.

Thiếu một nhạc trưởng

Mới đây, một sự việc tưởng rất khó xảy ra nhưng đã xảy ra trong nền kinh tế nước ta, đó là 9 tháng qua, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã nhập về 765.000 tấn xăng dầu (tất nhiên là với giá đắt hơn nhiều so với xăng dầu tự sản xuất) trong khi Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất của nước ta lại tồn kho hơn 700.000 tấn, có nguy cơ phải giảm công suất hoặc xây thêm kho chứa nếu tình trạng này kéo dài vì nhiều khả năng số xăng dầu tồn kho sẽ vượt 30%  sức chứa của các bồn hiện có.

Vì đâu có tình trạng số xăng dầu nhập khẩu xấp xỉ số xăng dầu tồn kho, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng? Không phải vì chất lượng xăng dầu kém. NMLD Dung Quất là 1 trong 7 nhà máy hiện đại trên thế giới, chất lượng sản phẩm đã được hai cơ quan kiểm tra chất lượng của Mỹ và Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế, xăng dầu đã được nhiều hãng lớn như BP Singapore, Shell mua.
 
Vì đường giao thông khó khăn, vì thiếu kho chứa ư? Cũng không phải. Lý do đơn giản, từ cuối năm ngoái, người ta đã dự báo sai về sức sản xuất của nhà máy (đạt ổn định 100% công suất thì dự báo chỉ đạt 80%) nên các nhà kinh doanh xăng dầu phải lo ký hợp đồng nhập khẩu. Về phía các nhà kinh doanh, mức tiêu thụ tăng chỉ 10% nhưng dự báo lên 20% nên đã ký hợp đồng “phòng xa” ngay vào lúc giá đắt, nay hủy hợp đồng thì bị phạt nặng nên dẫu thừa xăng vẫn phải ngậm ngùi nhập khẩu.

Sự việc trên chỉ là một biểu hiện của căn bệnh khá phổ biến ở nước ta hiện nay là thiếu một tầm nhìn bao quát, thiếu một bàn tay nhạc trưởng điều hành. Ngành nào biết việc ngành ấy, thậm chí đơn vị nào biết việc đơn vị ấy, thiếu sự phối hợp đồng bộ và kịp thời trong sản xuất và kinh doanh. Từ đó nảy sinh một căn bệnh khác, ai cũng chỉ lo kiếm lợi cho mình, không nhường nhịn, chia sẻ cùng nhau. Sự việc tồn đọng xăng dầu hiện nay ở NMLD Dung Quất chỉ là một ví dụ trong nhiều ví dụ đau lòng.

Chi hàng trăm triệu USD cho 2 dự án thoát nước tại TP. Hồ Chí Minh nhưng cả hai dự án gần xong mà nước ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí còn ngập hơn vì thoát nước cứ việc lo thoát nước còn san lấp hồ ao, kinh rạch để làm nhà vẫn cứ san lấp. Đường sá nội đô Hà Nội gần như luôn trong tình trạng bị đào bới triền miên vì cáp thông tin vừa lấp thì cáp điện lại đào lên, cáp điện vừa lấp thì đến lượt cấp thoát nước thi công. Muối thừa ế, nhưng các doanh nghiệp cần muối công nghiệp suốt năm kêu trời. Đồng ruộng, đê điều sạt lở, nhưng việc khai thác cát sỏi dưới sông ngày càng tấp nập… Ngành sản xuất là thế, các địa phương cũng quyết liệt… phát triển kinh tế địa phương, không quan tâm tới tổng thể, không vì lợi ích chung của cả nước, tạo điều kiện cho đối tác dìm giá, mè nheo điều kiện đầu tư,  hàng hóa nơi thừa nơi thiếu.

 Từ chuyện NMLD Dung Quất và những câu chuyện “mạnh ai nấy làm” vừa kể, liệu có nhất trí với nhau điều gì chăng?

Vũ Duy Thông
;
.
.
.
.
.