.

Sành điệu hay mối hại khôn lường?

.

Giới trẻ hiện nay dùng shisha như một thứ “mốt” mà không để ý đến mối nguy hại của nó vì cho rằng với thành phần chủ yếu là thảo dược, hoa quả, được hút qua nước, shisha sẽ không nghiện và không gây hại đối với sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, liệu rằng shisha có vô hại đối với sức khỏe?

Shisha tràn ra vỉa hè và được giới trẻ sử dụng “sành điệu”, nhưng không được cảnh báo về các nguy cơ.   Ảnh: Q.V
Shisha tràn ra vỉa hè và được giới trẻ sử dụng “sành điệu”, nhưng không được cảnh báo về các nguy cơ. Ảnh: Q.V

Đắm chìm trong khói trắng shisha

Khoảng 21 giờ 30 một ngày cuối tuần, chúng tôi ghé vào quán pub tên Q. trên đường Bạch Đằng. Lúc này trong quán đã có hàng chục đôi nam nữ cười nói rôm rả, quây quần theo từng bàn, mỗi bàn từ 5 đến 7 người. Đa số các nhóm đều gọi cho riêng mình một bình shisha.

Khách hàng đến quán đa số trong độ tuổi 8-9X. Các nhóm này vây lấy bình shisha, thay phiên nhau rít liên tục, rồi nhả khói mù mịt vào không trung. Trong nhóm khách 8 người ngồi ngay phía trước chúng tôi, một cô gái còn khá trẻ, uống hết ly rượu, chồm lấy vòi shisha đưa ngay vào miệng, rít một hơi, gật gù, rồi nhả từng cuộn khói trắng đục vào không gian, cười khúc khích với điệu bộ rất “phê”. Các trai, gái trong nhóm cũng tranh thủ kéo từng đợt shisha với vẻ rất khoái trá, có người kéo liên tiếp vài hơi mới chịu chuyền cho người khác. Họ vui đùa, cười nói, thả khói vào mặt nhau…

Sau 22 giờ, quán kín chỗ với những vị khách trẻ. Không gian trong quán dường như chật chội và ngột ngạt hơn, ngập chìm trong tiếng nhạc ầm ầm, tiếng reo hò, tiếng rít. Những làn khói trắng quyện vào đặc quánh, đủ các hương vị táo, bạc hà, dâu. Sau mỗi lần rít một hơi shisha thật dài, người hút lắc lư, uốn éo, “réo” lên theo nhịp điệu của DJ, sự phấn khích thể hiện rõ trên từng khuôn mặt; những đôi mắt lim dim, ngây ngất, tan chảy theo làn khói bạc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Đà Nẵng, giá một bình shisha dao động từ 180.000 đến 230.000 đồng, loại đặc biệt lên đến 400.000 đồng; ngoài loại thông thường, khách hàng còn có thể sử dụng shisha dùng với sữa. Điều bất ngờ là, ngoài các quán pub, trà chanh, giới trẻ sử dụng shisha ngay trên vỉa hè, lấn chiếm lối của người đi bộ một cách tự nhiên giữa chốn đông người qua lại.

Shisha đã trở thành một “món không thể thiếu” trong thực đơn của những quán bar, pub này. Thậm chí, trên các màn hình to trên tường, trước cổng ra vào, quán F. trên đường Chi Lăng đã cho chạy những hình ảnh với “Chương trình giờ vàng khuyến mãi” với các gói từ 950.000 đồng đến 1.550.000 đồng, trong đó shisha là một phần quan trọng.

Hiểm họa shisha và bỏ ngỏ trong quản lý (!)

Theo thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về shisha, tuy nhiên, nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới đã chỉ rõ tác hại của shisha. Trái ngược với sự lầm tưởng khói shisha không độc, hút shisha gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Một bình shisha có thể được sử dụng trong vòng từ 20-70 phút với khoảng 50 đến 200 lần hút, lượng khói đưa vào cơ thể có thể lên đến một lít khói, tương đương việc hút hơn 100 điếu thuốc, hoặc nhiều hơn. Lượng nicotine, CO (carbon monoxide) đưa vào cơ thể lớn hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường, gây hại đến hệ thần kinh, hô hấp và tim mạch. Việc hít phải lượng lớn các hợp chất sẽ làm tăng nguy cơ gây ung thư phổi. Ngoài ra, việc sử dụng chung vòi hút còn tăng nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm qua miệng như nhiễm herpes, viêm gan và bệnh lao… “Bên cạnh đó, việc sử dụng shisha trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc sẽ gây cảm giác đau đầu, buồn nôn, đãng trí. Những tác hại  đó cần được hiểu rõ”, ông Hải nhấn mạnh.

Không chỉ dừng lại đó, việc bán và sử dụng shisha công khai còn dẫn đến nguy cơ sử dụng shisha “biến tướng”. Thượng tá Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết ranh giới giữa việc sử dụng shisha và các chất ma túy là rất nhỏ. Các dụng cụ (bình) hút shisha cũng có thể để sử dụng ma túy tổng hợp và các chất kích thích. Thanh, thiếu niên có thể bị dụ dỗ, lôi kéo, pha trộn shisha với các chất gây nghiện nhằm tăng độ phê. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn tội phạm sử dụng ma túy công khai và hợp pháp dưới vỏ bọc shisha. Ngoài ra, việc sử dụng shisha  ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh, gây ra tình trạng ảo giác, không làm chủ bản thân...

Qua kiểm tra trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện trường hợp shisha “biến tướng”. Ông Nguyễn Đức Phụng, Trưởng Công an phường Bình Thuận (quận Hải Châu) cho biết, qua kiểm tra các đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy đã phát hiện một thanh niên dương tính với ma túy. Trong quá trình sử dụng shisha, đối tượng này đã pha trộn với cần sa nhằm tạo cảm giác mạnh hơn. Điều đáng nói là trong hai lần kiểm tra vào tháng 12-2014 và tháng 1-2015, đối tượng này đều dương tính với ma túy từ việc sử dụng shisha và cần sa.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Cường, shisha luôn tiềm ẩn nhiều tác hại đối với sức khỏe, tệ nạn và trật tự xã hội. Vì lý do này, việc quản lý shisha cần được quan tâm một cách đúng mức. Tuy nhiên, dường như các cơ quan chức năng ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa có chế tài cụ thể trong việc quản lý mặt hàng này. Shisha chưa được liệt kê trong danh mục các chất ma túy và tiền chất, do vậy không thể cấm việc sử dụng mặt hàng này. Pháp luật cũng chưa có quy định rõ ràng nào về việc xử lý đối với người bán shisha.

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết, mặc dù lưu hành trên thị trường khá lâu, nhưng shisha không thuộc quản lý của Chi cục Quản lý thị trường. Trao đổi với ông Phan Văn Mỹ, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Đà Nẵng, chúng tôi nhận được câu trả lời tương tự. Ông Mỹ cho hay, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng và Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng không làm thủ tục nhập mặt hàng này.

Vậy shisha và các bộ đèn đang được sử dụng có nguồn gốc từ đâu? Cơ quan chức năng nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý mặt hàng này? Trước tác hại của shisha, nhiều nước trên thế giới bao gồm Singapore, thậm chí quê hương của shisha như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, một bộ phận của Arab Saudi, đã ban hành lệnh cấm đối với mặt hàng này. Ở Việt Nam, dù chưa có những quy định của pháp luật về shisha, để quản lý tốt và tránh những tác hại, biến tướng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau, nghiên cứu, đánh giá tác hại của shisha, tạo cơ sở chặt chẽ cho những quy định pháp luật về loại hàng này. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của shisha đối với sức khỏe con người.

Shisha là một dạng thuốc lá, có nguồn gốc từ các nước Arab. Khác với các loại thuốc lá thông thường, shisha được tẩm hương thảo mộc, hoa quả tạo nên nhiều mùi vị khác nhau. Shisha thường được sử dụng theo nhóm, hút thông qua một chiếc bình lọc giống như điếu bình.

Du nhập về Việt Nam vài năm trước, shisha được sử dụng phổ biến ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong các bar, vũ trường đến các quán cà-phê, trà chanh vỉa hè. Ở Đà Nẵng, việc sử dụng shisha cũng trở thành một “cơn sốt” đối với giới trẻ trong vòng hai năm trở lại đây; bởi nhiều bạn trẻ cho rằng, sử dụng shisha trở thành cách thể hiện bản thân và đẳng cấp “sang”,“chảnh”!

QUỐC VINH

;
.
.
.
.
.