.

Chưa thể hiện được triết lý của môn Lịch sử

.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra bộ đề minh họa trắc nghiệm môn Lịch sử cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017, gồm 40 câu (mỗi câu có 4 phương án lựa chọn gồm A, B, C, D), thời gian làm bài trong 50 phút.

Chưa đề cập đến việc thi trắc nghiệm môn Lịch sử sẽ ảnh hưởng thế nào đến thước đo về chữ nghĩa, câu cú, văn phong, óc phân tích, lập luận khoa học... của học sinh hiện tại và cả sau này khi họ được yêu cầu viết một bài báo cáo/nghiên cứu về chủ đề lịch sử; mà ngay cả việc chỉ mới đọc qua 40 câu trắc nghiệm trong bộ đề minh họa đã thấy rõ người ra đề/Bộ GD&ĐT chưa thể hiện được triết lý tinh túy của môn học này.

Trong 40 câu hỏi minh họa trong bộ đề, người đọc dễ dàng nhận thấy có đến 38 câu hướng đến mục đích để đo trí nhớ sự kiện lịch sử của học sinh (với các dạng câu hỏi lúc nào? ở đâu? là cái gì?), chỉ có 2 câu hỏi (câu 35 và 39) là thuộc dạng để đo tư duy phân tích lịch sử của học sinh.

Một đề thi Lịch sử mà có đến 95% câu hỏi (38 câu) chỉ để kiểm tra trí nhớ của người học, còn để đo sự hiểu biết thu nhận được thông qua tư duy của người học chỉ chiếm 5% (2 câu), có nghĩa là người ra/chọn đề chưa chuyển tải được triết lý của khoa học lịch sử.

Học môn Lịch sử là để nhớ cái gì đã xảy ra, nhớ đến truyền thống lịch sử của cha ông - đó quả là một quan niệm thiên lệch, sai lầm bấy lâu nay luôn chi phối nhiều người biên soạn sách giáo khoa và cả nhà quản lý, bộ chủ quản. Vì thế, sách giáo khoa Lịch sử hiện hành không coi trọng sự hiểu biết có tính thông thái mà chuộng sự chi li, kể lể tiểu tiết và thiên về ghi nhớ sự kiện từng chút một ở phần hiện đại, khiến người dạy bị ảnh hưởng nặng nề và hệ quả tất yếu là học sinh ngày càng chán ghét môn Lịch sử, điểm thi thường rất thấp!

Xưa nay, và cả thế giới hiện nay, người ta giáo dục môn Lịch sử không phải chủ yếu để người học ghi nhớ, mà theo triết lý chú trọng phát triển tư duy, nhận thức của người học về quy luật khách quan của sự vận động, phát triển hoặc suy vong của một cộng đồng/địa phương/dân tộc/quốc gia hay nhân loại, chuyển tải quốc hồn quốc túy, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và giáo dục ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho người học; để người học hiểu được vì sao lịch sử xảy ra như vậy (cả tốt lẫn xấu hoặc bình thường), đồng thời giúp người học biết vận dụng tri thức lịch sử có được vào việc tác động hay hoạch định đường hướng/chính sách/quan hệ đối nội và đối ngoại trong hiện tại cho hợp lý, nhằm gạt bớt những hạn chế, tiêu cực và đưa xã hội/đất nước/nhân loại phát triển theo chiều hướng tích cực/tốt đẹp hơn trong tương lai.

Dẫu biết rằng bộ đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 do Bộ GD&ĐT vừa công bố chỉ mới mang tính minh họa, nhưng rõ ràng đã phản ánh quan niệm lệch lạc về triết lý của môn Lịch sử đang ngự trị trong cả bộ phận được chọn ra đề và bộ chủ quản. Vì vậy, đây là những góp ý hết sức chân tình mang tính chuyên môn để Bộ GD&ĐT tham cứu và sớm điều chỉnh cách xây dựng bộ đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử.

Nếu bộ đề thi trắc nghiệm chính thức môn Lịch sử của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2017 vẫn giữ nguyên cách nhìn và nội dung như bộ đề minh họa hiện nay thì đề thi tốt nghiệp THPT hóa ra cũng chỉ tương tự câu hỏi ở các trò chơi cho vui trên truyền hình không hơn không kém, kiểu như “Ai là triệu phú” hay “Đấu trường 100” chẳng hạn!

Nguyễn Quang Trung Tiến

;
.
.
.
.
.