.

Người đàn ông và căn nhà sách

.
Thuận đường, tôi dừng lại một sạp báo nhỏ bên bờ hồ đường Hàm Nghi. Sạp báo này cũng bình thường như nhiều chỗ khác, có một số đầu báo, tạp chí và kệ sách cũ nằm khuất bên trong. Tôi buột miệng hỏi mua cuốn tiểu thuyết Nerô. Thực tình, vì đã lâu không cầm đến sách nên tôi không biết mình muốn đọc loại gì, chỉ bất chợt nói lên cái tên vừa lóe trong đầu. Ông chủ sạp ngẩn người một giây rồi nói: Nerô - Nhà thơ bạo chúa, đúng không? Ở đây không có, nhưng ở nhà thì có.

Tôi không ngờ một câu hỏi vu vơ lại dẫn dắt mình gặp “ông trùm” sách cũ Đà Nẵng.

Căn nhà “xây” bằng sách cũ

Mô tả ảnh.
Ông Thông với pho sách “gối đầu giường”.
 
Con hẻm dẫn vào nhà ông cực nhỏ (187/2 Hùng Vương). Nó chỉ đủ rộng cho một người đi bộ. Đầu hẻm có chiếc bảng con với dòng chữ được ghi bằng màu sơn nhợt nhạt: “Mua bán sách báo cũ+mới”. Tôi đoán nếu không vì mục đích tìm sách, hẳn không một người khách nào nhìn ra tấm bảng, bởi quanh đó không thiếu những biển hiệu muôn màu, lấp lánh.

Ngôi nhà ông cũng nhỏ và thấp, lọt thỏm giữa bao nhiêu bê- tông, tầng lầu của trung tâm thành phố. Thế nhưng, bước qua cánh cửa cũ kỹ của ngôi nhà 40 mét vuông này là “thánh đường” của sách, sách và sách.
Sách áp kín các bức tường, sách đội tận mái tôn, sách choán giường ngủ, sách la liệt dưới sàn nhà. Mỗi cen-ti-met đều dành chỗ để sách. Tông chủ đạo của căn nhà này là màu ngà ngà, nâu nâu của sách cũ. Không gian rộng nhất là nơi để chiếc bàn đa năng. Nó đủ cho 4 người vừa để ăn cơm, tiếp chuyện và vừa là chỗ cho khách đến mua sách có thể ngồi lại ghi chép.

Không tính các sách “linh tinh”, và những chồng chưa được phân loại, sắp xếp, sẽ yên vị trên kệ ước chừng là 10 ngàn cuốn. Sách ngoại văn nguyên tác chiếm kha khá, vì người đang sở hữu số sách ấy có thể đọc được nhiều thứ tiếng. “Anh, dư sức. Pháp, tàm tạm. Hoa, bập bẹ”, ông tóm tắt vốn ngoại ngữ của mình như thế.

Bán sách để được đọc sách

Chủ nhân của căn nhà đặc biệt này là ông Trương Văn Thông, sinh năm 1952. Ông Thông chưa bao giờ có ý định đi tìm hiểu tại thành phố có ai sở hữu nhiều sách cũ hơn mình. Cái tên “ông trùm” chẳng qua do khách tự trầm trồ rồi đặt cho ông.

Thoạt nhìn, ông chẳng có dáng của một ông trùm thứ thiệt. Người gầy, hiền, có chút gì khắc khổ của người bôn ba kiếm sống. Cách nói chuyện chậm rãi, kiệm lời. Chỉ đến khi ông ngồi trước kệ sách, chạm tay nhẹ nhàng lên từng trang sách, mới thấy ở ông một chân dung khác.

Tốt nghiệp văn khoa, luật khoa sau đó là ngoại ngữ, nhưng ông lại trở thành người bán sách cũ vỉa hè. Căn cớ cũng tại mê đọc sách. Thời trai trẻ, ham sách, có bao nhiêu tiền cũng dồn cho sách. Ông đọc và để lại như một tài sản riêng. Kinh tế gia đình khó khăn, không thể chỉ mãi đeo đuổi đam mê, có lúc túng tiền mua sách, ông nghĩ hay bán bớt vài cuốn lấy tiền mua cái mới đọc. Thế rồi đã 20 năm, ông bén duyên với nghề bán sách cũ từ dạo đó.

Để có nguồn sách phong phú, ông phải đi mua lại từ nhiều điểm bán sách nhỏ hơn. Nhiều người cần nhường tủ sách, biết tiếng ông cũng ưu tiên gọi tới bán. Có người tin cậy nhờ ông tìm quyển này, cuốn nọ nên dần dà ông rành rẽ chuyện lùng sách, mua sách. Ông không bán sách cũ theo kiểu… đồ cũ. Ông cũng không coi sách cũ như món đồ cổ, quý hiếm đến nỗi người ít tiền không thể chạm vào. Sách của ông có giá đủ cho người cần nó có thể mua được, bởi lý do: Sách để bám bụi là kiến thức chết.

Chưa bao giờ ông chán nghề dù không ít người nhìn “ông già bán sách cũ” với ánh mắt thiếu tôn trọng. Ông hóm hỉnh: “Sách cũ, không phải vàng nên người ta không quý”. Ông chỉ cảm thấy rõ nhất ở công việc này là sự hài lòng. Hài lòng vì nhờ đó ông mới duy trì được tình yêu với sách. “Giờ thì thỏa sức đọc mà không lo hết cái để đọc. Không tìm đâu cho xa, nội trong nhà mình thôi cũng đọc đã đời”, ông Thông nói. Trong căn nhà mình, ông đã đón nhiều bạn sách từ các tỉnh, thành khác đến. Họ chịu khó đi khắp nơi để tìm được cuốn sách yêu quý. Tại Đà Nẵng có những bạn trẻ 21, 22 tuổi lại say mê Nam Hoa Kinh, Hàn Phi Tử, Đạo Đức Kinh, Kinh Thi, Kinh Dịch khiến ông “khiếp”.

Thấy mình là cậu học trò nhỏ

Hiện tại loại sách ông đang quan tâm là… công nghệ thông tin. Ông là cậu học trò nhỏ học mãi bài vỡ lòng từ người thầy lớn ẩn trong từng trang sách. Nếu bài giảng về thời cuộc, về những mối tình vượt thời gian làm say lòng cậu thanh niên tuổi đôi mươi, thì vào độ tuổi này, khi mọi được mất, hơn thua gần như đã thấu tận, ông lại thấy mình ngây ngô trước chân trời tri thức mới. Ông không lãng tránh thực tế mình còn thua xa những đứa trẻ mới lớn về kiến thức hiện đại. Thế nên, ông lại miệt mài với sách để không chỉ đọc mà còn học.

Một chút hoài niệm, vấn vương mơ hồ sẽ không thể có trên những trang sách mới thơm nức. Ông Thông yêu sách cũ cũng vì thế. Mà còn hơn thế, sách cũ với ông như người thầy tỉ mẩn truyền đạt từng lời, từng con chữ với tất cả tâm tình. “Ông thầy” ấy không quen nói tắt, rút gọn, không bị thợ dịch-máy tính chuyển ngữ một cách vô hồn. Và dường như sách cũ không quen a dua. Theo thời gian, nó càng được sáng thêm chân giá trị.

Gọi ông là người bán sách cũng đúng, mà người sưu tầm sách cũ cũng chẳng sai. Có cái ông để bán, có cái ông chỉ để đọc. Ông đã đọc một phần lớn trong pho sách của mình. Ông bảo, “Con người ta có sống trọn 100 năm cũng không thể đọc hết sách trong thiên hạ. Vì thế, số tôi đã đọc chưa ăn thua gì”.
Một ngày của ông cũng bộn bề như bao người bình thường khác. Chỉ sau 10 giờ đêm, ông mới thực sự thảnh thơi trầm mình với sách. Sách, lại là sách cũ có thể bị lãng quên với ai đó, nhưng sẽ luôn luôn có chỗ đứng với số người nhất định, ông Thông nói.

Ký sự của Toàn Vân
;
.
.
.
.
.