.

Đột phá từ nhân lực

.
Một trong năm hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010-2015 được đưa ra tại Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, theo khẳng định của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, chính là phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây không chỉ là nền tảng phát triển của một nhiệm kỳ, mà chính là sự đột phá mang tính bền vững.

Mô tả ảnh.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm khai thác hiệu quả giá trị gia tăng trong sản phẩm dịch vụ, công nghiệp.
 
Trao đổi bên lề Đại hội, bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất thành phố cho biết, để xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới thì nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu bức thiết và quan trọng. Trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đã nêu lên một số giải pháp để làm sao vừa đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện để người lao động, trí thức trẻ phát huy năng lực, tài năng, từ đó đáp ứng yêu cầu đặt ra của thành phố.

Theo bà Thanh Xuân, đứng về góc độ của Công đoàn thì giải pháp cần thiết là quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề của công nhân, lao động trên địa bàn các khu công nghiệp thông qua những nội dung mà Chương trình hành động của Liên đoàn Lao động thành phố đặt ra nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Bên cạnh việc nâng cao trình độ thì cũng cần phải tạo môi trường, điều kiện để người lao động có thể phát triển, cống hiến và thể hiện được tài năng của mình.

Không chỉ có vậy, để đào tạo được đội ngũ trí thức và lao động có tay nghề cao, nhất là đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường…, đòi hỏi phải có một hệ thống đào tạo hoàn chỉnh về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Hệ thống đó phải hoàn chỉnh từ bậc trung học chuyên nghiệp, dạy nghề đến đào tạo đại học và sau đại học. PGS.TS Trương Bá Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ mong muốn, Đà Nẵng cần có quy hoạch về đào tạo một cách chặt chẽ hơn, phải hoạch định từ đầu và phải dài hơi, nhất là quy hoạch đào tạo nghề và đào tạo nghề bậc cao, để có đội ngũ nhân lực lành nghề, làm việc bài bản và đạt hiệu quả cao hơn…
 
Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng thì cho rằng, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, trước hết cần phải có một đơn vị chuyên trách về dự báo cung cầu nguồn nhân lực này sát với thực tế, đón đầu những xu hướng phát triển mới và tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động này. Theo vị đứng đầu quản lý một trong 15 đại học trọng điểm của quốc gia này, thì trong tương lai, Đà Nẵng nên hướng vào giáo dục đại học-một trong các ngành dịch vụ cao cấp, nhằm tạo cơ sở vững chắc hơn cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhưng một điều quan trọng là cần phải hướng đến xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực khác. Trong những năm qua, Đà Nẵng đã có những chủ trương, chính sách mang tính đột phá trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý và đạt được những kết quả bước đầu. Đó là việc thực hiện các chủ trương về đào tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, phường; thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; mạnh dạn đề bạt vượt cấp đối với cán bộ có năng lực nổi trội; chính sách về đào tạo, thu hút nhân tài trong lãnh đạo, quản lý…
 
Thế nhưng, yêu cầu trẻ hóa vẫn chưa được đáp ứng một cách mạnh mẽ; tính kế thừa vẫn còn đang là vấn đề đáng quan tâm… nhất là ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Theo PGS. TS Trương Bá Thanh, việc đặt ra tiêu chuẩn về ứng cử viên tham gia cấp ủy lần đầu của Đảng bộ thành phố khóa XX phải tốt nghiệp đại học chính quy hoặc đào tạo sau đại học là một chủ trương đúng đắn, cho thấy dấu hiệu quan tâm, đầu tư đúng hướng và lâu dài nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo thành phố. “Đây không chỉ là ý tưởng của Đảng mà là nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, của chính yêu cầu phát triển mang tính đột phá, tăng tốc để Đà Nẵng về đích sớm trong xây dựng thành phố công nghiệp trước năm 2020”- PGS. TS Trương Bá Thanh nhấn mạnh.

Anh Quân
;
.
.
.
.
.