.

Nghìn năm dấu cũ

.

Nhân dịp tảo mộ cuối năm, tôi được ông chú trong họ, ông Võ Anh, đưa đến thăm một ngôi miếu “Nghĩa Tự Xóm Thuận An” tại Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Ngôi miếu được trùng tu năm 2007, kiến trúc và màu sắc trang trí đều mới, duy có chi tiết đáng chú ý là trên một cột trụ trước miếu có gắn những “kỷ vật”.

Tấm đá năm 1874.
Tấm đá năm 1874.

Ở trên cao ngang tầm mắt là một phiến đá  21,5 x 42,5 x 5cm, khắc những dòng chữ Hán, vết khắc còn sắc nét,   嗣  德  二  十  七  年  歲  次甲  戌  五  月吉日 順 安邑  本  邑  四  政  良  朋  族  仝  建  造  新  庙 (Âm: Tự Đức nhị thập thất niên tuế thứ Giáp Tuất ngũ nguyệt cát nhật Thuận An ấp, bổn ấp tứ chánh lương bằng tộc đồng kiến tạo tân miếu. Nghĩa: Niên hiệu Tự Đức thứ 27, năm Giáp Tuất (1874) tháng 5, ngày tốt, ấp Thuận An, các tộc thân thiết bốn phương trong ấp cùng xây dựng miếu mới). Bên dưới gắn 3 mảnh ngói vỡ và 2 viên gạch lớn, trên viên gạch có khắc dòng chữ quốc ngữ “Vật liệu xây dựng của người xưa giữ làm kỷ vật.” Được biết những “kỷ vật” này do bác Huỳnh Ngọc Tế (84 tuổi) sưu tầm trong khu vực ngôi miếu đổ nát vào những năm 1980 và đã cất giữ cho đến gần đây để gắn vào thân cột ngôi miếu mới.

Hai viên gạch có kích thước 31 x 18 x 6cm, màu đỏ sẫm, là mẫu gạch thường thấy ở các di tích Chăm. Ba mảnh ngói, một mảnh có xương gốm màu trắng, hai mảnh có màu đỏ hồng; cả ba đều sứt vỡ nhưng cũng có thể nhận ra chất liệu và kiểu dáng của các viên ngói phát hiện ở những hố đào khảo cổ khu vực tường bao hoặc tiền đường có mái che của các quần thể di tích Chăm. Cách đây 30 năm, một người dân (đã qua đời vì tai nạn) khi đào móng làm nhà ở cạnh ngôi miếu đã phát hiện một khối đá hình trụ vuông, có khắc chữ ở bốn mặt, và đã chuyển về Bảo tàng. Đây là một văn bia bằng chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ, được dựng vào năm 898, nói về việc xây dựng một công trình và dâng cúng đất đai cho thần Maharudra(1). Đây là những dấu tích cho biết tại khu vực ngôi miếu từng có những công trình kiến trúc từ hơn 1.000 năm trước.

Lại nhớ đến một bài viết của Edouard Huber cách đây hơn 100 năm (năm 1911) cho biết một người Pháp, có tên là Rougier, đã tìm thấy ở Hóa Quê một tấm bia Chăm có niên đại năm 909. Địa điểm tìm thấy tấm bia là  “ngôi chùa/miếu làng Hóa Quê” ở ngoại ô phía nam Tourane, nơi có dấu tích Chăm; vị trí được ghi là “cột trụ điện thoại số 74 của đường dây Tourane-Saigon”. Bài viết cũng ghi nhận về một tượng Ganesa và một tượng Kumara đặt ở gốc cây và bức tượng được sơn lại với các màu xanh, đỏ, đặt trong miếu thờ cùng với bài vị chữ Hán ghi “vị thần sao Thổ”. Nội dung văn bia ca ngợi thần Siva và  nhắc đến việc xây dựng nhiều đền tháp(2). Không biết được “trụ điện số 74” nằm ở vị trí nào ngày nay, nhưng có thể xác định ở dọc theo con đường từ giữa sân bay Đà Nẵng đến cầu Cẩm Lệ, tức là con đường cái quan vào đầu thế kỷ 20. Cũng khó biết “ngôi chùa/miếu làng” đã dịch chuyển về đâu, nhưng ngày nay đến Miếu Bà (gần Nhà thờ chư phái tộc làng Khuê Trung) còn thấy các đầu tượng Chăm được tôn tạo đặt sau các bài vị “Ngũ hành thánh nương”. Phải chăng đây chính là các tượng Chăm mà Huber đã nói đến trong bài viết năm 1911?

Ngói Chăm và gạch Chăm gắn trên trụ Nghĩa Tự Xóm Thuận An.
Ngói Chăm và gạch Chăm gắn trên trụ Nghĩa Tự Xóm Thuận An.

Dòng chữ Hán khắc năm Tự Đức 27 ghi lại việc “tứ chánh lương bằng tộc” dựng ngôi miếu xóm Thuận An. Tại sao lại là “tứ chánh lương bằng tộc” mà không là một hoặc một số tộc họ có danh tính cụ thể? Đọc trong Địa bạ triều Nguyễn ta thấy một địa danh “Phú Tài tứ chánh man sách”(3), địa giới rất đặc biệt, nam giáp sông, ba mặt đông, tây, bắc đều giáp xã “Hóa Khuê Trung-Tây” (gần tương ứng với phường Khuê Trung ngày nay); như vậy “man sách” này nằm ven sông và nằm lọt bên trong địa phận Khuê Trung. “Động”, “Sách” là tên gọi các đơn vị hành chính các triều Lê, Nguyễn đặt ra để quản lý những dân tộc thiểu số (được gọi chung là “man”); các “man sách” ở vùng đầu nguồn là nơi cư trú của các dân tộc miền núi; nhưng “man sách” ở ven sông, ven biển như “Phú Tài tứ chánh man sách” ắt phải là nơi cư trú các dân tộc miền biển. Những người tự nhận là “tứ chánh lương bằng tộc” cùng nhau xây một ngôi miếu ở ấp Thuận An (lân cận với Miếu và Đình làng chính của làng Khuê Trung) rất có thể là cộng đồng những sắc dân hậu duệ của các cư dân miền biển của Champa xưa cùng những cư dân tứ phương mới đến khác?

Dẫu sao những “kỷ vật” nhỏ bé trên trụ cột ngôi miếu xóm Thuận An, Khuê Trung cũng có sức gợi những điều đáng nghĩ. Chỉ trong địa phận một phường Khuê Trung ngày nay đã có dày đặc những dấu tích lịch sử xa xưa. Ai dám bảo thành phố Đà Nẵng là một thành phố trẻ, không có bề dày lịch sử? Chỉ sợ thiếu vắng những tấm lòng và cách nghĩ như bác Huỳnh Ngọc Tế, yêu quý nhặt nhạnh những “kỷ vật” và tìm cách lưu lại cho đời sau.

VÕ VĂN THẮNG


(1) Khối đá này đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Có thể xem toàn văn phiên âm latinh, bản dịch tiếng Anh và tiếng Việt trong tập sách Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2012.

(2) Tấm bia này đang được trưng bày tại sân vườn Bảo tàng lịch sử quốc gia (Hà Nội). Có thể xem toàn văn phiên âm và bản dịch tiếng Pháp trên Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient, số XI, tr 287-298.

(3) Địa bạ triều Nguyễn, Dinh Quảng Nam I, bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr 339.
 

;
.
.
.
.
.