.

Giúp bạn vững vàng trong tương lai

.

Ở thành phố, nhiều gia đình con cái đã ở cái tuổi 17, 18 nhưng ba mẹ phải thay phiên nhau đưa đến lớp, kể cả đi học thêm. Hỏi chuyện nhiều bạn trẻ, từ học sinh cho đến sinh viên, có bạn chẳng hề biết chuyện rửa bát quét nhà, trong khi nhiều bạn thuần thục việc nhà, tự tin và đầy kiến thức khi nói chuyện… mới thấy những việc lớn bé ấy được gọi tên bằng cụm từ “kỹ năng sống” - một kỹ năng mà nếu không thành thạo, bạn sẽ khó tồn tại trong bất kỳ môi trường sống nào.

Nhóm SV của Lê Thị Hồng chuẩn bị một tiết mục múa của người Nga gửi tặng thầy cô trong ngày 20-11 vừa qua. Ảnh: S.L
Nhóm SV của Lê Thị Hồng chuẩn bị một tiết mục múa của người Nga gửi tặng thầy cô trong ngày 20-11 vừa qua. Ảnh: S.L

Học kỹ năng sống từ những điều đơn giản

Quê của Lê Thị Hồng, sinh viên năm 1 khoa tiếng Nga, trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Từ lớp 9 Hồng đã bắt đầu tự lập, hai năm lớp 11 và 12 đã rời nhà để tới thị trấn của huyện trọ học. Bạn bảo rằng nếu không học để tự chăm sóc bản thân thì không bao giờ tồn tại được; kể cả chuyện học cũng phải tự giác, chứ không thể vì hoàn cảnh mà lơ là.

Thi đậu vào khoa cử nhân tiếng Nga, Hồng được giao nhiệm vụ là lớp phó phụ trách học tập, phụ trách một nhóm văn nghệ của khoa. Ngày chủ nhật, cô sinh viên nhỏ nhắn này còn tham gia sinh hoạt trong một câu lạc bộ tiếng Anh, thường xuyên đi đến các điểm tham quan như Ngũ Hành Sơn, Hội An để nói chuyện với khách du lịch nước ngoài... Có lẽ nếu không trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, các kỹ năng, sự mạnh mẽ, tự tin thì cô gái này sẽ gặp tình huống như bao bạn nữ ở tỉnh lẻ khi đến thành phố: đó là sự co mình lại, rụt rè và chỉ biết chơi với những người cùng quê! …

Bạn Hoàng Anh, năm 1 khoa Du lịch, trường ĐH Kinh tế cho biết, trong lớp bạn, hầu như những bạn ở các tỉnh khác sẽ chơi với nhau. Hồi mới nhập học cách đây hơn 2 tháng, Hoàng Anh và các bạn ở Đà Nẵng xác định sẽ chơi hòa đồng với các bạn cùng lớp, nhưng sau nhiều lần nói chuyện, Hoàng Anh để ý là các bạn “ở quê” không chủ động trò chuyện, hay nhận xét các bạn quê Đà Nẵng “thế này, thế kia”. Thế là tự nhiên Hoàng Anh và các bạn đó tách dần…

Với những bạn đang là học trò bậc phổ thông, thì kỹ năng sống nằm ở những khía cạnh khác. Bạn Thảo Chuyên, học sinh lớp 10 Trường THPT Trần Phú xem những việc mình làm được là chuyện hiển nhiên. Ví dụ như chuyện nấu ăn, Thảo Chuyên biết làm từ khi học cấp 1 và bạn làm việc một cách tự nguyện, không đợi ba mẹ nhắc nhở. Mẹ của Thảo Chuyên cho biết chị rất yên tâm khi con biết làm mọi thứ. Thậm chí khi gia đình bạn bè của con tổ chức đi chơi, đi nghỉ hè ở các tỉnh khác, muốn rủ con chị theo cùng, chị cũng đồng ý, vì biết con có đủ khả năng tự lo cho mình.  Thảo Chuyên còn tự tin “bây giờ sang Mỹ một mình con cũng đi được”.

Hôm vừa rồi về Hòa Nhơn, tôi gặp bạn Trần Minh Phương, học sinh lớp 10 trường THPT Ông Ích Khiêm. Nhà nghèo, ba đau ốm nằm một chỗ, sau giờ học Phương phụ mẹ chăn 2 con bò. Là con trai nhưng đi học về đến nhà, thấy mẹ bận là Phương vào bếp nấu cơm, rửa bát, quét nhà...

Có lẽ với những gia đình nghèo hay chỉ là công chức bình thường thì chuyện con cái phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, có bạn tự đi làm gia sư để kiếm tiền đóng tiền học... gần như là chuyện thường thấy. Hoàng Anh cho biết bạn có vài đứa bạn học giỏi, “sành điệu”, nhưng rất “gà mờ” vì không biết làm bất kỳ việc gì gọi là tự chăm sóc bản thân hay giúp đỡ người khác. Và những bạn này rơi vào nhóm con nhà giàu, nhà có người giúp việc, có mẹ ở nhà chăm sóc gia đình… Hoàng Anh bảo “là bạn đấy, nhưng em coi thường mấy bạn ấy, vì đôi khi các bạn làm như có tiền là giải quyết được mọi chuyện…”.

Trau dồi kỹ năng không phải là chuyện khó

Để có thể làm việc và tồn tại được trong môi trường xã hội mang tính cạnh tranh rất lớn như hiện nay, nhiều bạn trẻ trang bị hành trang cho mình rất đầy đủ với các loại bằng cấp chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Theo nhiều giáo viên thì học thật giỏi là đủ và chắc chắn sẽ có một tấm vé khi vào đời; nhưng chưa chắc bạn có thể thích ứng nhanh với công việc hay sự thay đổi về “môi trường” cuộc sống. Trong khi đó nhiều bạn học không xuất sắc, nhưng bạn luôn mạnh dạn, tự tin trong bất kỳ tình huống nào, bạn luôn đạt được kết quả tốt nhất, đó là bạn đã có kỹ năng mềm.

Theo các chuyên gia tâm lý thì mỗi bậc cha mẹ phải dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ, không phụ thuộc vào bố mẹ. Bởi đây là một trong những kỹ năng hết sức quan trọng để khi lớn lên trẻ có đủ tự tin, bản lĩnh trong cuộc sống. Kỹ năng sống bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, gần gũi nhất trong gia đình và trong trường học: quét dọn nhà cửa, lớp, bàn ghế, sân trường. Khi lớn lên một chút, em trai cũng như em gái phải học công việc bếp núc, sắp xếp nhà cửa. Để sau này khi lớn lên, sẽ không gặp khó khăn trong việc tự tổ chức cuộc sống riêng cho mình.

Biết phụ giúp việc nhà, các em sẽ biết chia sẻ khó khăn với cha mẹ, hiểu và thông cảm với người lao động, biết yêu thương người nghèo khó. Ngoài ra, bố mẹ cần giáo dục cho con về nếp ăn ở, cách tiếp khách khi người lớn vắng nhà; cách thưa gửi với người hơn tuổi, cách trả lời điện thoại… Khi lớn lên, các em sẽ học được kỹ năng lãnh đạo, thuyết phục, trình bày, xử lý tình huống, phân công công việc... Kỹ năng giao tiếp thuần thục cũng giúp các em chia sẻ cảm xúc, sống hòa thuận hơn với những người xung quanh. Nói chung kỹ năng mềm có được nhờ một quá trình tích lũy, chú ý lắng nghe và chiêm nghiệm cuộc sống.

Sự hời hợt, vô tâm với những điều nhỏ nhặt sẽ làm cho cuộc sống của bạn trở nên tẻ nhạt, kém sâu sắc. Từ đó sự đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh cũng kém hơn. Thiếu điều này, mối quan hệ của bạn với những người xung quanh cũng sẽ không đủ khăng khít để giữ vững bền lâu được.

T.S Nguyễn Hằng Phương, Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, kỹ năng sống là một trong những điều kiện quan trọng giúp cho con người đáp ứng với cuộc sống. Để vững vàng trong tương lai, đều quan trọng bên cạnh những tri thức thì cần có kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, tự giải quyết những tình huống gặp phải trong cuộc sống, và có lẽ điều quan trọng là tin vào những điều tốt đẹp mình có thể làm được.

SONG LINH

;
.
.
.
.
.