.

Thanh niên giữ gìn trật tự

.

Nhiều năm qua, bóng áo xanh của các bạn thanh niên, sinh viên (SV) tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên các ngả đường, trước cổng các trường học đã trở nên quen thuộc với nhiều người…

Các đoàn viên ký kết biển số xe không vi phạm an toàn giao thông.
Các đoàn viên ký kết biển số xe không vi phạm an toàn giao thông.

Tham gia vào đội giữ gìn trật tự giao thông từ tháng 3 – tháng Thanh niên tình nguyện đến nay, bạn Mai Tấn Quý, SV ĐH Duy Tân cho biết, mới đầu chưa quen công việc, các bạn không khỏi lúng túng khi cầm cờ hiệu đứng trước dòng người ở mỗi ngã tư. “Lúc đó hàng chục đôi mắt đổ dồn vào nhìn, mặt mình đỏ nhừ, nhưng đến bữa sau là quen ngay. Rồi mỗi ngày 2 ca, buổi sáng bắt đầu từ 6g 30 đến 9g, buổi chiều từ 4g 30 đến 6g, vì bọn mình là sinh viên, hay “ngủ nướng” nên mấy bữa đầu dậy sớm mắt còn cay xè, nhưng ra đến vị trí là tỉnh táo liền. Vì ở mỗi ngã tư, khi điều tiết giao thông có 2 thanh niên tình nguyện, yêu cầu của công việc ngoài hướng dẫn người dân dừng xe đúng làn đường, mình phải tươi tỉnh, hoạt bát, linh hoạt xử lý trước mọi tình huống” Tấn Quý nói một thôi một hồi về buổi đầu “đứng đường” của mình. Theo bạn thì vất vả nhất là giữ gìn trật tự trước cổng các trường học. Vì trong lúc đợi học sinh tan trường, nhiều phụ huynh đậu xe sát cổng hay để xe trước những quán nước ven cổng trường, đứng tràn xuống lòng đường khiến tình trạng ùn tắc xảy ra. “Nhóm mình đã phối hợp, cùng nhau phân luồng giao thông, không để phụ huynh đứng xuống lòng đường, phương tiện được sắp xếp lại. Cả khách uống nước đậu xe không đúng quy định tụi mình cũng nhắc nhở để không lấn chiếm lòng lề đường”, Quý cho biết.

Nhiều SV, thanh niên trải qua một thời gian làm công tác điều tiết và xử lý giao thông cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông đã trưởng thành hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích. Bạn Đào Văn Đông, SV Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Tham gia điều tiết giao thông trong những ngày cao điểm khá vất vả, nhưng vì ý nghĩa giúp được các bậc phụ huynh cùng các em học sinh đến trường và về nhà được an toàn, mình thấy rất vui”. Theo Đông, việc tham gia chương trình tình nguyện phân luồng giao thông cũng giúp bạn dạn dĩ hơn, mở rộng thêm nhiều kiến thức xã hội; hiểu biết nhiều hơn về luật giao thông, bởi “muốn hướng dẫn mọi người đi đúng lề đường, người hướng dẫn cũng phải hiểu về luật an toàn giao thông”.

Anh Phan Công Bằng, Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu, người có 13 năm tham gia giữ gìn trật tự giao thông cùng lực lượng cảnh sát cho biết, đội anh có gần 100 thanh niên, ngoài việc đóng chốt ở các ngả đường khi thành phố có những đợt ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông; các anh còn tham gia cùng lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị phường, quận giữ trật tự vỉa hè… Chị Phạm Hồng Linh, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2013, Thành Đoàn phối hợp với các Quận Đoàn thành lập các đội nhóm thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự, nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Đặc biệt thanh niên tình nguyện luôn túc trực, phân luồng giao thông tại một số ngã ba, ngã tư của một số tuyến đường quan trọng, và trước cổng trường trong những giờ tan học. Khi có sự “xuống đường” phân luồng của lực lượng thanh niên tình nguyện, tình hình giao thông ở 27 tuyến đường có quy định phân làn trên địa bàn thành phố sẽ trở nên ổn định hơn”.

CÔNG HƠN

;
.
.
.
.
.