.
Nghĩ

Nơi trái tim mình

.

Trong những hình ảnh ngập tràn không khí lễ hội Halloween vừa rồi (31-10), kiểu hóa thân thành các “nữ quái” nhảy múa tưng bừng dựa trên cảm hứng… trang phục dân quân tại thành phố Hồ Chí Minh được bàn tán nhiều nhất. Đại loại có hai “phe” phản ứng. Một bên ủng hộ “tinh thần tự do” không biên giới, và một bên quả quyết không nên đùa cợt với những điều thiêng liêng của đất nước.

Trước đó không lâu, từ Bắc chí Nam, trong đó có cơ quan chức năng cũng “sôi” lên với câu chuyện chế lời Quốc ca. Bao thế hệ người Việt chỉ biết xúc động, hào sảng và khơi dậy ý chí từ những giai điệu, ca từ của bài hát thân thuộc ấy. Nhưng bây giờ, nhiều người còn biết có “Cen ca” (Cen - viết tắt tên công ty Cen Group) và chưa biết mai này sẽ có “cái gì ca” nữa.

Rất nhiều ý kiến cho rằng chẳng có gì phải ồn ào trước sự đùa cợt. Đơn giản là vui thôi. Những niềm vui vô hại thì không cần thiết phải mổ xẻ. Sự lên án trong những trường hợp này chỉ càng cho thấy đất nước ta… còn lâu mới tiến bộ. “Hễ đụng vào cái gì cũng phạm húy” thì nói gì đến tiếp thu hay đuổi kịp những văn minh, tiên tiến của thế giới. “Tư duy cũ” dẫn đến việc cứ mãi tôn sùng “giá trị cũ” có lẽ không còn hợp thời. Ở “phe” lập luận này, người ta còn dẫn ra các ví dụ như người Mỹ mặc bikini có hình lá cờ Mỹ, gái Nhật biến kimono cực sexy trong phim “cấp 3”, hoặc lời quốc ca Hoa Kỳ bị ca sĩ nước họ nhại lại... nhưng kinh tế, khoa học của những quốc gia đó vẫn phát triển ầm ầm.

Sẽ hơi chán nếu cứ vin vào khái niệm “tự do trong khuôn khổ” để chính cái sự vui đùa cũng bị quy vào chuẩn mực. Như vậy cái đùa nào mà chẳng… sai, và chắc chẳng ai còn cảm hứng để đùa. Tuy vậy, muốn đùa kiểu gì cũng phải trên cơ sở hiểu biết về “cái đang bị đem ra đùa”. Những bạn trẻ “mặc chế” và “hát chế” ấy đã thực sự đủ hiểu giá trị bộ trang phục dân quân Việt Nam chưa, có hiểu hết những thăng trầm đi cùng thời cuộc của bài quốc ca dân tộc? Nếu câu trả lời là chưa, hoặc “không cần thiết phải tìm hiểu”, thì sự đùa cợt dễ dãi chẳng qua là sự ngụy biện cho hành động “ăn theo” không chọn lọc?

Nhớ có lần trò chuyện với một thầy giáo vừa sáng tác bài thơ về Côn Đảo sau lần ra thăm địa danh lịch sử này, suốt buổi chuyện trò, người thầy lớn tuổi chỉ khóc và khóc. Bởi thầy vừa được “gặp lại” ông cố ngoại và cha vợ mình ngay trong “Chuồng Cọp”, nơi những người ruột thịt của thầy và bao thế hệ chiến sĩ Cộng sản từng bị đày đọa và mãi mãi nằm lại tại đây. Thầy thấy mình quá bé nhỏ trước lịch sử và mang nặng ơn nghĩa với tiền nhân…

Cách đây vài ngày, gặp lại một nhà báo đã nghỉ hưu, cô và tôi cùng nhắc nhớ về kỷ niệm ngày cô cháu cùng tập tành thi kể chuyện. Hồi ấy, cô dạy tôi các mẩu chuyện về cuộc đời Hồ Chí Minh. Trong khi tôi cứ ngây người ra đợi cô kể thì cô mãi nghẹn ngào không nói nên lời. Tưởng nhắc lại “sự mít ướt” của cô cho vui, không ngờ cô lại lấy đôi kính lão xuống lau nước mắt: “Nhắc đến Bác là cô không kiềm lòng được. Thương mà chỉ biết khóc thôi”…

Không thể có điều gì khiến người thầy giáo và cô nhà báo ấy đùa cợt theo kiểu chế giễu những hình ảnh đi liền với quá khứ dân tộc. Bởi trong trái tim những thế hệ như họ chỉ có duy nhất một tình yêu vẹn tròn với Tổ quốc thiêng liêng.

Thật khó kỳ vọng người trẻ cũng yêu quá khứ bằng tấm chân tình ấy. Và không công bằng nếu đòi hỏi những người được sinh ra và lớn lên lúc đất nước đã hòa bình phải thấu hiểu đậm sâu nhất những máu xương, mồ hôi, nước mắt và đau thương của chiến tranh và cái giá của độc lập, tự do, thống nhất và hòa bình. Nhưng tự cho ta cái quyền (dù chưa có luật cấm) làm “méo mó” những điều đã mang lại cho ta giá trị của sự bình yên ngày hôm nay, có phải là quá đáng? Thử hỏi người trẻ có “tự tin” quá không, khi có thể sẵn sàng đủ lời lẽ bình luận bài bác những gì được cho là giá trị thiêng liêng riêng có của dân tộc như Quốc ca và hình ảnh của lực lượng vũ trang, trong khi chưa đủ hiểu những điều ấy thiêng liêng đến nhường nào? Chưa kể, niềm vui ấy có thực sự vô hại?

Không riêng tình yêu Tổ quốc, nếu có điều gì đó khác cho ta tôn thờ như tình cảm thiêng liêng, để chính cảm xúc thực sự nơi trái tim mình tự hiểu phải luôn bảo vệ và trân trọng lấy, thì cũng đáng để ta không làm “méo” nó, phải không bạn?

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.