.

Chật chội bãi tắm

Chưa bao giờ du khách về Đà Nẵng đông như mùa hè vừa qua. Không cần các con số báo cáo, chỉ nhìn vào lượng người tắm ở các bãi biển và số các điểm kẹt xe trên đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa là đủ biết biển Đà Nẵng đang quá tải!

Thế mạnh của du lịch Đà Nẵng là biển. Đà Nẵng đã nỗ lực rất lớn để thu hút du khách đến với biển Đà Nẵng; thế nhưng thật phi lý khi du khách đến với biển Đà Nẵng thì biển Đà Nẵng lại không đủ... chỗ tắm!

Trước đây, khi chưa có đường ven biển thì biển Đà Nẵng có ba bãi tắm chính là Mỹ Khê, T20 và Bắc Mỹ An. Chừng đó bãi tắm đủ cho người Đà Nẵng khi mùa hè về. Nay, sau khi có cầu Sông Hàn thì có thêm bãi tắm Phạm Văn Đồng, thế nhưng lại mất đi bãi tắm Bắc Mỹ An do nhường đất cho các dự án ven biển.

Bãi tắm Bắc Mỹ An ngoài phục vụ cho dân cư địa phương thì qua cầu Tiên Sơn, còn phục vụ cho dân cư quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Mất bãi tắm Bắc Mỹ An, người tắm biển dồn hết về bãi tắm Sao Biển số 1, thế nhưng bãi tắm này bị một dự án chiếm gần như toàn bộ mặt tiền xuống biển. Hôm nào trời nắng nóng, người dân đi tắm biển nhiều thì tầm 4-5 giờ chiều là xảy ra kẹt xe. Xe máy băng qua đường vào bãi, người đi bộ mặc đồ tắm băng qua đường xuống biển, quyết không nhường đường cho ô-tô các loại.

Bãi biển cuối đường Võ Văn Kiệt bị các nhà hàng chiếm dụng. “Thật vô lý, đã thuê khách sạn ở ngay sát biển mà đi tắm phải đi xe điện hoặc phải đi bộ bỏng cả chân mới đến bãi tắm”, nhiều du khách ở các khách sạn trước 10 nhà hàng ven biển than thở. Ngay cả người dân quận Hải Châu qua cầu Rồng đi tắm biển cũng phải dồn về bãi tắm số 2, số 3 chứ không thể tắm được ngay ở bãi tắm Võ Văn Kiệt.

Và vì thế biển T20 trở nên quá tải khi người dân huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và cả người dân quận Hải Châu cũng dồn về đó. Bãi tắm số 2, số 3 chỉ phục vụ vừa đủ cho dân cư qua cầu Sông Hàn.

Biển Đà Nẵng tưởng như rộng vô hạn bỗng hóa ra quá chật chội và đang trở thành trở ngại cho chính định hướng phát triển của mình.

Gần đây, lãnh đạo Đà Nẵng có văn bản chính thức nhắc các khu nghỉ mát không được ngăn biển cấm nhân dân vào tắm. Điều này có lẽ xuất phát từ góc nhìn nhân văn hơn là giải quyết chỗ tắm cho du khách và người dân.

Có lẽ không cách nào khác là Đà Nẵng cần sớm quy hoạch lại bãi biển, dũng cảm di dời 10 nhà hàng và cả khu DanaBeach vào một khu khác, tạo thành một khu ẩm thực hải sản riêng, không chiếm mặt tiền nhìn ra biển nữa. Đà Nẵng sẽ đẹp lên rất nhiều nếu toàn bộ bãi biển là bãi tắm với những dịch vụ tắm biển, vui chơi đẹp. Bên cạnh đó, một con đường song song với với đường Võ Nguyên Giáp dành riêng cho giao thông Bắc-Nam cần sớm được hình thành mới giải quyết được sự quá tải đang ngày càng tăng của đường Võ Nguyên Giáp.

Hồ Trung Tú

;
.
.
.
.
.