.
Xung quanh tuyến bài "Đi tìm cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng"

Đơn vị chủ quản Bệnh viện Ung thư giải trình

.

LTS: Báo Đà Nẵng ngày 16, 17, 18 và 19-6 đăng tuyến bài “Đi tìm cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT)”, phản ánh những vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý BVUT của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố và những bất cập, khó khăn hiện nay mà bệnh viện gặp phải, đồng thời tìm giải pháp để quản lý bệnh viện hiệu quả hơn.

Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. 	               Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Sau khi đăng tải bài viết nói trên, ngày 22-6, Báo Đà Nẵng nhận được Công văn số 43/HBT của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố, do bà Nguyễn Thị Vân Lan – Phó Chủ tịch Hội ký, giải trình một số nội dung trong bài báo. Để rộng đường dư luận, Báo Đà Nẵng xin đăng nội dung công văn này.

Trước hết, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng xin chân thành cảm ơn Báo Đà Nẵng đã quan tâm đăng liên tiếp các bài về BVUT. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận và nhân dân thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư nghèo đối với BVUT Đà Nẵng.

BVUT Đà Nẵng được khởi công xây dựng ngày 29-3-2009, đến ngày 19-1-2013 đưa vào hoạt động. Đây là một công trình mang tính xã hội hóa rất cao bởi do một tổ chức xã hội từ thiện đứng ra vận động xây dựng với mục đích rõ ràng là “Xây dựng tại thành phố Đà Nẵng một bệnh viện chuyên khoa ung thư để người dân miền Trung có nơi đến khám tầm soát và chữa bệnh, có cơ chế miễn giảm viện phí cho bệnh nhân ung thư nghèo, có bếp từ thiện và nhà lưu trú miễn phí cho người nhà bệnh nhân”.

Với mục đích nhân đạo đó, BVUT đã được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của ngân sách Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, từ sự đóng góp bằng tiền và hiện vật của các nhà tài trợ cả trong lẫn ngoài nước… Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 4 năm, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là tình hình khó khăn trong nước… nhưng BVUT đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động, tăng thêm một cơ sở khám chữa bệnh khang trang bề thế trên địa bàn Đà Nẵng.

Đến nay, qua gần 30 tháng hoạt động (từ tháng 1-2013 đến tháng 6-2015), BVUT đã bước đầu khẳng định là một bệnh viện chuyên khoa của khu vực, đã tiếp nhận khám chữa bệnh cho 59.685 lượt bệnh nhân, trong đó có 17.666 lượt bệnh nhân nội trú.

Điều mà BVUT thực hiện được tôn chỉ mục đích ban đầu và nhiệm vụ của thành phố giao cho là đã miễn giảm viện phí cho 4.350 lượt bệnh nhân ung thư nghèo với số tiền 4.897.443.024 đồng. Bếp từ thiện đã phát 583.439 suất cháo miễn phí cho bệnh nhân. Nhà lưu trú của bệnh viện đã bố trí 1.804 lượt người nhà bệnh nhân nghỉ miễn phí. Tổ chức khám tầm soát ung thư vú miễn phí cho 1.300 phụ nữ nghèo trên địa bàn Đà Nẵng. Đây không chỉ là những con số mà thể hiện rõ tính nhân đạo nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta.

Với trách nhiệm được giao là chủ đầu tư và đến nay là chủ sở hữu của BVUT, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng thấy rất rõ trách nhiệm nặng nề của mình trước lãnh đạo thành phố, trước nhân dân, trước các nhà tài trợ và bệnh nhân ung thư. Do đó, mọi nguồn thu chi của Hội, của BVUT đều được theo dõi, phản ánh và hạch toán đầy đủ, rõ ràng trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hằng năm theo quy định của Nhà nước.

Về một số số liệu mà bài báo “Lúng túng trong việc quản lý” đã nêu, chúng tôi xin giải trình cụ thể như sau:

1- Doanh thu của BVUT năm 2014:

- Có báo cáo nêu 110.154.973.837 đồng. Có báo cáo nêu 113.886.105.688 đồng, chênh nhau hơn 3 tỷ đồng. Rõ ràng báo cáo có đưa tiền miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nghèo vào sẽ là 113.886.105.688 đồng. Sau khi thống nhất không đưa vào (vì do Hội chi nên không đưa vào), doanh thu của bệnh viện nên doanh thu của bệnh viện năm 2014 là 110.154.973.837 đồng.

2- Vận động quỹ Hội 12 năm là 279.712.098.786 đồng. Đây là con số thực chất nhà tài trợ chuyển vào tài khoản của Hội để Hội chi thực hiện các chương trình mục tiêu của Hội (không đưa vào các nguồn tài trợ không chuyển vào tài khoản Hội mà được chuyển thẳng vào tài khoản của BVUT để mua trang thiết bị y tế cho bệnh viện và các khoản tài trợ nhà tài trợ chuyển trực tiếp đến các bệnh viện để hỗ trợ chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em và chuyển trực tiếp cho các đối tượng (phát quà trong các dịp lễ, Tết…)).

3- Số tiền 504,6 tỷ đồng Hội vận động tài trợ cho BVUT là Hội đưa toàn bộ giá trị vận động cả tiền và hiện vật, bao gồm cả tiền mua trang thiết bị y tế mà nhà tài trợ chuyển vào tài khoản của BVUT cũng như toàn bộ hiện vật từ hệ thống cây xanh quanh bệnh viện, các tượng, ghế đá đặt ngoài công viên bệnh viện, đầu tư cho bếp ăn từ thiện, hệ thống quạt, 3 xe cứu thương, 400 giường y tế của Mỹ-Nhật tài trợ… mà các nhà tài trợ cung cấp trực tiếp cho bệnh viện (vì kết quả vận động của Hội bao gồm cả tiền và hiện vật).

4- Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư ngày 1-6-2015 có nêu “trong tổng nguồn vốn bố trí cho BVUT, nguồn vận động được chỉ có khoảng 95,5 tỷ đồng” khác với con số 504,6 tỷ đồng.

Chúng tôi không biết con số 95,5 tỷ đồng căn cứ vào đâu? Chỉ riêng ngành ngân hàng tài trợ để mua máy xạ trị thứ 2 và một số máy khác trong năm 2014 chuyển trực tiếp cho BVUT đã 134,5 tỷ đồng, chưa kể toàn bộ tiền và hiện vật do Hội vận động cho BVUT (như nêu trên) thì rõ ràng có sự khác nhau và tất cả hiện vật trên đều đã được đưa vào sử dụng tại bệnh viện.

5- Bài báo nêu “việc quản lý thu chi tài chính của Hội có nhiều điểm chưa thống nhất; từ khâu đầu tư cho BVUT đã không rõ ràng và có sự chồng chéo; huy động quỹ Hội cũng có nhiều điểm thiếu thống nhất”.

Chúng tôi nhận thiếu sót là có một số số liệu chưa thống nhất trong các lần báo cáo nhưng đây chỉ do cách tính ban đầu khi báo cáo chưa hoàn chỉnh nhưng chúng tôi phải mail đến Văn phòng Thành ủy, UBND, HĐND để báo cáo cho kịp thời gian.

Còn báo cáo chính thức với số liệu đầy đủ đã được điều chỉnh qua sự thống nhất giữa Hội với BVUT thì đến ngày 1-6-2015, Hội mới gửi bằng văn bản (với quan điểm cái gì Hội nêu thì BVUT không nêu như chênh lệch doanh thu trên 3 tỷ đồng; khoản nào nhà tài trợ chuyển trực tiếp vào tài khoản của BVUT, chuyển trực tiếp cho đối tượng thì Hội không đưa vào quỹ Hội mà chỉ nêu ở kết quả vận động). Tất cả các khoản thu, chi này đều được Ban Kiểm tra của Thành Hội, Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên của Công ty TNHH MTV BVUT kiểm tra định kỳ, chặt chẽ.

Như vậy, việc quản lý thu chi tài chính của Hội từ khâu đầu tư, huy động quỹ Hội đều hết sức rõ ràng chặt chẽ. Chúng tôi không để tình trạng “một con gà báo thành 4 con gà” mà khoản nào vào tài khoản của đơn vị nào thì đơn vị đó có trách nhiệm báo cáo quyết toán đầy đủ với các cơ quan chức năng để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Trong năm 2013-2014, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước khu vực III đã làm việc với Hội và BVUT đã có kết luận là đơn vị đã thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

Hội làm bản giải trình này, kính mong đồng chí Tổng biên tập và Báo Đà Nẵng – tiếng nói chính thống của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng - kịp thời thông tin lại trên Báo Đà Nẵng để giúp lãnh đạo thành phố, nhân dân thành phố, các nhà tài trợ và đặc biệt là bệnh nhân ung thư hiểu rõ hơn kết quả hoạt động ban đầu cũng như mục tiêu nhân đạo nhân văn của bệnh viện mà các đồng chí lãnh đạo thành phố, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Bá Thanh, cố Chủ tịch Hội đã rất tâm huyết xây dựng nên.

BVUT Đà Nẵng là một bệnh viện đặc thù do một hội nhân đạo từ thiện vận động xây dựng nên, hoạt động vì mục đích nhân đạo, chưa có tiền lệ nên hiện nay các đồng chí lãnh đạo của thành phố cũng hết sức quan tâm để sớm xác định rõ mô hình, cơ chế giúp BVUT hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng được mục tiêu ban đầu của lãnh đạo thành phố đề ra là khám chữa bệnh cho nhân dân, trong đó có miễn giảm viện phí cho bệnh nhân ung thư nghèo, có bếp từ thiện và nhà lưu trú miễn phí cho người nhà bệnh nhân mà chưa có bệnh viện nào trong cả nước thực hiện được.

Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: Hội chưa đủ năng lực quản lý bệnh viện

Chúng tôi hoan nghênh Báo Đà Nẵng đã có tuyến bài phản ánh đúng, kịp thời vấn đề dư luận đang quan tâm, làm rõ được những khía cạnh mang tính xã hội, hành chính, y tế, kinh tế, nhân sự để có định hướng cho người đọc về vấn đề tìm mô hình quản lý đối với BVUT. Theo tôi, trong thời gian qua, việc quản lý BVUT không thuộc một dạng nào rõ ràng…

Coi BVUT là cơ sở y tế ngoài công lập là một sự nhầm lẫn hoặc cố tình gọi tên một cách không chính xác (nếu xét ở góc độ cơ chế đầu tư). Kinh phí đầu tư cho BVUT (chưa kể tiền đất) hầu hết là từ ngân sách Nhà nước và nhân sự phần nhiều cũng trong biên chế Nhà nước điều về, nên nói rằng đây là cơ sở y tế ngoài công lập là ngộ nhận. Mặt khác, dù bệnh viện có sự đóng góp quan trọng của các nhà hảo tâm thông qua sự vận động của Hội, nhưng sự đóng góp đó không thể thay thế sự đầu tư của Nhà nước và chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong toàn bộ kinh phí hoạt động của bệnh viện.

Thực tế cho thấy, với mô hình quản lý không rõ ràng như BVUT hiện nay thì nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về nghiệp vụ thì ai chịu trách nhiệm chỉ đạo? Không thể nói xã hội đóng góp tiền và Hội vận động tài trợ vào thì chịu trách nhiệm, bởi các nhà hảo tâm và Hội không phải nhà chuyên môn nên không thể chỉ đạo và quyết định những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ.

Tôi nghĩ, Hội không nên là cơ quan quản lý bệnh viện vì không phù hợp với chức năng và trong tình hình hiện nay cũng chưa đủ năng lực, điều kiện để quản lý, đặc biệt là đối với một lĩnh vực điều trị đặc thù như bệnh ung thư. Nếu nói đến năm 2018, BVUT tự cân đối tài chính là suy nghĩ chủ quan duy ý chí, bất chấp những bất cập, lúng túng và khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, không dễ khắc phục.

Phương pháp tư duy như vậy không phù hợp để quản lý một bệnh viện chuyên ngành lớn, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của bệnh viện. Về cơ chế quản lý, theo tôi, nên chuyển bệnh viện thành một cơ sở y tế công lập do Nhà nước quản lý thông qua ngành y tế.

Cần phải xây dựng một mô hình quản lý phù hợp với cơ chế đó và có chính sách rõ ràng về nghĩa vụ tài chính của bệnh nhân (diện chính sách, bệnh nhân nghèo, bệnh nhân điều trị theo yêu cầu…). Cũng có thể xem xét nếu Trung ương đồng ý thì nên giao về Trung ương (Bộ Y tế) quản lý vì sẽ có sự đầu tư tốt hơn về quản lý, kinh phí, chuyên môn, thiết bị, nhân lực để chữa bệnh cho người dân khu vực miền Trung.

Bà Lê Thị Na (40 tuổi, ở quận Thanh Khê): Muốn bệnh viện về hệ thống công lập

Người dân chúng tôi thì tâm lý chung hầu hết đều thích khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập. Riêng với BVUT, tôi mong muốn bệnh viện sẽ được chuyển về công lập bởi tôi nghĩ rằng nếu là bệnh viện công thì người dân, nhất là người nghèo, sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Còn nếu BVUT trở thành bệnh viện tư thì khi hoạt động phải tính đến yếu tố lợi nhuận, mà với bệnh nhân ung thư hầu hết là nghèo, thì liệu có được hưởng nhiều ưu đãi nữa hay không?

Bà Hồ Thị Xuân Hiệp, nguyên Cục trưởng Cục Thuế thành phố Đà Nẵng: Công lập mới bảo đảm tài chính để bệnh viện hoạt động

Tôi ủng hộ phương án chuyển đổi mô hình quản lý BVUT Đà Nẵng về công lập. Chỉ khi chuyển đổi về công lập mới có thể bảo đảm về vấn đề tài chính để BVUT hoạt động và phát triển lâu dài, đúng với mục đích ban đầu. Hơn nữa, Hội là một tổ chức nhân đạo từ thiện xã hội chứ không phải là một hội chuyên ngành. Mà đã không phải là một hội chuyên ngành lại đứng ra điều hành bệnh viện chuyên ngành thì không đúng chức năng và không đủ năng lực xử lý về chuyên môn, tài chính để đưa bệnh viện phát triển đi lên.

Theo tôi, nếu để mô hình BVUT theo hướng đơn vị sự nghiệp công ích cũng không ổn lắm. Vậy đơn vị chủ quản là ai? Cũng không thể là Hội được, bởi liên quan đến vấn đề nhân sự, độ tuổi của lãnh đạo bệnh viện như thế nào là phù hợp?

Ông Lê Bá Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng: Cần sự đầu tư, quản lý của Nhà nước

Tôi đồng ý với quan điểm nên đưa BVUT về công lập. Luật ngân sách không cho phép công ty TNHH lại nhận hỗ trợ thường xuyên từ ngân sách Nhà nước. Nếu để BVUT dần dần tự cân đối thu chi là điều khó thực hiện được. Phải có sự đầu tư, quản lý của Nhà nước thì một bệnh viện đặc thù như BVUT mới có thể tồn tại và phát triển.

BS Mai Năm: Nên xã hội hóa BVUT

Tôi từng làm việc cùng ông Mark Conroy (nguyên Giám đốc quốc gia tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, hiện là cố vấn của tổ chức này). Ông có 21 năm làm bạn với ông Nguyễn Bá Thanh. Hai ông đã đồng hành trên hành trình thiện nguyện, thậm chí từng trải qua những đợt hóa trị nhằm ngăn cản sự phát tán của tế bào ung thư quái ác tại cùng một bệnh viện ở Mỹ.

Chứng kiến hành trình kêu gọi tài trợ để xây dựng bệnh viện của ông Thanh, ông Mark cho rằng, đây là điều mà không phải ai ở địa vị của ông Thanh có thể làm được. Ước mơ xây dựng bệnh viện cho người nghèo chỉ trở thành hiện thực bởi quyết tâm và tình thương thật sự dành cho người dân của ông Nguyễn Bá Thanh. Với tất cả những tình cảm này, ông Mark hy vọng rằng, BVUT sẽ được xã hội hóa và đặt tên là Nguyễn Bá Thanh như một lời tri ân dành cho người lãnh đạo luôn xem lợi ích của nhân dân là tối thượng.

Xã hội hóa có thể thu hút nhiều hơn các nguồn lực đầu tư vào bệnh viện. Tuy nhiên, xã hội hóa vẫn phải có sự giám sát của nhà nước nếu không bệnh viện sẽ chịu nhiều rủi ro và dẫn đến lệ thuộc từ các đối tác bên ngoài. Tôi nghĩ là nếu trở thành bệnh viện tư nhân, mang tên Nguyễn Bá Thanh là một hướng cần suy nghĩ nghiêm túc.

Nguyễn – Lê ghi


(*) Tít bài do Tòa soạn đặt.

;
.
.
.
.
.