.

Ánh sáng ám ảnh

Thi thoảng ta nhìn thấy ở đâu đấy, trên một trang báo, ở một cuộc triển lãm, nơi bàn cà-phê của một cuộc gặp gỡ bạn bè… những tấm hình xinh xắn được chụp bởi một người cầm máy không chuyên Trần Phước Chính.(*)

Trần Phước Chính không chọn việc cầm máy như một cái nghề để sống và gắn bó. Nhưng nói như vậy có đúng không, khi đứng sau ống kính, trong những khoảnh khắc sáng tạo cụ thể, anh đích thực là một nghệ sĩ. Biết đâu còn nhờ không chuyên nữa. Không chuyên nên không bị câu thúc bởi công việc, không bị sức ép của công việc, anh chỉ quyết định bấm máy khi anh đang có cảm xúc, khi lòng anh đã trào dâng một mối liên hệ dạt dào với cảnh vật…

Là một người lịch lãm đi nhiều, biết nhiều… Trần Phước Chính bằng bản lĩnh và sự tinh tế của mình không để những lòe loẹt hình thức của cuộc sống phỉnh dụ. Những góc máy của anh đi vào chiều sâu bên trong của đời sống con người. Thay vì những cảnh hoành tráng, sang trọng… ta thấy anh gần gũi, tâm tình và chia sẻ với những cảnh đời, cảnh người cần lao trong cuộc mưu sinh. Đâu đó, vào ngày mùa, những người dân quê gánh lúa trĩu vai, trên con đường về làng những thiếu nữ gùi cũi lặng lẽ giữa hoàng hôn, một buổi chài lưới vừa lộng lẫy, thăng hoa vừa trần thế, nhọc nhằn… với mồ hôi mặn chát của ngày lao lực, cảnh ươm tơ dệt lụa cần mẫn, những người đàn bà tan chợ về, dáng vẻ vừa thong thả vừa đăm chiêu trên những con thuyền lênh đênh sông nước…

Có lẽ ấn tượng nhất trong ảnh của Trần Phước Chính là ánh sáng. Phim ảnh là nghệ thuật của ánh sáng đã đành, nhưng đây không phải là ánh sáng của sắp đặt, của kỹ xảo, đây là những khoảnh khắc ánh sáng của không gian, thời gian trong nhịp đi bên ngoài của tạo vật, của vũ trụ. Có thể thấy ở những thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, sáng sớm và chiều muộn, là những thời điểm mà Trần Phước Chính làm việc nhiều nhất. Và vào thời điểm này, những góc máy của Trần Phước Chính tràn ngập ánh sáng. Lý giải điều này, ta dễ thấy, đó có thể là những thời điểm thư thả, thích hợp nhất đối với một người cả đời bận rộn công chức như anh, nhưng quan trọng hơn, bình minh và hoàng hôn, gắn với ánh nắng, bóng cây, cánh chim, khói lam chiều, hoạt động con người… vốn từ xưa là thời khắc lý tưởng cho những ca sinh nở của bà mẹ nghệ thuật.

Cao hơn ánh sáng vật chất mà ai cũng cảm nhận được, tôi yêu quý những bức ảnh của Trần Phước Chính bởi nó được rọi chiếu từ nguồn ánh sáng khác: Ánh sáng của tình yêu cuộc sống. Như trong một bài thơ nổi tiếng của R. Tagore, phía sau những ngọn hoa đăng lập lòe phố cổ là những con người Hội An đang lặng lẽ cầm đèn, phía sau vẻ lộng lẫy hoàng hôn là những dáng người vất vả, lam lũ…, trên chiếc cầu tre in xuống mặt nước có bóng ai còm cõi qua cầu, một ngày mới rạng rỡ không che giấu được những âu lo và một cái gì như là nỗi cam chịu ở những ngư dân đang ngồi lặng im vá lưới… Nếu không có một tấm lòng đối với con người, nếu không biết trân trọng những giá trị của cuộc sống cần lao, Trần Phước Chính không có những tấm hình ấm áp và giàu cảm xúc như vậy.

Xem ảnh, quý người cầm máy, chỉ mong anh giữ nguyên vẹn một góc nhìn.

Trương Vũ Quỳnh
(*) Tác giả tập sách ảnh Sóng Thu Bồn - NXB Đà Nẵng tháng 9-2010.
;
.
.
.
.
.