.

Chăm lo hơn điều kiện lao động

Tỷ lệ nông dân giảm dần, tỷ lệ công nhân và lao động dịch vụ tăng lên là những tín hiệu đầu tiên về một nước Việt Nam CNH-HĐH đang hình thành. Nước ta lại đang trong thời kỳ “dân số vàng”. Từ nay đến năm 2022, lao động chiếm 45%, cứ hai lao động mới phải kèm theo 1 người không lao động và mỗi năm, có thêm 1,4 đến 1,6 triệu lao động cần việc làm.

Số việc làm cho những người này chủ yếu được giải quyết ở các khu công nghiệp, khu đô thị và dân cư tập trung. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của một lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ gấp rưỡi đến gấp 3 thu nhập bình quân của người nông dân vùng đồng bằng, đó là một tiến bộ đáng kể. Đời sống của công nhân, viên chức đang được cải thiện từng bước. Một số nhà máy, doanh nghiệp đời sống người lao động được cải thiện rõ rệt, không chỉ đủ tái sản xuất sức lao động mà còn có thể dự trữ, mua bất động sản, phương tiện sống. Đời sống văn hóa cũng được nâng lên do có thêm sách báo, phương tiện nghe nhìn, thời gian vui chơi giải trí.

Nhưng bên cạnh những mặt tích cực đó, điều kiện lao động, quyền lợi lao động của những người làm việc trong khu vực công nghiệp và dịch vụ cũng đang là vấn đề “nóng” trong xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng là trong khu vực doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân.

Nhìn chung, thu nhập của người lao động (nhất là lao động và viên chức làm việc ở những ngành nghề phổ thông) thường không tương xứng với sức lao động bỏ ra. Giờ làm việc thường nhiều hơn 8 tiếng/ngày, giờ nghỉ thường bị cắt xén, chiếm dụng. Cường độ lao động cao; thường xuyên bị giám sát, cúp phạt thậm chí đánh đập. Tâm lý luôn căng thẳng. Bảo hiểm xã hội, một quyền lợi thiết thân của người lao động thường bị chậm, chây ì hoặc chiếm dụng. Điều kiện học tập, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi hạn chế. Nhà ở, nhất là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tập trung thiếu, chật chội, không đủ tiện nghi tối thiểu.

Một nỗi lo nữa là tình trạng mất cân bằng giới tính. Nhiều nơi do nữ đông, thời gian tiếp xúc với bên ngoài ít, chị em khó có điều kiện lập gia đình, không yên tâm công tác. Điều kiện làm việc, trang thiết bị bảo hộ thiếu, lạc hậu, tai nạn lao động ngày càng có xu hướng tăng lên.

5 năm trở lại đây, có 29.057 người bị tai nạn trong đó 2.753 người bị chết, chủ yếu trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải. Nguyên nhân của 75,55% vụ tai nạn lao động là do giới chủ không bảo đảm đầy đủ các thiết bị, phương tiện bảo hộ, không giáo dục đầy đủ ý thức đề phòng tai nạn cho công nhân. Trong số những người lao động bị thiệt thòi và vi phạm quyền lợi, nữ công nhân, viên chức chiếm số đông.

Đã đến lúc nguồn lao động rẻ và dồi dào không còn là thế mạnh nữa. Nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu lao động. Lối thoát cho tình trạng này là không ngừng cải thiện điều kiện lao động, điều kiện sống và chất lượng việc làm cho người lao động.

Duy Vũ

;
.
.
.
.
.