.

Người Hà Nội

.

Máy bay hạ độ cao. Anh nhìn xuống. Hai ngàn mét, một ngàn mét, anh đếm. Từ ô cửa sổ máy bay, anh nhìn rất rõ cầu Long Biên. Không còn cái ô thép năm xưa nữa. Những dầm cầu bị gãy đã được thay mới bằng những nhịp thép thẳng tuột. Bao lần đi về, sao anh vẫn giữ cảm xúc mãnh liệt của ngày ấy? Anh bất giác đưa tay lên dụi mắt. Bàn tay không ngăn nổi giọt lệ hiếm hoi tự nhiên tuôn ra. Anh khóc. Bất chợt ký ức một thời ùa về. Năm 1967. Không! 1968...

Minh họa: Hoàng Đặng 

Bây giờ, anh không nhớ rõ, làm sao để không run rẩy khi bước lên cái ô vuông bằng thép trên đỉnh cầu cao tít. Gió sông Hồng lồng lộng thổi và bên dưới, sông Hồng cuộn trôi. Anh tưởng tượng, dòng nước dưới kia đục ngầu phù sa và kinh hãi nhận thấy sự vĩ đại của thẳm đen. Người ta trao cho anh ba lô và súng. Người ta huấn luyện cho anh ba bốn giờ gì đó ở trung đoàn bộ và người ta bỗng dưng gọi anh: Pháo thủ số ba. Số ba là lính nạp đạn. Tiểu đội trên cầu đang thiếu một pháo thủ và anh nghiễm nhiên trở thành số ba.

Tay pháo thủ số hai, người lính già hơn anh chút ít, lơ đãng nhìn anh vài giây rồi chỉ cho anh chỗ gá súng: “Đây đồng chí để ba lô! Đây để súng”. Chỗ ngủ mới chông chênh làm sao! Anh bất giác ngó xuống lỗ hổng toang hoác chực như muốn lôi anh nhào xuống.

Gió đỉnh cầu khá mạnh. Cây cầu này, anh đã thuộc lòng trong bài tập đọc. Cha anh có lần nói, Long Biên làm từ những dầm thép thừa của Ep Phen. Người tiểu đội trưởng tỏ ra vồn vã hơn. Anh ta chỉ tay, lôi anh đến ngay bên khẩu 12 ly 7 còn khen khét mùi thuốc đạn, bảo: “Không có thời gian nhiều đâu. Đồng chí nhớ cho!”. Anh tiện tay mở nắp thùng đạn. Những viên đạn óng ánh trong ánh sáng rơi xuống từ chòm sao nhấp nháy trên vòm trời cao tít mùa hạ. Hình như buổi tối chưa tàn. Vọng đâu đây tiếng leng keng. Tàu điện giờ này còn chạy? Có tiếng rao xa lắc... Mùi thơm mơ mơ thoảng từ bãi giữa đưa lên. Lại còn thế! Giờ này chắc mẹ mình đã đi nằm rồi. Liệu khi mùa thu về, chậu quỳnh của cha anh có hoa không? Anh man mác nghĩ.

Pháo thủ số một và số hai được đi ngủ. Tiểu đội trưởng và anh trực. Trực chiến là căng mắt mà đếm sao trời. Trông lên cao, những áng mây lững lờ trôi ngang. Tiểu đội trưởng chỉ cho anh xạ giới quan sát và bảo: “Chúng nó cũng giỏi bay thấp cắn trộm ra phết đấy! Xạ giới 4 và 14 kia, ấy là hướng cửa sông. Ngày hôm qua hai mươi nhăm lần máy bay cường kích”.

Anh không dám hỏi. Anh không dám nói. Anh bước tới cạnh lan can sắt lạnh lẽo. Anh đang cảnh giới. Cậu bé mười bảy tuổi năm ấy có giọng hát khá hay. Mười lăm phút sau đó, không hiểu vì sao, anh cất giọng: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây... đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô , đây Hà Nội...”.

Tiếng hát nhỏ, thương yêu vô vàn bay xa. Hình như tất cả các chiến sĩ giữ cầu Long Biên đêm ấy đều nghe thấy tiếng hát của anh. Và những người lính trực ban đêm ấy cảm thấy tình cảm của chính họ được tan vào không gian, bay lên cao, vươn qua những tầng mây, lượn qua Bác Cổ, đọng trên những tàn sấu, dọc phố Huế rồi quay sang Tràng Tiền, hồ Gươm..

- Cậu là người Hà Nội? Người tiểu đội trưởng tới bên anh từ khi nào.
- Vâng! Em người ở đây mà!
- Gia đình cũng ở đây à
- Vâng ạ.
- Gia đình ta lên Hà Nội lâu chưa?
- Bố mẹ em người làng Ngọc Hà. Bây giờ ra phố ở. Ông nội em ở Hàng Hành. Em không sơ tán nên ở với cụ nội ở phố Hàng Chiếu.
- Cậu là người Hà Nội chính cống!
- Vâng ạ.

Khi ấy tự dưng anh nghi ngờ những câu ông ngoại bắt anh nhớ: Thăng Long phi chiến địa. Ai nói câu nói nổi tiếng ấy? Đó là mơ ước hay lời khẳng định? Là lời sấm, là tương lai? Còn ông nội từng bảo: “Hà Nội hàng ngàn năm về trước, sau thời Lý là nơi săn thú và bắn chim. Chỉ có rừng hoang mới có thú. Có chiến địa mới có đất hoang, rừng”. “Sử ký toàn thư ghi như vậy. Chúng nó hôm nay, hôm qua dọa biến Hà Nội thành thời đồ đá. Đá cái con tiều. Bố mày chết có con bố. Con bố sinh ra cháu, chắt... Dễ như xơi oản thì thằng Tàu đã biến Thăng Long thành thời đại đồ vượn từ lâu rồi!”. Đấy là không phải anh nghĩ. Đấy là lời ông nội nói với bố. Ông tranh luận với bố, ông bảo: “Hà Nội thừa chữ dũng. Thừa lòng dũng cảm nên trong ca dao tục ngữ, chẳng có cụ nào dạy con cháu sự liên quan tới Uy, tới Dũng. Chữ Tâm mình yếu lắm và vì thế, thời nào cũng nhan nhản lời dạy của cổ nhân chạy quanh chữ Tâm. Dân mình chẳng sợ tao loạn. Cứ tao loạn là muôn người như một, có ai giỏi giang phất cờ nghĩa là giặc ngoại xâm nào cũng thua. Nhưng giặc đi rồi thì lòng người thường li tán. Thế là chết. Kiêu hùng đến thế mà không có một cơ đồ cho ra trò. Nhất Tâm trong cả bình lẫn loạn thì đất Việt còn hơn cả thằng Nhật”. Ông nghe thế, quay sang hỏi bố như gắt: “Nghĩ kỹ chưa ?”.

Anh chợt cắt dòng suy nghĩ miên man khi nghe giọng tiểu đội trưởng rõ ràng bên cạnh:

- Ngày mai trung đội ta ăn thề ở ô số hai. Cậu đại diện cho tiểu đội mình hạ quyết tâm nhé!
- Ấy chết, em ngượng lắm. Em chẳng quen thề thốt gì đâu. Anh cử các đồng chí khác.
Anh cúi xuống. Tay tiểu đội trưởng dụi tàn thuốc. Anh nhìn thấy vô vàn những đốm sáng bay. Sông Hồng đen ngòm cuộn chảy... cảm giác rì rào, rì rào.
- Các cậu lạ nhỉ. Thằng nào cũng hay hát. Tự do. Trắng ởn và chẳng thằng nào chịu thề một cách to rõ. Này, sớm mai đừng dại mà chui xuống gầm cầu đấy nhé! Đi lấy nước chỉ hai chục phút thôi. Quá hai mươi phút tớ sẽ báo động. Có người yêu chưa? Chưa hả? Chưa thì đỡ trốn. Mà đừng trốn. Xin phép đàng hoàng để đi chơi với em. Sao? Hello darling là này người yêu ơi có đúng không?
- Rõ! Anh trả lời đúng điều lệnh. Song thực tâm, anh vừa tức vừa buồn cười mà không dám nói ra. Sao thằng cha lố thế. Anh rủa thầm.

Tiểu đội trưởng thở dài. Tiếng thở trong tĩnh lặng, chỉ có gió là biết. Anh nghe thấy tiếng thở dài ấy. Anh hỏi, anh quê ở đâu? Tớ hả? Dân Thái Bình. Thái Bình là đất.. Nhưng tớ ra Hà Nội từ lúc tám tuổi. Tớ học trường phổ thông An be sa ro. Cậu có biết, ngày xưa trường tớ toàn con Tây và con bọn nhà giàu đến học không? Tớ biết khá nhiều về Hà Nội đấy. Nhưng nhiều kẻ không nhận tớ là dân Hà Nội. Tại tớ nói nhiều từ địa phương mà. Bảo thì nói rằng Bẩu. Thìa nói là Dìa... Người Hà Nội tự kiêu lắm. Thế là chết đấy. Nhưng tớ không ác cảm với cánh Hà Nội các cậu đâu, mặc dù các cậu ngang ngạnh lắm. Tiểu đội ta bổ sung ba bốn đợt quân. Có đứa nào Hà Nội, tớ đều xin về cả. Lính Hà Nội chiến đấu giỏi!

Anh quay sang nhìn người đồng chí của mình. Bấy giờ trăng thượng huyền. Song anh không thể nào nhìn rõ khuôn mặt của người tiểu đội trưởng. Cái mũ sắt tùm hụp và bóng cầu luôn xoay che lấp khuôn mặt. Nhìn, anh chỉ thấy một cặp mắt long lanh. Anh ta nói thật. Giọng rất thật. Tiểu đội trưởng cho anh nghỉ sớm nửa giờ: “Ngủ đi nhóc! Ngày mai đánh cho thật ra trò nhé!”. Tiểu đội trưởng nói với anh như nói với một người đã thân.

Đó là một buổi sáng rất đẹp. Trời không một gợn mây. Xanh như ngọc. Gió rười rượi lùa tung mái tóc đen nhánh của anh. Kẻ thù dựng bọn họ từ tơ mơ, khi rạng đông. Hai mươi nhăm tốp máy bay ùa vào, bay cắt chéo cầu. Đấy là tốp nghi binh. Mười hai chiếc F 105 từ hướng Tam Đảo nhào đến theo đội hình bàn tay xòe mới là tốp thực sự muốn cắt đôi cây cầu. Anh liên tục nhồi đạn vào thùng. Bàn tay rã rời như bỏng. Không có lễ ăn thề. Không có họp hành. Thời gian ngừng trôi trong một tiếng bốn nhăm phút. Bắn! Bắn! Bắn! Tiểu đội trưởng giọng khản đặc. Anh không nhìn thấy cây cầu nhiều lần chao đảo. Không thấy từng đợt sóng trào lên, sủi bọt như thể đẩy gãy cây cầu. Nòng súng 12 ly 7 đỏ rực. Dội nước! Đái vào! Tiết kiệm cái cứt gì! Tiểu đội trưởng suýt xô bật anh khỏi lan can. Anh lồm cồm bò trong khói súng cay xè. Có tiếng rít chói tai. Pháo thủ số hai bị bứt khỏi đội hình khẩu đội. Cái mũ sắt của anh ta bị lột khỏi đầu, văng vào thành cầu, phát tiếng vỡ khô khốc. Anh chồm lên nhảy vào vị trí số hai. Tai ù ư ? Không! Hướng ba tư, xạ dài... dài... Bắn! Lần đầu tiên anh nhìn thấy con người bị trúng đạn. Pháo thủ số một bị mảnh bom tiện ngang chân. Máu phun ra từ động mạch, phụt ra đỏ tươi, loang nhuộm đỏ cả đám thép nhịp cầu. Bắn! Bắn! Tiểu đội trưởng ấn tiếp một thùng đạn. Anh siết cò. Cảm giác như có sức đẩy làm anh hơi nghiêng. Bắn! Hai chiếc F 4 nhào tới cắt bom. Bọn F105 điên cuồng tuôn lửa từ súng cực nhanh liên thanh sáu nòng. Anh không nghe thấy tiếng quát của tiểu đội trưởng nữa. Anh cảm thấy mình bị xô mạnh. Rất mạnh. Và, anh bồng bềnh trôi trên những dải đen tuyền mênh mông. Anh thấy một dòng sông đầy hoa chảy vào Hà Nội. Anh nhìn thấy những cánh buồm nâu và hình như có mùi nước mắm thơm phức, mùi dạ lan hương ngào ngạt và cũng hình như không phải mùi dạ lan hương. Hoa sữa, chỉ có hoa sữa mới thơm tha thiết, da diết đến như thế...

Khi tỉnh dậy, anh thấy đầu mình nặng và nhức. Anh mở mắt và sau đó ráng sức vịn vào thanh sắt cong vặn để đứng dậy. Cầu Long Biên vẫn như buổi sáng hôm nào, vươn nối hai bờ, chỉ khác là bây giờ cong vặn mấy nhịp. Có tiếng răng rắc chuyển rung trong gió. Ánh sáng chớp lòa đâu đây. Nhập nhòe đèn hồ quang.. Và tiếng chân ai dồn chạy sầm sập trên cầu.

Anh loạng choạng bên khẩu 12 ly 7. Nòng súng còn nóng ấm và khen khét. Hình như người ta vừa thu dọn ở đây. Không còn vật dụng nào trong lòng cái ô sắt. Chiếc ba lô của anh và khẩu AK 47? Những quyển vở ghi chép của anh bị xé nát và gió ném đi, vương lại dính phơ phất vài tờ trên thành cây cầu. Anh nhìn vào vị trí của người tiểu đội trưởng. Anh ấy không còn tại đó nữa. Chỉ còn một vệt loang sẫm màu mận chín. Vết chảy nhễu xuống từng giọt bên mép thành cầu, khô đông. Anh như bị thôi miên bởi vệt sẫm ấy. Mắt anh nhòa dần, anh cảm giác, hình dung, đám màu sẫm chuyển động, từng giọt, từng giọt ấm nóng rơi... rơi... chảy hòa vào Hồng Hà bất tận.

Có tiếng còi rú lên đột ngột, cấp tập từ Nhà hát thành phố vọng tới. Anh hình dung thấy đường phố Hà Nội vắng ngắt. Hình như có tiếng lách cách phát ra từ đâu đây. Ông nội đã xuống hầm, mẹ anh chắc đang chui vào gầm cầu thang mà ngày xưa anh thường chui vào chơi ú tim với đám trẻ con cùng lứa...
Một lực đẩy nào đó xuất hiện từ đâu lôi thốc người chiến sĩ đứng thẳng. Bên nòng súng 12 ly 7 đang ngóc lên như thách thức... Ai vô tình nhìn về hướng lô số ba năm ấy, ngày ấy, giờ ấy, liệu có nhận ra... Dưới vòm trời Hà Nội xanh ngắt, trong nắng dữ dội, bóng anh như tạc đúc bằng kim loại, dường như liền với những nhịp thép dầm cầu.

* * *
Hôm nay , ngày ấy đã xa xôi quá rồi. Người dân thành phố Hà Nội ai mà không biết cầu Long Biên? Nhưng trừ một số ít những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, không mấy ai chú ý tới cầu Long Biên của Hà Nội có bao nhịp và bao nhịp đã gãy gục. Anh lặng người đi khi cô bé nhân viên hàng không xinh đẹp đã nhận cô ta là người Hà Nội xịn, lại trả lời anh rằng, Long Biên chưa khi nào có những lô vuông bằng sắt trên tít đỉnh cây cầu.

Máy bay nghiêng, chòng chành. Đề nghị anh thắt lại dây an toàn! Cô nhân viên hàng không nhắc anh và họ không tranh luận nữa. Anh nhoài người ra phía ô cửa. Con sông lại hiện ra. Cây cầu có một dải mây vắt chéo như choàng tơ. Anh không nhớ khuôn mặt của người năm xưa. Có một đêm sống bên nhau sao mà nhớ hết hình hài? Có một đêm thì nhớ cũng quên. Trách gì cô gái ấy. Thời gian phũ phàng đến vô tư. Bất giác anh căng mắt nhìn con sông.

Con sông kia. Trôi mãi thôi. Phù sa bao ngàn lớp.

Máy bay nghiêng, ánh mặt trời phản chiếu từ con sông lóe sáng, dòng sông ánh lên màu hồng tươi. Máu. Không phải, phù sa đấy. Phù sa đang bồi cho cánh đồng Bắc Bộ. Cho cánh đồng Thanh Trì... Lúa, cá, hoa... nghe nói giờ ngập tràn trên các đường, ngõ, chợ thủ đô. Nghe nói, khi anh đi vắng, dân Hà Nội đã xây bao phố mới. Bọn hay về phép kể, Hà Nội sắp làm đường cao tốc. Hà Nội có thể nới ra tới Ba Vì, Vĩnh Phú...ừ , con sông ơi, trôi mãi mà. Phù sa bồi cho tất cả. Lớp bùn non, mịn, óng ánh đã ngấm vào thịt da của anh, của bao con người hôm nay và tất nhiên riêng anh biết, nó chiết xuất từ bao dòng tím sẫm, của ông nội anh trên chợ Đồng Xuân, của... Và của người ấy, con người mà theo anh là người Hà Thành ấy, máu đã chảy, nhuộm cho màu cầu, dòng sông, Hà Nội... Tiểu đội trưởng của anh, anh không biết tên. Cần gì tên. Anh ta là người bảo vệ cầu Long Biên. Anh ta sống, chết vì Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội... người Hà Nội, người Hà Nội... Tai anh nghe đột ngột vang động những âm hưởng trong trẻo ấy.

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ

;
.
.
.
.
.