.

Đồng hành cùng hàng Việt

.
Sau hơn 1 năm thực hiện chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công thương, Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Sở Công thương Đà Nẵng đã tổ chức 5 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong nước giới thiệu sản phẩm đến tận tay  người tiêu dùng.

Hướng về thị trường nội địa

Mô tả ảnh.
Lãnh đạo thành phố ghé thăm gian hàng triển lãm của nhãn hiệu giày B.Q tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tháng 9-2010.
Sẵn sàng bỏ từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng chỉ để mua một sản phẩm ưng ý, là thói quen mà người tiêu dùng đã hình thành khá rõ nét trong thời gian qua. Vì vậy, việc tung ra những dòng sản phẩm có chất lượng, mẫu mã tốt cũng là cách để DN tự quảng bá, khẳng định thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Thật ra, không phải đến khi Bộ Công thương phát động chương trình này các DN Việt Nam mới chú ý đến thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Thực phẩm Minh Anh, một DN có 17 năm sản xuất, kinh doanh ở thị trường nội địa cho rằng, các DN Việt Nam có lợi thế “sân nhà” rất lớn. DN sản xuất, kinh doanh ở tỉnh, thành nào, người chủ DN cần phải hiểu rõ về văn hóa, thói quen tiêu dùng của địa phương đó để có hướng đầu tư phù hợp. Nếu như trước đây, DN phải tự bơi, tự khẳng định mình là chính thì hiện nay, DN đã nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, đây là cơ hội để DN xâm nhập sâu vào thị trường nông thôn cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Sự sôi động của các phiên chợ hàng Việt đã mang lại luồng gió mới trong phong trào sản xuất và kinh doanh tại nhiều DN. Các ông chủ DN đã tích cực điều chỉnh hoạt động của công ty để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thương mại Giày BQ: “Gần 80% dân số vùng nông thôn là thị trường tiềm năng của DN Việt Nam bởi chưa có nhiều DN nước ngoài quan tâm đến thị trường này. Thời gian đến,  BQ sẽ ưu tiên đầu tư vào thị trường nông thôn bằng cách cho ra đời một dòng sản phẩm mới với chất liệu, mẫu mã, giá cả hợp lý”.

Trên thực tế, tại các phiên chợ hàng Việt vừa qua, phần lớn doanh số bán ra của các DN tăng bình quân từ 10-30%, có đơn vị tăng gấp 2-3 lần so với tuần trước khi thực hiện chương trình. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại có ngày tăng đến 30 - 40%. Nhìn vào kết quả này, những DN tham gia chương trình “Tuần hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, “Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao” có cơ sở để hy vọng vào sự thành công của chương trình. Người tiêu dùng  sẽ thay đổi cách đánh giá với hàng Việt, DN phải có trách nhiệm hơn với sản phẩm mình làm ra. Mới đây nhất, tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra vào tháng 9, ước tính có gần 300.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Các DN tham gia đã mở 133 điểm phân phối, đại lý mới. Doanh số bán hàng trực tiếp của DN ngay tại hội chợ là 27 tỷ đồng.

Tại Diễn đàn giao lưu giữa Doanh nghiệp-Đại sứ hàng Việt với người dân Đà Nẵng có chủ đề “Niềm tin hàng Việt” (được truyền hình trực tiếp trên Đài DRT), ông chủ BQ bày tỏ: “Khách hàng miền Trung tuy khó tính và thận trọng trong mua sắm nhưng có một điểm rất hay là tính cách trung thành với một thương hiệu, bất kể lớn nhỏ, miễn là DN đó làm ăn uy tín và có trách nhiệm”. Đây cũng là một trải nghiệm đáng giá cho các DN Việt Nam trên bước đường chinh phục người tiêu dùng Việt, đặc biệt là tại khu vực duyên hải miền Trung.

Cam kết sử dụng sản phẩm của nhau

Từ khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra, nhiều DN Đà Nẵng đã cùng liên kết để trao đổi, sử dụng sản phẩm của nhau. Ông Phạm Bắc Bình, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, các thành viên của Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng đã có ký kết sử dụng sản phẩm của nhau như Công ty Bình Vinh, Giày BQ, Gạch Thạch Bàn, Cơ điện lạnh Seatech, Eurowindow, Ô-tô Trường Hải… Cách làm này đã tạo được hiệu ứng tốt. Tham gia vào cam kết này, các ông chủ DN phải biết lắng nghe những ý kiến trái chiều, những lời khen, chê về sản phẩm do công ty mình làm ra.

Việc liên kết sử dụng sản phẩm của nhau đã cho thấy các ông chủ DN đang tích cực tạo dựng hình ảnh của mình trong mắt người tiêu dùng.

Là DN kinh doanh ăn uống, với chuỗi 4 nhà hàng tiệc cưới lớn tại Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày tiêu thụ từ 300 kg thịt heo đến hàng trăm kg tôm, cá, mực, rau xanh, thực phẩm tươi sống nhưng thời gian gần đây, bà Đỗ Thị Ngọc, Giám đốc DNTN Trần Gia (nhà hàng Phì Lũ) đã không còn cảnh vất vả thức khuya, dậy sớm để tìm kiếm nguồn hàng. Bà tâm sự: “Hiện nay, sự ra đời của các siêu thị Metro, BigC, Co.op Mart cũng như việc tổ chức các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao… đã làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN sản xuất trong nước. Chúng tôi dễ dàng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã với giá cả hợp lý ngay tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, thị trường Đà Nẵng hiện nay vẫn còn thiếu các mặt hàng thực phẩm cao cấp như bong bóng cá, vi cá, hải sâm, bào ngư… nên DN vẫn phải nhập từ Sài Gòn”.

Thật thiếu sót nếu trong chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cơ quan truyền thông chỉ nói đến mối liên hệ giữa DN sản xuất với người tiêu dùng nói chung. “Có thể nhận thấy, Đà Nẵng là nơi hội tụ của nhiều công ty lữ hành du lịch, quán ăn, nhà hàng lớn…, đây là kênh quan trọng trong chiến dịch phân phối, giới thiệu sản phẩm hàng Việt đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn có rất ít DN chú trọng đến thị trường này. Nếu DN chỉ chú ý đến thị hiếu tiêu dùng của một nhóm đối tượng thì chiến dịch ưu tiên sử dụng hàng Việt chỉ gói gọn trong một phạm vi nhỏ hẹp. Hy vọng, sự liên kết giữa các ông chủ DN sẽ mang lại hiệu ứng tốt”, ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng trăn trở.

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công thương, chuyển biến mạnh mẽ nhất là ở việc: không chỉ người dân mà các ông chủ DN cũng đang chung sức đồng hành cùng hàng Việt trên con đường chinh phục thị trường nội địa.

Tiểu Yến
;
.
.
.
.
.