Pháp luật & Công dân

Không bắt buộc đổi giấy phép lái xe sang vật liệu nhựa

.

Theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (bằng lái) cơ giới đường bộ, việc đổi bằng lái in trên giấy bìa sang bằng lái làm bằng thẻ nhựa (vật liệu PET) được “khuyến khích” thực hiện trước ngày 31-12-2020. Thông tư này bỏ lộ trình đổi bằng lái xe không thời hạn A1, A2, A3 trước ngày 31-12-2020 như quy định của Thông tư số 58 năm 2015 do Bộ GTVT ban hành.

Như vậy, việc ấn định thời hạn buộc đổi bằng lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa như thông tư trước đó đã bị bãi bỏ. Theo đó, người có bằng lái xe có thời hạn chỉ thực hiện việc đổi bằng lái xe trước khi hết thời hạn sử dụng; người có giấy phép lái xe bị hỏng còn thời hạn sử dụng được đổi giấy phép lái xe.

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn các cơ sở đào tạo lái xe, Thông tư yêu cầu các cơ sở này ký hợp đồng đào tạo với người học lái ô-tô theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; công khai quy chế tuyển sinh và quản lý đào tạo của cơ sở đào tạo lái xe. Cơ sở đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 phải duy trì cơ sở vật chất, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn theo quy định tại Tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành.

Các cơ sở đào tạo lái xe phải tổ chức đào tạo mới và đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe ô tô theo lưu lượng, thời hạn, địa điểm, hạng giấy phép lái xe ghi trong giấy phép đào tạo lái xe; tổ chức đào tạo các hạng A1, A2, A3, A4 đúng phương án hoạt động đào tạo đã đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo thông tư này. Những cơ sở này được tổ chức đào tạo vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính cho người có nhu cầu, nhưng phải bảo đảm nội dung, chương trình và thời gian quy định; đăng ký kỳ sát hạch theo quy định; duy trì, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; bảo đảm giáo viên khi dạy thực hành lái xe phải đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe”, học viên tập lái xe trên đường phải đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe”. Việc tuyển dụng, quản lý, tổ chức tập huấn nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái xe cho đội ngũ giáo viên phải bảo đảm tiêu chuẩn và báo cáo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định.

Thời gian đào tạo đối với hạng A1, A2, A3, A4: Hạng A1: 12 giờ (lý thuyết: 10, thực hành lái xe: 02); Hạng A2: 32 giờ (lý thuyết: 20, thực hành lái xe: 12); Hạng A3, A4: 80 giờ (lý thuyết: 40, thực hành lái xe: 40). Các môn kiểm tra gồm: Pháp luật giao thông đường bộ đối với các hạng A2, A3, A4; thực hành lái xe đối với các hạng A3, A4.

Đối với đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C, thời gian đào tạo cụ thể như sau: Hạng B1: Xe số tự động: 476 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 340); xe số cơ khí (số sàn): 556 giờ (lý thuyết: 136, thực hành lái xe: 420); Hạng B2: 588 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 420); Hạng C: 920 giờ (lý thuyết: 168, thực hành lái xe: 752). Các môn kiểm tra gồm: Kiểm tra tất cả các môn học trong quá trình học; môn Cấu tạo và Sửa chữa thông thường và môn Nghiệp vụ vận tải đối với hạng B2 học viên có thể tự học nhưng phải được cơ sở đào tạo kiểm tra; kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo khi kết thúc khóa học gồm: môn Pháp luật giao thông đường bộ theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết; môn Thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-6-2017 và thay thế Thông tư 58/2015.

TH.S tổng hợp

;
.
.
.
.
.