.
CHÀO BẠN TRẺ

Mẹ ơi! Con chán lắm!

.
Có không ít học sinh luôn cảm thấy xa lạ với lớp học. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, kết quả học tập của các em mà còn khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu.
 
Đến lớp chán lắm!
 
Mô tả ảnh.
Nếu được cha mẹ chia sẻ, nâng đỡ, những em mới lớn sẽ mau chóng thích nghi, hòa đồng với bạn bè mới.
 
Đã gần hết học kỳ 1, nhưng ngày nào đi học về cô con gái út của chị L.T.Hạnh, ở đường Phan Châu Trinh, cũng than vãn: “Mẹ ơi! Lớp học chán lắm!”. Kể từ ngày đầu tiên nhập học trường P.C.T đến nay, thay vì làm quen với bạn mới, con gái chị Hạnh chỉ qua lại với bạn cũ ở cấp 2. Ngay cả ngày lễ 20-11 vừa qua, cô bé cũng chỉ đi thăm thầy cô giáo cũ mà không đi với bạn mới.
 
Lúc đầu, chị cứ tưởng con mới vào học chưa quen trường lớp nên nhỏng nhẻo một chút, nhưng rồi tình trạng đó cứ kéo dài suốt cả học kỳ. Có hôm đang ăn cơm, cô bé bỗng bật khóc, nằng nặc xin chuyển lớp khi bố mẹ hỏi đến. Nhận ra chuyện đã không còn đơn giản, chị Hạnh kiên nhẫn làm công tác tâm lý và được con gái mở lòng tâm sự: “Ở lớp, con không chơi được với ai cả. Chẳng biết nói gì với mấy bạn đó. Giờ ra chơi các bạn chẳng đi đâu, cứ cắm đầu vô đọc sách. Trong giờ học thì bắt phải giơ tay phát biểu để ghi điểm cho tổ, không thì sẽ bị nói. Nói chung là chán, không hợp mẹ ơi!”.
 
Không chán theo kiểu con chị Hạnh, con trai chị H.T.N.Lan ở đường Hoàng Diệu lại căng thẳng với những lý do khác. Cũng bắt đầu nhập học lớp 10, nhưng ngoài giờ học ra cậu chỉ cắm đầu vào vi tính và những cú điện thoại cho bạn bè cũ, mà không hào hứng tham gia các hoạt động ngoại khóa nào. Mỗi khi được hỏi về chuyện trường lớp, cậu lại cáu gắt với câu cửa miệng: “Chán òm, lớp gì toàn mấy đứa nhà quê, có gì mà nói chứ!”. Trong khi đó, cậu quý tử của chị N.H.A lại luôn có cảm giác thua kém bạn bè khi không thể theo kịp chương trình học. Từ đó, em sinh ra tự ti, không muốn giao tiếp với bạn bè trong lớp, chỉ chơi với bạn ở ngoài trường.
Chia sẻ với chúng tôi, những bậc phụ huynh này không giấu được vẻ lo lắng.
 
Chị Hạnh nói: “Ngày trước cháu đi học, vợ chồng mình rất ít khi phải quan tâm đến những diễn biến trong tâm lý của cháu. Nhưng cả học kỳ này, chị và ông xã luôn phải để ý từng chút một. Sang học kỳ 2 mà tình trạng này còn kéo dài, con bé làm sao mà học hành cho được. Năm nay là năm đầu cấp, quan trọng lắm!”. Còn chị Lan lại đau đầu theo cách khác: “Hỏi ra mới biết là năm lớp 9 em nó có nhóm bạn chơi rất hợp, lại thích một bạn gái cùng lớp. Giờ không học cùng, đến trường một mình nên thằng bé thấy buồn, sợ “mất bạn gái” nữa. Em nghĩ mà xem, chuyện con nít tưởng bình thường nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý nó quá!”.

Tư vấn vào cuộc
 
Mô tả ảnh.
Phụ huynh không nên e ngại khi tìm đến chuyên gia tư vấn để chia sẻ và hiểu hơn về con mình.
Chị Hạnh và chị Lan chỉ là một trong rất nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu trước những chuyển biến tâm lý phức tạp khi con mình bước vào tuổi trưởng thành. Nhất là khi các em bước vào một môi trường học tập đầy mới mẻ.

Hằng ngày, Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên (thuộc Thành Đoàn Đà Nẵng) cũng tư vấn cho rất nhiều những trường hợp tương tự. Bà Lê Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc trung tâm cho hay: “Đối với học sinh, ba năm lớp 8, 9, 10 đóng vai trò rất quan trọng vì đây là những năm bản lề, đánh dấu bước ngoặt khi bước vào tuổi dậy thì. Trong thời gian này, các em có những thay đổi lớn về tâm-sinh lý, thường muốn vươn lên làm người lớn, thích thể hiện mình và bứt ra khỏi sự quản lý của cha mẹ. Các em cũng thường có tâm lý đám đông, rất dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè xung quanh.
 
Trường hợp con gái chị Hạnh là do chưa quen với môi trường mới, những kỷ niệm đẹp năm cuối cấp 2 còn in đậm trong tâm trí. Thêm vào đó, âm hưởng của kỳ nghỉ hè vui chơi thỏa thích chưa tan, dẫn đến tình trạng bị sốc khi mới đầu năm học đã thấy các bạn bù đầu vào bài vở. Trong khi đó, con trai chị Lan lại “làm quen” với những rung động đầu đời nên có tâm lý lưu luyến với bạn cũ cũng là điều dễ hiểu”.
 
Theo chị Thúy, trong những thời điểm phát triển nhạy cảm thế này, phụ huynh nên quan tâm, chia sẻ với con mình nhiều hơn để phần nào định hướng cho các em lối sống hòa đồng, cởi mở, chứ không nên trầm trọng hóa vấn đề. Thay vì trách mắng, dồn ép các em phải tập trung học tập, thì hãy bình tĩnh gợi mở cho các em giải tỏa những bức xúc trong lòng.
 
Khánh Hòa
;
.
.
.
.
.