.

Bộ phim giàu tính nhân văn

.

Long thành cầm giả ca (Bài ca về người con gái gảy đàn ở thành Thăng Long) là bộ phim lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn 1783-1813, khi đất nước phải trải qua nhiều biến loạn bởi sự thay đổi của các triều đại cuối Lê, đầu Nguyễn. Tuy nhiên, bộ phim không chú trọng đặc tả những cảnh gươm đao lửa đạn mà chủ yếu xoay quanh câu chuyện tình đẹp nhưng cũng đầy trắc trở giữa Tố Như (Đại thi hào Nguyễn Du) và nàng kỹ nữ tên Cầm giữa đất Thăng Long.

Mô tả ảnh.
Một cảnh trong phim Long thành cầm giả ca.

Phim mở đầu bằng hình ảnh một bé gái soi bóng xuống làn nước trong lành của chiếc giếng làng, cạnh gốc đa cổ thụ, đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Hôm sau, Gái (tên cô bé) được đưa lên Long thành, theo học đàn ca tại nhà thầy Nguyễn. Ngay lần đầu tiên nghe Gái đàn, hát, thầy Nguyễn đã nhận ra ở cô bé ẩn chứa tài năng hơn người và đổi tên cô bé thành Cầm.

Bước vào tuổi trăng tròn, Cầm tình cờ gặp gỡ tân khoa Tố Như. Cuộc gặp gỡ với Cầm đã làm xao động tâm hồn Tố Như. Tuy nhiên, cuộc tình của nàng ca kỹ và chàng Tố Như chỉ mãi là giấc mộng đẹp bởi Tố Như đã có hiền thê nơi quê nhà. Đất nước lâm vào cảnh loạn lạc khiến người dân phải ly tán khắp nơi. Trong cảnh chạy loạn, Tố Như và Cầm tình cờ gặp lại nhau nhưng rồi xã hội đầy biến động đẩy họ về hai hướng. Hai mươi năm sau gặp lại, Tố Như đã là quan lớn, còn Cầm là cô đào hát già, đàn hát kiếm sống trên đường phố.

Dù nhan sắc của Cầm đã tàn phai theo thời gian, nhưng nhờ tiếng đàn, Tố Như vẫn nhận ra nàng. Sau một đêm ngậm ngùi thưởng đàn và chua xót bên chum rượu, Tố Như sáng tác bài thơ Long thành cầm giả ca tặng Cầm khi nàng đang ngủ và lặng lẽ ra đi. Khi thức dậy, Cầm ôm bài thơ và cây đàn về nơi giếng Nguyệt ở quê nhà. Từ đó không ai còn thấy bóng nàng. Đoạn kết của bộ phim đã đọng lại trong lòng khán giả niềm xót thương cho thân phận của hai con người yêu nhau nhưng không thể vượt qua lễ giáo phong kiến để đến với nhau.

Long thành cầm giả ca được đạo diễn Đào Bá Sơn khai thác triệt để nét văn hóa của đất Long thành xưa. Người xem như được quay lại bầu không khí cổ xưa với trò chơi dân gian quen thuộc như chơi chuyền, ô ăn quan hay cờ tướng trên phiến đá, những thiếu nữ e ấp bên cây đàn Nguyệt, sự nghiêm khắc nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của những người thầy... Những câu thơ trữ tình hay điệu hát chầu văn, ả đào, các bài đồng dao được điểm xuyết trong phim gợi lên không gian thân thuộc của đất Bắc kỳ.

Ngoài ra, bộ phim còn làm toát lên niềm tự hào dân tộc bằng các cảnh quay đặc tả những cô gái được thầy dạy đàn hát luyện âm trong chum, ngâm tay trong thuốc bắc hay những màn hát văn, lên đồng của những ca nữ khiến quân xâm lược dù chẳng biết tiếng Việt cũng phải trầm trồ khen ngợi, tán thưởng.

Tác giả kịch bản-nhà thơ Lê Văn cho biết, khi viết kịch bản này, ông muốn nhấn mạnh một điều “Các triều đại có thể bị phế truất, thay đổi nhưng văn hóa dân tộc thì mãi mãi trường tồn”. Chính vì vậy, bộ phim đã khai thác tối đa những phân cảnh quay đậm nét văn hóa, nhân văn của người Việt về cảnh vật, trang phục.

Long thành cầm giả ca là câu chuyện hư cấu được xây dựng dựa trên tác phẩm cùng tên của Đại thi hào Nguyễn Du. Toàn cảnh bộ phim là một Thăng Long của những trí thức đau đời như Nguyễn Du, những đại thần giàu lòng yêu nước nhưng lại bất lực trước cảnh thời loạn. Và ngay cả Cầm, cô ca kỹ tài hoa bạc mệnh cũng đau đáu một niềm riêng: “Mẹ bảo con là thuộc về nơi ấy, về Long thành” (lời thoại trong phim của nhân vật Cầm).

Bộ phim lịch sử viết về Thăng Long, chào mừng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội đã chạm tới trái tim người xem bởi lối kể chuyện giản dị và bình tĩnh nhưng cặn kẽ tới từng chi tiết. Xuyên suốt cả bộ phim, tuy có đôi chỗ chưa thật sự làm hài lòng những khán giả khó tính, nhưng phải công nhận một điều, Long thành cầm giả ca đã lấy được trọn vẹn cảm xúc của khán giả bởi những cảnh quay, tình huống đầy bi tráng một thời của dân tộc.

Huỳnh Lê

;
.
.
.
.
.