.

Đảng tin, dân mến

.

Đại tá Nguyễn Hòa mô tả cho tôi về cây gậy tầm vông, lần đầu tiên xuất hiện trong những ngày cả dân tộc vùng lên lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến 66 năm trước. Những người dân lưng đeo một ống tre dài đựng nước, tay cầm gậy và một cái mõ  tham gia biểu tình trong suốt 10 ngày từ 19 đến 29-8-1945. Cách mạng đã làm thay đổi số phận, nhận thức và hành động của ông và bao chiến  sĩ công an khác trong suốt 30 năm tiếp theo cũng như trong một mặt trận không tiếng súng khi đất nước hòa bình.

Người chiến sĩ tình báo năm xưa

 

Mô tả ảnh.
Cuộc đời Đại tá Nguyễn Hòa gói gọn trong 4 chữ “Đảng tin, dân mến”.


Đã 20 năm về an hưởng tuổi hưu, giọng nói của Đại tá Nguyễn Hòa vẫn như có lửa khi kể về 50 năm ông tham gia cách mạng. Ông lúc đó là Nguyễn Chức, 18 tuổi, vào đội du kích thôn Long Phước, xã Tam An, Tam Kỳ, Quảng Nam, mới biết thế nào là cái chữ, biết đến tự do không còn cảnh cường hào, ác bá bắt nạt dân lành.

 

Ông trong vai trò là du kích, bí thư chi bộ, thôn trưởng, trưởng công an thôn, phụ trách công tác thuế… phát động nhiều phong trào như xóa mù chữ, tăng gia sản xuất, hũ gạo tiết kiệm. Nhiệm vụ của một công an viên như ông thời đó là đi tuần tra, kiểm soát, quản lý hành chính, giấy tờ… Ngày 1-6-1946, lần đầu tiên trong đời ông được phát một thẻ cử tri để đi bầu cử. Cả thôn chỉ có 2 người học đến yếu lược (tương đương lớp 5 sau này), nên tên các đại biểu được đặt thành một câu vè. Người đi bầu chỉ cần đọc tên một số người trong câu vè là có thư ký đánh dấu dùm.

Đó là những ngày để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông. Trong 9 năm kháng chiến, ông được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi luyện tinh thần thép, ý chí thép. Năm 1955, ông ra miền Bắc trên chuyến tàu cuối cùng, tham gia một khóa học 9 tháng ở trường C500 (nay là Học viện An ninh). Ngày Bác Hồ về thăm anh em miền Nam đang học tại đây, ông xem như đó là “một bước ngoặt lịch sử của cuộc đời, hạnh phúc nhất, sung sướng nhất khi được gặp vị lãnh tụ của dân tộc, càng nung nấu quyết tâm trở lại phục vụ cách mạng miền Nam”. 

Cuối năm 1960 đoàn của ông gồm 10 anh em được trở lại miền Nam. Băng rừng, lội suối mất 3 tháng, đoàn vào đến thôn Phú Mưa, huyện Hiên vào ngày đầu tháng 2-1961, ông đổi tên thành Nguyễn Hòa. Cả thôn chỉ có vài chục hộ dân, anh em ra nương trồng lúa, trồng sắn chuẩn bị cái ăn và thành lập Ban An ninh Quảng Nam. Ông được phân công phụ trách B3, là bộ phận an ninh điệp báo, diệt ác phá kềm và an ninh vũ trang, hoạt động hoàn toàn trong lòng địch. Hồi đầu B3 chỉ có 3 anh em. Từ năm 1963 đến ngày giải phóng, đơn vị có 40 chiến sĩ, xây dựng được 40 cơ sở trong lòng địch và hàng trăm cơ sở quần chúng địa phương.

Đại tá Nguyễn Hòa nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng lực lượng. Đảng giao cơ quan điệp báo xây dựng cơ sở ở bất cứ người nào, nơi nào, không phân biệt đó là kẻ địch hay có tôn giáo. Anh em khi xây dựng cơ sở phải điều tra lai lịch rõ ràng, yêu cầu nguồn tin phải hết sức trung thực. “Nhưng dù ở vị trí nào, thì mỗi người trong quá khứ đều là người nghèo khổ, bị áp bức. Và có nhiều người làm lính ngụy nhưng không hẳn trung thành một lòng theo địch”, ông Hòa nói đến các yếu tố để xây dựng cơ sở cách mạng thành công.

Năm 1963, ông Hòa về Tam Kỳ xây dựng cơ sở qua một học sinh tên Nguyễn Thành học trường trung học Tam Kỳ, có bí số 603, có nhiệm vụ lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia cách mạng. 603 có quan hệ thân thiết với 2 phật tử tên Khanh và Giáo. Qua 2 người này, 603 làm quen với Đại đức Thích Thượng Duyên (hiện Đại đức trụ trì một ngôi chùa ở Tam Kỳ) và móc nối để Nguyễn Hòa làm quen. Đại đức có một người cháu ruột là Thích Chí Thăng, làm Tuyên úy trong quân đội Mỹ - ngụy, là tình báo CIA. Ông này không nhận nhiệm vụ làm cơ sở cho cách mạng nhưng hứa “có gì ông hỏi tui nói chứ tui không tham gia vô cách mạng với ông”. Lời hứa đó kèm theo những thông tin như quân địch hành quân, đổ quân ở đâu, đi càn ở vùng nào, đã bắt và thẩm tra ai… Chỉ riêng hàng chục thông tin về các trận càn cũng tránh cho người dân đổ máu, bộ đội đánh nhiều trận toàn thắng. 

Và qua nhiều trận đánh mưu lược do nhóm tình báo B3 của ông tiến hành thành công, cuối tháng 8-1963, Ban An ninh Quảng Nam được Khu ủy khen, riêng ông được tặng 1 hộp sâm và 1 khẩu súng ngắn…

Lập chiến công thời bình

Cuối tháng 1-1975, Đại tá Nam Hà (tức Phan Đức Mỹ) về làm Phó ban An ninh Quảng Nam được vài tháng thì quê hương giải phóng. Ông nhận nhiệm vụ mới là Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị Công an QN-ĐN, phụ trách công tác chống gián điệp, phản động. Một lần về Thăng Bình, ông được cơ sở báo là có một nhóm phản động ở Sài Gòn ra móc nối với người địa phương lật đổ chính quyền. Đứa cháu ông cũng bị lôi kéo vô nhóm phản động, được giao đào hầm bí mật, may cờ, may áo. Ông về Đà Nẵng xin chỉ thị của cấp trên, thành lập Ban chuyên án mang tên TB75 vào tháng 11-1975. Thành viên Ban chuyên án
về ăn ở trong làng, dò la tin tức. Đến tối ngày 18-12 mới phát hiện ra hầm bí mật, cờ, áo của bọn phản động. Tối 19-12 các ông quyết định phá án, bắt được 10 tên, chúng khai đây là tổ chức Mặt trận Hải Âu, là thành viên của Thanh sinh Việt quốc (Thanh niên, sinh viên của Việt Nam quốc dân đảng), dự kiến tối 20-12 sẽ cướp chính quyền ở huyện Thăng Bình. Sau vụ án này, đồng chí Hồ Nghinh lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đã đến khen và chúc mừng thành tích của anh em.

Đại tá Nam Hà kể về những chuyên án  ban B2-Bảo vệ chính trị của ông thực hiện để nhấn mạnh đến tính gian khổ, phức tạp của công việc, trong thời chiến cũng như thời bình. Ông là người tham gia cách mạng trong lớp tiền khởi nghĩa, từ tháng 4-1945, hồi mới 17 tuổi. Gia đình thuộc loại trung lưu, ông đã học đến chương trình yếu lược, đủ sức tham gia cùng lớp thanh niên truyền bá chữ quốc ngữ. Quê ông ở làng La Tháp, xã Duy Hòa, Duy Xuyên, nên tháng 8-1945 ông có cơ hội bắt một nhóm lính Pháp nhảy dù xuống Mỹ Sơn. Rồi những ngày tham gia cướp chính quyền, ra Bắc, và trở lại miền Nam hoạt động… 
Những kỷ niệm, những sự kiện trôi qua trong đầu ông Nam Hà như một cuốn phim quay chậm. Và dù ở đâu, làm bất cứ công việc gì mà Đảng, tổ chức giao phó, những chiến sĩ công an đã kinh qua nhiều chiến trường gian khổ vẫn một lòng một dạ trung thành, thủy chung son sắt. Sau này Đại tá Nam Hà, Đại tá Nguyễn Hòa đều giữ đến chức Phó Giám đốc Công an QN-ĐN. Cuộc đời thanh bạch đã giúp các ông có tâm sáng, chí bền, được Đảng tin, dân mến và “đó là tất cả những gì mà những lớp người như chú nhận được sau nửa thế kỷ cống hiến cho cách mạng”, Đại tá Nguyễn Hòa cười chỉ vào Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng ông nhận cách đây 2 năm với giọng tự hào đặc biệt…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.