Ký sự Pháp đình

Cái giá của bạo lực

.

Khi có mâu thuẫn nảy sinh từ chuyện tiền bạc, thay vì ngồi lại nói chuyện để tháo gỡ vấn đề, không ít người đã lựa chọn cách giải quyết bằng bạo lực khiến người mất mạng, kẻ vướng vòng lao lý...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1.

Trong phiên xử lưu động một ngày tháng 3 tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), ngồi co ro nơi hàng ghế dự khán, đôi vợ chồng luống tuổi, quần áo bạc phếch không ngừng nức nở. Phía ngoài, hai phụ nữ trẻ đang ẵm những đứa trẻ với gương mặt giàn giụa nước mắt. Họ là cha mẹ và vợ, con của hai bị cáo hôm ấy, N.T.H (SN 1988) và N.H.T (SN 1995).

Vụ án khởi nguồn từ việc mâu thuẫn về chuyện vay mượn tiền bạc giữa H. và N.Th (SN 1990, ngụ quận Cẩm Lệ). Bực tức, tối 8-3-2016, H. gọi điện thoại rủ em ruột là T. đến một quán ăn để đánh nhau với Th. và dặn cầm theo “đồ”. Nghe vậy, T. cầm theo một con dao cùng một cái rựa đi đến điểm hẹn. Tại quán ăn, giữa H. và Th. xảy ra đôi co, cự cãi. Lúc này, T. điện thoại cho anh trai và được H. dặn khi nào thấy bên trong quán đánh nhau thì hãy xông vào đánh. Cùng lúc, Th. tự thấy mình có lỗi với H. nên lấy vỏ chai bia đập vào đầu nhằm nhận lỗi. Đứng ở ngoài, nghe tiếng thủy tinh vỡ, T. tưởng đánh nhau nên cầm rựa xông vào quán. Do mọi người can ngăn và giữ lại chiếc rựa, T. rút con dao giấu trong áo chém liên tiếp vào Th. khiến nạn nhân mang thương tích 18%.

Đứng sau vành móng ngựa, hai anh em nghẹn ngào những lời xin lỗi run run. Chủ tọa nói: “Bị cáo H. là anh mà không giáo dục em điều hay, lẽ phải, đằng này lại rủ rê, lôi kéo em vào con đường sai trái. Còn bị cáo T., khi thấy anh mình làm sai, bị cáo không khuyên bảo mà lại a dua theo cái sai.

Cha mẹ của các bị cáo chỉ có hai đứa con mà bây giờ cả hai đều vướng vòng lao lý thì cha mẹ của các bị cáo phải sống như thế nào? Còn vợ con của các bị cáo, không có trụ cột trong gia đình thì phải nương tựa vào đâu? Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt đó mà các bị cáo hành xử bằng bạo lực khiến hại người, hại mình thì có đáng không?”. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đôi bàn tay bối rối đan chặt vào nhau, đôi mắt đỏ au niềm hối hận, cả hai khẽ lắc đầu. Tiếc rằng, khi các bị cáo nhận thức được vấn đề thì đã muộn màng. Sự nông nổi của tuổi trẻ đã khiến H. trả giá bằng mức án 30 tháng tù, T. đối mặt với mức án 24 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”.

2.

Một vụ án khác, N.Th (SN 1978, ngụ quận Thanh Khê) nợ tiền của anh N.Đ.V (SN 1985, ngụ quận Cẩm Lệ) nhưng chưa có tiền trả nên bị V. đe dọa sẽ đến nhà xiết đồ. Bực tức, tối 31-1-2016, Th. rủ rê, lôi kéo N.Q.H (SN 1994), N.Q.T (SN 1996, cùng ngụ quận Hải Châu) và đối tượng tên Khánh mang theo 2 kiếm, 1 đao tự chế và 1 con dao đến nơi V. bán hoa Tết. Lúc này, T. đứng ngoài trông xe, Th. và Khánh đâm, chém nạn nhân. Nghe tiếng người dân tri hô, T. chở cả nhóm bỏ chạy. Hậu quả, anh V. bị chấn thương sọ não, mang thương tích 38%.

Th. và Khánh hiện bỏ trốn và đang bị truy nã. Mặc dù không trực tiếp chém bị hại nhưng H. và T. đã hỗ trợ đắc lực cho đồng bọn nên bị TAND thành phố đưa ra xét xử sơ thẩm về tội “Giết người”. Tòa hỏi: “Tại sao không quen biết, không có mâu thuẫn với nạn nhân nhưng các bị cáo lại đi theo Th. để đánh bị hại?”. Cả hai lí nhí:

“Th. nói là Th. nợ có mấy đồng mà V. đòi lên nhà xiết đồ. Bị cáo nghĩ là chỗ bạn bè mà không giúp đỡ thì ngại…”. “Nếu thật sự là bạn bè, nghe bạn rủ rê đi đánh người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, lẽ ra các bị cáo phải can ngăn, khuyên nhủ bạn mình. Đằng này, các bị cáo lại đi theo tiếp sức. Chính sự cả nể của các bị cáo đã đẩy bản thân các bị cáo vào vòng lao lý”, tòa phân tích. Cúi thấp đầu, hai bị cáo lí nhí: “Bị cáo biết lỗi, biết sai rồi. Tại bị cáo dại dột”. Với hành vi sai trái của mình, H. phải lãnh 7 năm tù, còn T. lãnh 6 năm tù.

Hai vụ án trên đây chỉ là số ít trong các vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND thành phố, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ án hình sự trên địa bàn thành phố xuất phát chủ yếu từ mâu thuẫn cá nhân.

Đặc biệt, đối tượng là người chưa thành niên hiện thực hành vi giết người tăng so với cùng kỳ do bị rủ rê, lôi kéo phạm tội chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Rõ ràng, bạo lực chưa bao giờ là lựa chọn đúng đắn trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, không ít người vì thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được bản thân mà hành động sai lầm. Những vụ án trên là bài học đắt giá để mỗi người tự soi rọi và học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.