.

Làng rèn giữa phố

.

Thời thịnh vượng nhất của làng rèn thủ công này là vào năm 1988, khi đó, dọc đoạn đường Nguyễn Trãi có đến 25 hộ với hàng trăm lao động làm nghề rèn. Ngày đó, đi qua đoạn đường này, người ta nghe thấy tiếng búa đập, máy cắt, tiếng hàn xì vang khắp nơi, tiếng mua bán rộn ràng cả góc phố nhỏ...

Phương thức truyền nghề chủ yếu của những người thợ tại làng rèn thủ công phố Nguyễn Trãi là cha truyền con nối.
Phương thức truyền nghề chủ yếu của những người thợ tại làng rèn thủ công phố Nguyễn Trãi là cha truyền con nối.

Cha truyền con nối

Thật khó tin, ở giữa khu vực trung tâm, phồn hoa nhất của Đà Đẵng, đến nay, vẫn tồn tại một làng rèn thủ công nằm nép mình lặng lẽ ở các con hẻm nhỏ ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu.

Người già nơi đây không còn nhớ làng nghề có từ khi nào, chỉ nhớ là cách đây cả trăm năm, ông tổ nghề đã ra đời và truyền lại cho lớp lớp cháu con. Thời thịnh vượng nhất của làng nghề cách đây gần 30 năm. Khi đó, dọc đoạn đường Nguyễn Trãi có đến 25 hộ với hàng trăm lao động làm nghề rèn. Ngày đó, đi qua đoạn đường này, người ta nghe thấy tiếng búa đập, máy cắt, tiếng hàn xì vang khắp nơi, tiếng mua bán rộn ràng cả góc phố nhỏ. Sản phẩm được bán cho các chợ ở trong và ngoài thành phố. Những nhát búa đập xuống miếng phôi thép nóng đỏ rực tạo nên những con dao, cái két, bếp kiềng, cây đinh… khá đa dạng để cung cấp cho thị trường đã nuôi sống cho nhiều gia đình làm nghề rèn nơi đây. Đơn cử như gia đình ông Trương Mó (85 tuổi), với chiếc búa rèn trong tay, ông đã sống với nghề hàng chục năm nay, nuôi 9 người con trưởng thành, có việc làm ổn định. Hiện nay có 4 người con lại tiếp tục nối nghiệp cha gắn bó với nghề rèn. Hay như gia đình ông Hoàng Râm (82 tuổi), cũng là thợ rèn nổi tiếng một thời. Với nghề rèn, ông Râm đã nuôi 8 người con ăn học thành tài, trong đó hiện có 3 người còn nối nghiệp ông…

Đến “xưởng” rèn của nhà ông Trương Mó vào giờ nghỉ trưa, song những người thợ ở đây vẫn luôn tay đập đập gõ gõ, hoàn thiện sản phẩm để kịp giao hàng. Quệt những giọt mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, anh Trương Chính (40 tuổi), con trai ông Mó cho biết, thời buổi này duy trì nghề rèn, sản xuất các sản phẩm hoàn toàn bằng thủ công thế này không dễ, có đơn hàng là phải tranh thủ làm ngay. Muốn theo được nghề, không chỉ khéo tay mà cần phải có sự kiên trì, có sức khỏe và chịu khó. Người thợ rất dễ bị bệnh nghề nghiệp như: mắt yếu, bệnh phổi, giảm thính giác… Từ việc xuất đi các sản phẩm như: cuốc, xẻng, xà beng, đục, bù-long, ốc vít…, thu nhập trung bình mỗi thợ, trong những tháng cao điểm chỉ khoảng từ 150-250.000 đồng/ngày. Vì vậy, cả làng rèn ngày trước đến nay nhiều người đã rẽ tìm lối làm ăn khác, số có điều kiện thì đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất ở những con phố lớn, mặt tiền. Có máy móc, công việc của người thợ rèn sẽ đỡ nhọc nhằn hơn, sản phẩm làm ra nhanh hơn, nhiều hơn. Song, theo anh Chính, có những đồ vật đòi hỏi bàn tay khéo léo của người thợ, máy móc không thể làm thay, như cuốc chỉa, hay cây đinh đóng tàu… Bởi vậy, anh Chính vẫn “không lo hết việc” và quyết tâm giữ nghề.

Quyết tâm giữ nghề

Quây quần trong xóm rèn thủ công này, lò rèn anh Trương Nhiên Minh (48 tuổi) cũng liên tục đỏ lửa, dù tại lò hiện chỉ có 2 lao động chính là anh Minh và vợ. Anh Minh theo nghề đã 30 năm và là đời thứ 4 trong gia đình theo nghề rèn. Ông cố, ông nội anh Minh vốn là những người thợ lành nghề của làng rèn Hiền Lương (xã Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nức tiếng một thời. Thừa hưởng sự khéo léo của cha ông, các sản phẩm của anh Minh bao giờ cũng có nét riêng. Những khách hàng quen đã “trót” dùng sản phẩm rèn bằng tay của anh thì rất khó lòng chấp nhận những sản phẩm làm bằng máy khá phổ biến ngoài thị trường.

Theo anh Minh, nghề nào cũng đòi hỏi bí quyết và kinh nghiệm. Với thợ rèn, để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đòi hỏi người thợ phải lựa chọn sắt thép, biết nhìn lửa để tạo ra độ sắc, bền cho từng sản phẩm. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều công đoạn và mỗi lò rèn thường có bí kíp gia truyền riêng: như dùng loại than đốt lò như thế nào cho lửa tốt, rồi cắt sắt tạo hình, nung qua lửa ra sao… Một khâu đặc biệt quan trọng trong nghề rèn đó là tôi sản phẩm. Để có được nước tôi vừa đủ, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của thợ. Chỉ cần tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Do vậy, để đạt được trình độ nhất định, người học nhanh cũng phải mất từ 1-2 năm.

Những người thợ ở xóm rèn thủ công này cho biết, có nhiều người đến đây học nghề rồi bỏ vì không chịu được sự vất vả, nhọc nhằn, luôn phải chịu tiếng ồn và bụi than đá bay ra từ lò rèn. Có khi ba người thợ phải bưng một khối sắt nặng đến 100kg để rèn dây xích neo tàu. Vì sản phẩm rèn bằng tay chủ yếu là các nông cụ nên công việc của những người thợ rèn này cũng phụ thuộc mùa vụ: vào mùa mưa, có những tháng “chơi không”. Không làm, đồng nghĩa không có tiền. Bởi vậy, 8 hộ còn lại trong làng chủ yếu là làm nghề theo lối cha truyền con nối để giữ nghề. Tình yêu nghề của những người thợ lam lũ dường như đã ngấm vào máu. Họ không gọi thứ tình cảm thiêng liêng đó bằng những mỹ từ bóng bẩy như “đam mê”, hay “sống chết với nghề”… Chỉ giản dị như cách nói của anh Trương Lốp - người thợ có 30 năm trong nghề rèn thủ công, rằng “còn sức thì còn làm thôi”…

THANH TÂN - PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.