiện về kinh tế. Năm 1967, tại Sài Gòn, siêu thị Nguyễn Du ra đời, trở thành siêu thị đầu tiên tại Việt Nam. Một số bài báo ghi lại, thời ấy, chủ nhân của những dòng xe thời thượng như Vespa, Mobylette, Honda thường ghé đến địa chỉ này và họ cảm thấy thích thú khi lần đầu tiên tiếp cận với phong cách phục vụ tại siêu thị hay lần đầu tiên “đi chợ không phải trả giá”. Bước qua cánh cửa siêu thị, họ được nhân viên phục vụ xe đẩy hoặc giỏ xách để chứa những mặt hàng mình mua sắm và mang đến quầy thu ngân tự động. Đặc biệt, 1 trong 6 quầy thu ngân ở đây dành riêng cho người mua hàng hóa với số lượng ít, tránh tình trạng phải chờ đợi lâu.

Siêu thị Nguyễn Du ra đời ngay lập tức trở thành chủ đề nóng của báo chí thời bấy giờ, bởi chỉ sau khi khai trương chừng 1 tháng, nó đã thu hút hơn 100.000 lượt khách hàng đến mua sắm. Trung bình mỗi ngày, siêu thị này có khoảng 2.500 khách, đạt doanh thu 1,5 triệu đồng, số tiền vô cùng lớn vào thời điểm đó. Không chỉ mở ra một trào lưu mua sắm mới, siêu thị Nguyễn Du thành công đã kéo theo hàng loạt siêu thị nhỏ ra đời như Đoàn Thị Điểm, An Đông…

Tại Đà Nẵng, năm 2005, siêu thị Metro Đà Nẵng đi vào hoạt động, cung cấp 20.000 mặt hàng, trong đó có khoảng 90% mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Đây cũng là siêu thị đầu tiên ở Đà Nẵng được đầu tư với quy mô diện tích gần 30.000m2, tổng vốn đầu tư 15 triệu USD. Ngay trong tuần đầu khai trương, Metro đã có hơn 70.000 khách hàng là thành viên chính thức, được cấp thẻ khi ra vào siêu thị này. Đặc biệt, thời điểm siêu thị khai trương cũng chính là thời điểm dịch bệnh gia cầm H5N1 bùng phát nhưng Metro vẫn quyết định bày bán thịt gia cầm với sự cam kết  bảo đảm về nguồn gốc và có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Điều này ít nhiều đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng Đà Nẵng.

Hiện nay, dù đã đổi chủ sở hữu, nhưng Metro vẫn là mô hình siêu thị bán buôn với hệ thống bán sỉ số lượng lớn, có nguồn hàng phong phú. Thời điểm khai trương tại Đà Nẵng, Metro “chịu khó” phát tờ rơi quảng cáo tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên-Huế đã cho thấy, hệ thống siêu thị bán sỉ này không chỉ hướng đến thị trường tiêu thụ tại Đà Nẵng mà còn hướng đến các tỉnh, thành lân cận tại khu vực miền Trung.

2. Những năm gần đây, trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị trở thành những kênh mua sắm hiện đại, uy tín được nhiều khách hàng tin dùng. Theo một nghiên cứu mới nhất của Nielsen (Tập đoàn đa quốc gia của Mỹ hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại Việt Nam) về “Tương lai của cửa hàng tạp hóa” cho thấy khoảng 34% số người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên mua sắm tại TTTM và 29% mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết tại hệ thống siêu thị nhỏ hơn.

Mới đây, một nhóm sinh viên khoa Marketting, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu nhu cầu mua sắm tại siêu thị của người dân thành phố Đà Nẵng”, với 2.000 người được hỏi đã cho ra kết quả gần 80% trả lời đã từng đi siêu thị mua sắm và tỏ ra hài lòng với những tiện ích dịch vụ này mang lại. Trong khi đó, việc đẩy nhanh sự có mặt của TTTM, siêu thị bán lẻ trên địa bàn thành phố cũng nằm trong xu hướng phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, văn minh thương mại của Đà Nẵng. Hiện toàn thành phố có 6 TTTM, 55 siêu thị vừa và nhỏ và 56 cửa hàng tiện lợi. Theo Sở Công thương, hiện có nhiều dự án đang được đầu tư tại Đà Nẵng nhưng thành phố ưu tiên lựa chọn những dự án mang tính khả thi, mang lại lợi ích cho người dân và khuyến khích sự phát triển của hệ thống bán lẻ chứ không để siêu thị phát triển ồ ạt, không mang tính định hướng.

Ngoài không gian mua sắm hiện đại, bày bán nhiều mặt hàng phong phú, có nhãn mác rõ ràng thì siêu thị còn có một bộ phận nhân viên chuyên kiểm soát mặt hàng nhập kho, trưng bày khoa học, thu hút, tùy theo dòng sản phẩm mà bảo quản ở kho mát hay kho lạnh. Bên cạnh đó, ở siêu thị còn có những mặt hàng gia dụng chất lượng cao, mẫu mã đẹp, bắt mắt mà ở các chợ truyền thống, chợ dân sinh không có. Ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết hệ thống bán buôn ở Đà Nẵng 10 năm nay đi vào guồng quay ổn định. Siêu thị chuyên doanh, siêu thị diện tích nhỏ hiện nay có xu hướng phát triển mạnh hơn. Trong khi Vincom, VinMart, Lotte Mart… cam kết mang lại sản phẩm chất lượng cao thì hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart hướng đến sản phẩm có giá rẻ, bình dân, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.  Không chỉ giữ mức giá ổn định trong năm, ngay cả dịp lễ, Tết, BigC và Co.opmart cũng tuyên bố sẽ bán với giá không thay đổi hầu hết mặt hàng tiêu dùng, chỉ trừ những mặt hàng thực phẩm tươi sống, bia, rượu, rau củ quả dao động theo giá nhà cung cấp đưa ra. Chính những chương trình cam kết về giá cả hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm đã giúp các siêu thị ngày càng thu hút người tiêu dùng.

3. Thời gian gần đây, những cơ sở bán buôn liên tục cạnh tranh nhau bằng cách tăng cường khuyến mãi, nhiều siêu thị thực phẩm sạch ra đời, siêu thị điện máy có chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng ngày càng chu đáo. Ngoài ra, các siêu thị cũng biết chiều lòng khách hàng bằng cách sắp xếp các mặt hàng liên quan nằm cạnh nhau, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ tích điểm, thẻ giảm giá để được hưởng những ưu đãi cần thiết. Có thể nói, hệ thống bán buôn này ra đời đã mang lại cho người tiêu dùng sự lựa chọn phong phú, có cơ hội so sánh giá cả các mặt hàng cũng như hưởng những dịch vụ ưu đãi và cung cách phục vụ ngày càng chuyên nghiệp.

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng một số ý kiến tỏ ra quan ngại những tác động của thị trường tiêu dùng, hội nhập khu vực sẽ tạo sức ép lớn đối với hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, thị trường mua bán, chuyển nhượng siêu thị giữa các ông chủ tập đoàn cũng khiến siêu thị thường xuyên có những thay đổi về chính sách phục vụ khách hàng. Chưa kể, theo quy định hằng tháng, hằng quý các siêu thị phải có báo cáo định kỳ gửi về Phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương, nhưng hiện nay vấn đề này vẫn còn trễ nãi. Nhiều siêu thị tránh né việc báo cáo hoặc từ chối báo cáo doanh số hằng tháng. Điều này đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý và điều phối của cấp, ngành liên quan.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.