.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi

.

Hai năm nay, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận những trẻ sơ sinh từ một ngày đến vài tháng tuổi bị bỏ rơi.  Khi làn da còn đỏ hỏn, hơi thở còn yếu ớt, các bé đã bị người thân bỏ rơi ngay trên giường bệnh hay giữa chốn hành lang cất lên những tiếng khóc xé lòng.

 Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi luôn xem những đứa trẻ bị bỏ rơi như con ruột của mình.
Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi luôn xem những đứa trẻ bị bỏ rơi như con ruột của mình.

Mồ côi tội lắm ai ơi

Phòng Hồi sức sơ sinh hiện đang chăm sóc 5 trẻ từ 10 ngày tuổi đến 11 tháng tuổi. Mỗi bé đều có một hoàn cảnh hết sức thương tâm. Thu mình trong chiếc nôi cỡ lớn đặt cuối phòng, tiếng khóc liên hồi của bé Ánh khiến những người chứng kiến xót xa. Ánh bị não úng thủy, mẹ bỏ em đi từ lúc lọt lòng. Gần một năm nay, Ánh lớn lên trong sự chăm lo tận tình của các cán bộ, nhân viên tại đây. Càng lớn lên thì túi nước trong đầu càng phình ra, chèn ép các mạch máu khiến đầu em đau buốt. Mỗi ngày Ánh phải tiêm 7 mũi thuốc giảm đau nhưng vẫn không có tác dụng. Cơn đau chỉ bị gián đoạn, lãng quên khi bé chìm trong giấc ngủ.

Vừa qua, thông tin bé Hồ Công Quý (2 tuổi) bị nhiễm trùng máu, xuất huyết tiêu hóa rồi rơi vào trạng thái hôn mê sâu đều khiến các y bác sĩ, điều dưỡng tại phòng Hồi sức nhi cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Mẹ mất khi vừa lọt lòng, Quý được người thân đưa đến bệnh viện điều trị. Ba ngày sau khi phát hiện em mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo, người thân cũng lặng lẽ quay lưng. Căn phòng bệnh trở thành nhà và những nhân viên y tế là người thân của em từ ngày đó. Chứng viêm phổi nặng cùng với những khuyết tật bẩm sinh khác khiến em đã 2 tuổi nhưng vẫn không biết lật, ngồi và không có phản xạ nuốt. Hai năm qua, Quý loay hoay trong căn phòng đầy mùi thuốc sát trùng.

Thỉnh thoảng có những nhóm thiện nguyện đến thăm, Quý lại say mê với những gương mặt, nụ cười mới, mân mê bên những món đồ chơi lạ mà quên đi cơn bạo bệnh. “Với diễn tiến bệnh tình như hiện nay, thời gian còn lại của em có thể không còn nhiều nữa. Giờ đây điều em cần nhất là sự quan tâm, gần gũi trò chuyện của mọi người, để em được cảm nhận thêm chút hơi ấm tình thương trong cuộc đời quá ngắn ngủi và bất hạnh của mình”, giọng một nữ bác sĩ buồn buồn.

Theo các nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, việc tìm lại thân nhân cho 9 em bé bị bỏ rơi (trong đó có 5 trẻ bị dị tật và 4 trẻ hoàn toàn khỏe mạnh) là điều rất khó, như suy nghĩ của cử nhân điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm “nếu họ đã có ý định từ bỏ giọt máu của mình thì chắc chắn họ đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó và che giấu thân thế, địa chỉ”.

Để lưu lại một phần ký ức của người thân, tên các bé thường được đặt theo tên mẹ hoặc tên bố ghi trong hồ sơ. Đối với những bé không có một thông tin gì, các nhân viên y tế sẽ tạm gọi là Rơi. Mới đây, các nữ hộ sinh tại phòng Dưỡng nhi đã tiếp nhận trai Rơi (một ngày tuổi) tại khu vực hành lang căn tin bệnh viện lúc giữa trưa. Rơi được quấn trong một chiếc khăn kín mít, liên tục khóc ré vì đói sữa mẹ. “Các cô đang bàn nhau đến đầy tháng cháu sẽ tìm một cái tên đẹp để đặt chứ gọi Rơi vậy thấy bơ vơ, tủi thân cho cháu lắm”, cô Lê Thị Kim Thành, nữ hộ sinh phòng Dưỡng nhi, cho biết.

Những đôi tay ngóng tìm hơi mẹ

Phòng Dưỡng nhi mỗi ngày tiếp nhận chăm sóc 50-60 trẻ sơ sinh. Các bé được tách ra đây chăm sóc 4-6 giờ để cho sản phụ nghỉ ngơi sau sinh. Tại phòng này có 3 bé là con chung của các nữ hộ sinh tại đây, trong đó bé Thảo là “lớn tuổi” nhất. Cách đây 7 tháng, bé Thảo cũng như trai Rơi vừa mới tiếp nhận. Mẹ bỏ em đi, để mình bé nằm bơ vơ trên giường bệnh cho đến khi được các nữ hộ sinh phát hiện. Thiếu bầu sữa mẹ, những bữa ăn bằng sữa bột thật khó khăn với Thảo từ những ngày đầu. “Cứ bú sữa vào là nôn hết ra ngoài vì bụng còn yếu, thử qua đến năm sáu loại sữa Thảo mới quen được”, nữ hộ sinh Thành cho biết. Giờ đây, Thảo đang được các “mẹ” tập cho ăn dặm.

“Con lớn hơn một chút lại phát sinh một nhu cầu mới, thế là mọi người lại bận rộn hơn, chi phí cũng nhiều hơn nhưng không sao cả, chúng tôi đã lập một quỹ riêng do anh chị em tự nguyện đóng góp để lo sữa, lo bỉm nuôi các con”, nữ hộ sinh Lý Mỹ Yến nói. Chiếc nôi của Thảo đặt cuối dãy bên trái cũng được thiết kế lớn hơn các chiếc nôi dành cho trẻ sơ sinh. Hằng ngày, khi các “mẹ” bận đi làm, một mình Thảo chơi trong không gian riêng của mình, mặt luôn ngóng về phía cửa. Các “mẹ” tại phòng Dưỡng nhi còn sắm thêm đồ chơi, thú bông, vòng lắc... bày biện trong chiếc nôi để “bầu bạn” khi Thảo ở một mình.

Nhiều nhân viên y tế tại phòng Hồi sức sơ sinh vẫn chưa lập gia đình nhưng họ chăm sóc các bé bị bỏ rơi như những người mẹ thực thụ. Mấy hôm nay, cả phòng đang bàn luận sôi nổi về việc trai Sơn (6 tháng tuổi) đã có phản xạ bú bình bằng miệng. Sơn sinh non, bị đa dị tật, trong đó có dị tật cằm nên không có phản xạ nuốt. Mẹ đã âm thầm rời bước khi Sơn được chuyển đến đây trong tình trạng đang thoi thóp.

Thiếu sữa mẹ lại không thể bú bình, các bác sĩ đã phải đặt ống thông qua mũi và thay nhau bơm sữa vào ống để duy trì sự sống cho bé. Ngay khi nhận thấy Sơn có thể nuốt được, các “mẹ” đã giành nhau đi sắm các vật dụng như muỗng, bình sữa, ly... tranh thủ lúc hết ca trực lại lo cho đứa con bé nhỏ của mình. Mỗi thìa sữa đút vào mà Sơn nuốt thành công chính là một niềm vui vô bờ bến của các “mẹ”.

Bé Bình (11 tháng tuổi), là chị cả trong số những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại khoa Hồi sức sơ sinh. Cách đây gần một năm, người mẹ trẻ của em đã nhẫn tâm rời xa đứa con thiếu tháng chỉ nặng gần 2 kg. Lớn lên trong sự che chở, yêu thương của các bác sĩ, điều dưỡng, đứa bé đỏ hỏn, yếu ớt nay đã là một em bé khỏe mạnh, lanh lợi. Hằng tháng, các mẹ lại cùng nhau góp tiền học phí để đưa đón Bình đến một nhà trẻ ở gần bệnh viện.

Trong những chiếc nôi đặc biệt, rộng chưa đầy 1 m2 , hễ có người đi ngang, trên đôi môi mếu xệch cùng hai hàng nước mắt chực tuôn rơi, các bé lại nở nụ cười hớn hở, hai cánh tay luôn vươn ra phía trước đòi bồng bế, ấp ôm. “Một ngày nào đó, khi lớn lên và hoàn thiện các thủ tục pháp lý, các bé cũng sẽ rời xa nơi này để về với một gia đình mới. Chúng tôi sẽ cảm thấy buồn và trống trải nhưng rồi cũng hy vọng điều đó xảy ra. Bởi đứa trẻ nào lớn lên cũng cần lắm bàn tay âu yếm của mẹ, bờ vai vững chãi của cha”, nữ hộ sinh phòng Dưỡng nhi Trần Thị Khánh An bùi ngùi nói.

Riêng với các em sinh ra bị dị tật, bị người thân bỏ rơi khi chưa ý thức được gì thì nỗi bất hạnh mà các em gánh chịu không gì bù đắp được. Nữ điều dưỡng Nguyễn Anh Hồng xót xa: “Dù mọi người có chung tay, góp sức thì cũng không thể khỏa lấp hết sự trống vắng, cô đơn từ trong sâu thẳm tâm hồn của các em. Mãi mãi các em luôn bị thiệt thòi”.

Một ngày ở bệnh viện, tiếng khóc của những đứa trẻ vừa chào đời luôn khiến các nhân viên y tế nơi đây mừng lo lẫn lộn. Vui vì một mầm sống lại nảy nở bình an nhưng cũng lo lắng không yên bởi chẳng biết trong những thanh âm ấy liệu có còn tiếng khóc nào bơ vơ, không được vỗ về, ôm ấp trong vòng tay mẹ?

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.