.

Nghèo: Người muốn ra, kẻ ưng vào

.
Ở đời, ai chẳng muốn thoát cái tiếng nghèo. Nhưng thực tế, trong lúc toàn xã hội đang tìm cách giúp mình thoát cảnh nghèo lại hoàn... nghèo thì lại có một số người “cắn răng” chịu mang tiếng nghèo.

Mô tả ảnh.
Các hộ đặc biệt nghèo huyện Hòa Vang được cấp phương tiện sinh kế từ sự hỗ trợ của Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng.
 
Trăm nỗi lo từ nghèo

Tháng 6 năm 2006, chúng tôi về đưa tin chị Trần Thị Hương ở thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, được Hội LHPN xã tặng nhà tình thương thì 2 tháng sau được tin căn nhà mới của chị đã bị bão Xangsane làm hư hại. Chị bị dị tật bẩm sinh ở chân, không thể lao động nặng, lại tự túc có hai đứa con nên đời sống rất khó khăn. Vừa rồi, nhận được 10 triệu đồng tiền hỗ trợ giảm nghèo của huyện Hòa Vang, 3 triệu đồng hỗ trợ hội viên của Hội Người khuyết tật thành phố, chị che lại mái hiên, sắm mấy cái tủ kính rồi mua một số hàng tạp hóa về bán cho bà con quanh xóm. Mỗi sáng, chị bán thêm bánh bèo, sữa đậu nành, kiếm thêm 20 nghìn đồng đắp đổi qua ngày.

Chị Hương là một trong 209 hộ đặc biệt nghèo còn khả năng lao động nhưng khó thoát nghèo, cần giải pháp giúp đỡ trên địa bàn huyện Hòa Vang, trong tổng số 5.385 hộ nghèo (thu nhập dưới 400.000đồng/người/tháng) toàn huyện tính đến đầu năm 2010.

Năm ngoái, với kinh phí 1,037 tỷ đồng hỗ trợ từ Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng, UBND huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp và trao phương tiện sinh kế cho 209 hộ đặc biệt nghèo, gồm 2 xe nước mía, 1 xe bán bánh mì, 1 bộ bàn bi-a, 134 con bò giống, 124 con heo. Ngoài ra, cũng từ nguồn quỹ này, UBND huyện đã hỗ trợ vốn buôn bán cho 11 hộ, xây chuồng trại chăn nuôi cho 27 hộ, tặng dụng cụ sửa xe, bơm nước tưới cho 5 hộ, hỗ trợ học phí cho 15 hộ trước mắt chưa có nhu cầu sinh kế nhưng có con em đang theo học tại các trường.

Theo danh sách của Phòng LĐ-TB&XH huyện, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thành, gần 70 tuổi, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn. Bà con quanh đó gọi ông là ông Thành-nằm-một-chỗ, bởi ông bị tai biến hơn 10 năm rồi, ở với con gái cùng 2 đứa cháu ngoại. Gần đó, có bà Nguyễn Thị Mót sống với con gái và 4 đứa cháu ngoại. Ông Bùi Tấn Sĩ, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Hòa Nhơn cho biết, cả hai hộ này được hỗ trợ bò giống, vừa sinh thêm được mỗi hộ một con bê con. Hòa Nhơn hiện có 802 hộ nghèo, cao nhất huyện, trong đó có 56 hộ đặc biệt nghèo. Những hoàn cảnh quá nghèo như ông Thành, bà Mót muốn thoát nghèo không phải một sớm một chiều mà cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội cộng với nỗ lực của thành viên trong gia đình.

An cư để bớt nghèo

Mô tả ảnh.
Mặc dù chăm sóc con bị bại liệt, chị Ái Nhung vẫn xin ra khỏi diện nghèo để dành sự hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Người đời thường ví von tạm bợ như nhà người nghèo. Tiền không đủ ăn thì lấy đâu làm nhà? Trước thực trạng này, UBND quận Ngũ Hành Sơn chủ trương làm nhà “3 trong 1” để hỗ trợ cho các hộ nghèo xã hội, hộ nghèo chính sách. Ông Mai Quốc Quang, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận mô tả: “Nhà có 3 chức năng gồm ở, chống lũ, chống bão; có 4 trụ bê-tông và một gác lửng có sàn bê-tông. Bão to có dỡ hết tôn thì vô trú trong phòng dưới gác, lũ lụt thì chạy lên gác. Loại nhà này bán kiên cố, tránh được tổn thương cho người nghèo mỗi khi thiên tai xảy ra”.

Anh Thái Quang Hồng, cán bộ phụ trách xây dựng cơ bản phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, cho biết ở phường thấp trũng nhất quận này hiện có 112 nhà “3 trong 1” được xây dựng từ năm 2009 đến nay. Chị Nguyễn Thị Thủy, hộ nghèo chính sách, vừa được Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 31 triệu đồng xây dựng nhà Đại đoàn kết theo mô hình “3 trong 1”. Có nhà, chị sẽ yên tâm nhận gia công hàng may công nghiệp tại nhà để nuôi hai con tiếp tục ăn học.

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo đã được các quận, huyện trên địa bàn thành phố đặc biệt chú trọng. Ở quận Liên Chiểu, ông Vũ Ngọc Thanh, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, đã có 5 hộ nghèo được tặng nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá 105 triệu đồng và 3 hộ khác được hỗ trợ tổng cộng 20 triệu đồng sửa chữa nhà. Cùng với các chính sách miễn giảm học phí, đào tạo nghề, hỗ trợ BHYT..., trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quận đã giảm được 561/1.110 hộ nghèo theo kế hoạch quận giao.

Người muốn ra, kẻ ưng vào

Chị Lê Thị Ái Nhung là một trong 126 hộ phụ nữ đơn thân ở khu nhà liền kề thuộc tổ 62, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Chị có một con bị liệt bẩm sinh, một con vừa tốt nghiệp cao đẳng nghề. Lương công nhân may của chị mỗi tháng được 1,3 triệu đồng, từ tháng 9 vừa rồi đứa con bị tật được tăng tiền hỗ trợ mỗi tháng lên 440 nghìn đồng và 10 kg gạo. Cộng hết các khoản, bình quân mỗi người nhà chị thu nhập trên 500 nghìn đồng/tháng. Chị rất tự tin: “Tôi không muốn mình trở thành gánh nặng của xã hội, nên làm đơn xin ra khỏi diện nghèo. Chỉ mong được hỗ trợ một chiếc máy may để có thể làm thêm tại nhà, tránh nguy cơ tái nghèo”.

Chính sách giảm nghèo của Đà Nẵng hiện có nhiều ưu đãi nên một số hộ nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà chưa nỗ lực hết mình để vươn lên thoát nghèo. Một số hộ là người già vẫn còn con cháu nhưng con cháu không có trách nhiệm chăm sóc, phó mặc cho xã hội. Một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố kể, ở Thanh Khê có một hộ nghèo có 3 người, mẹ, con gái và cháu ngoại. UBND phường tạo điều kiện cho làm tạp dịch ở phường mỗi tháng 600 nghìn đồng, nhưng không chịu làm. Cán bộ Sở đi kiểm tra, kiên quyết loại hộ này ra khỏi diện nghèo.

Năm 2009 Đà Nẵng giảm được 10.737/32.796 hộ nghèo, 6 tháng đầu năm nay giảm tiếp 4.154 hộ nữa. Đây là kết quả của nỗ lực từ Nhà nước đến các tổ chức, hội đoàn thể toàn xã hội. Hướng đến một xã hội công bằng, thiết nghĩ, cần có nhiều hơn những người tự giác như chị Ái Nhung và giảm thiểu những người lười lao động chỉ muốn hưởng lợi từ sự nhân đạo của chính sách.

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.