.

Ngoại ngữ trong tiến trình đô thị hóa ở Đà Nẵng

.

Nhu cầu học tập và sử dụng ngoại ngữ chắc cũng từng xuất hiện sớm trên một vùng đất vốn có bề dày lịch sử về giao thương quốc tế như là Đà Nẵng, khi những Lộ Hạt thuyền bắt đầu thấp thoáng trong vịnh Đồng Long và trong thế giới nghệ thuật thơ Lê Thánh Tông, nhất là khi cửa Hàn trở thành tiền cảng của đô thị cổ Hội An…

Tuy nhiên nhu cầu học tập và sử dụng ngoại ngữ thực sự trở nên cấp thiết khi vùng đất này buộc phải thành nhượng địa của Pháp cùng với sự ra đời thành phố Tourane. Để quản lý đô thị mà thực chất là quản lý thuộc dân Pháp/sujets Français - từ ngữ hành chính thời Pháp thuộc dùng để gọi dân Nam Kỳ và dân của ba thành phố Tourane, Hải Phòng và Hà Nội, nhà cầm quyền thực dân phải dựa vào những người bản xứ biết tiếng Pháp - trước hết là những thông ngôn/phiên dịch/biên dịch.

Muốn có những thông ngôn chuyên nghiệp, nhà cầm quyền thực dân đã mở trường đào tạo. Từ năm 1861, Collège d’Adran được thành lập tại Sài Gòn để đào tạo thông ngôn người Việt và cho cả người Pháp muốn học tiếng Việt, sau đó trường Thông ngôn/Collège des Interprètes được thành lập ở Sài Gòn vào năm 1864 và ở Hà Nội vào năm 1905. Có khả năng không ít thuộc dân Pháp ở thành phố Tourane được chọn cử theo học các trường này để trở về phục vụ cho nền hành chính địa phương.

Đương nhiên muốn tạo nên cả một thế hệ người bản xứ biết tiếng Pháp, sử dụng thành thạo tiếng Pháp, người Pháp phải có cách làm chiến lược hơn - chẳng hạn phải đào tạo ngay từ ghế nhà trường phổ thông, bằng chương trình Giáo dục Pháp cho người bản xứ/Enseignement Franco-Indigène, thường được gọi là Giáo dục Pháp-Việt. Trong chương trình Giáo dục Pháp-Việt, trừ ba lớp đầu của bậc tiểu học sáu năm lớp Đồng ấu/Cours Enfantin, lớp Dự bị/Cours Préparatoire, lớp Sơ đẳng/Cours Élémentaire) được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ để giảng bài, làm bài, viết sách giáo khoa, còn các lớp trên (gồm ba lớp cuối của bậc tiểu học, bậc cao đẳng tiểu học bốn năm và bậc trung học ba năm) thì chỉ lấy tiếng Pháp làm chuyển ngữ, tiếng Việt được học như một ngoại ngữ, cùng với ngoại ngữ thứ hai thường là tiếng Anh ở bậc trung học...

Có điều nhà cầm quyền thực dân ở Tourane chỉ hạn chế chương trình Giáo dục Pháp-Việt trong trường tiểu học, muốn học lên bậc cao đẳng tiểu học và bậc trung học, dân bản xứ Tourane hầu hết phải ra Huế hoặc vào Quy Nhơn... Chính vì vậy tính đến hết thập niên 40 của thế kỷ XX, nhu cầu học tập và sử dụng ngoại ngữ ở Tourane vẫn chưa thể được giải quyết rốt ráo tại chỗ bằng chương trình Giáo dục Pháp-Việt trong các trường học, kể cả một số trường trung học tư thục.  

Sau Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, tiếng Pháp vẫn có/càng có điều kiện phát triển ở Đà Nẵng. Trường Trung học Phan Châu Trinh thành lập từ năm 1952 và nhiều trường trung học tư thục trên địa bàn Đà Nẵng dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ. Một trường tây nổi tiếng là Lycée Blaise Pascal thành lập từ năm 1955, tọa lạc ở địa điểm bây giờ là Trung tâm Hành chính thành phố, cũng góp phần đào tạo nhiều người Đà Nẵng tinh thông Pháp ngữ.

Đáng chú ý là nhu cầu học tiếng Anh ở Đà Nẵng phát triển ngay từ nửa sau thập niên 50 và bùng nổ khi người Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng để trực tiếp tham chiến trên chiến trường Việt Nam. Trong các trường trung học, học sinh được học tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong bốn năm đầu và được học cả hai ngoại ngữ này trong ba năm cuối. Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có một trường phổ thông dạy tiếng Trung là trường Thọ Nhơn/Trồng Người dành riêng cho con em các Hoa kiều.

Sau năm 1975 cho đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tiếng Nga phát triển mạnh trên địa bàn Đà Nẵng, có khi còn chiếm vị trí gần như độc tôn trong trường trung học, phát triển tới mức chỗ Ngã Năm có cả một hiệu sách ngoại văn bán toàn sách Nga. Đáng chú ý là nhu cầu học tập và sử dụng ngoại ngữ ở Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh cùng với sự hình thành giáo dục đại học và trên cơ sở đó là sự ra đời của Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng - mà tiền thân là Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng thuộc Đại học Sư phạm Quy Nhơn về mặt hành chính hoạt động từ năm 1985 - giảng dạy nhiều ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Thái.

Đáng chú ý là sự ra đời của Viện Anh ngữ (ELI) - dự án hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với Đại học Queensland (Úc) từ năm 2007 và đang được xem là Trung tâm khảo thí IELTS (International English Language Testing System/Hệ thống trắc nghiệm Anh ngữ quốc tế) đầu tiên tại miền Trung, góp phần đưa việc dạy học tiếng Anh ở Đà Nẵng lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, chất lượng dạy-học ngoại ngữ - trước hết là tiếng Anh - trong trường phổ thông và cả trong các trường cao đẳng/đại học ở Đà Nẵng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngoại ngữ phục vụ cho phát triển và hội nhập hiện nay của thành phố. Nhiều sinh hoạt chính trị, ngoại giao, học thuật tầm cỡ quốc tế tổ chức ở Đà Nẵng thời gian qua thường gặp vấn đề về đội ngũ phiên dịch viên, hầu như đội ngũ phiên dịch viên cơ hữu của thành phố rất thiếu người có khả năng dịch cabine - tức hình thức phiên dịch song song với diễn giả đang phát biểu - thậm chí có nơi có lúc còn thiếu cả người dịch ứng đoạn.

Học sinh các lớp chuyên ngữ của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn khi tốt nghiệp chỉ có một bộ phận tiếp tục theo đuổi con đường chuyên ngữ ở bậc đại học để trở thành giáo viên/giảng viên dạy ngoại ngữ, hoặc trở thành phiên dịch viên, biên dịch viên, hoặc làm những nghề chuyên sử dụng ngoại ngữ như ngoại giao, báo chí quốc tế và thông tin đối ngoại…

Trong quá trình thực hiện các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vừa qua ở Đà Nẵng, có tình trạng không mong đợi là âm thịnh dương suy. Không ít nam công chức/viên chức tuy rất giỏi chuyên môn và là chuyên môn thuộc các ngành nghề thành phố đương thiếu người giỏi, nhưng vẫn không thể tham gia đề án vì không vượt qua được rào cản ngoại ngữ, trong khi trên lĩnh vực này nữ công chức/viên chức có lợi thế hơn - có điều mất cân đối về giới như vậy sẽ dẫn đến mất cân đối về ngành nghề. Dĩ nhiên cần thấy rằng chính sức hấp dẫn của con đường du học bằng nhiều nguồn tài chính khác nhau những năm qua cũng như trong tương lai đã tạo động lực/động cơ rất đáng kể thúc đẩy phong trào học tập ngoại ngữ ở thành phố chúng ta ngày càng sôi động và có hiệu quả hơn…

Ngư dân Đà Nẵng ngày nay ra khơi bám biển cũng cần biết một ít tiếng Anh và thậm chí tiếng Trung để phòng khi hữu sự có đủ khả năng giao tiếp thông thường. Yêu cầu này càng quan trọng hơn đối với các lực lượng bảo vệ pháp luật trên biển như cảnh sát biển/kiểm ngư/bộ đội biên phòng… Ngay cảnh sát giao thông thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường cũng phải có lưng vốn ngoại ngữ như vậy để xử lý những đối tượng tham gia giao thông vi phạm pháp luật mà không biết… tiếng Việt.

Ở một thành phố du lịch như Đà Nẵng, còn có thể kể dài dài những người trong công việc hằng ngày có lúc buộc phải biết sử dụng chút ít ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài. Chính vì thế nên một số thầy giáo của Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng từng nêu ý tưởng về việc phổ cập tiếng Anh giao tiếp cho đông đảo người dân thành phố. Nếu được như vậy thì cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ ở trường phổ thông-là giải pháp căn bản nhất, ý tưởng này sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng vững bước hơn trong cuộc cạnh tranh để tồn tại giữa thời đại toàn cầu hóa/thế giới phẳng hiện nay...

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.