.
Đi tìm cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng

Bài 2: Lúng túng trong quản lý

.

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (BVUT) được giao cho một tổ chức từ thiện xã hội làm chủ đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, lúng túng, bất cập trong quản lý là điều khó tránh khỏi.

Nhiều loại máy móc, thiết bị của BVUT đã đến thời kỳ duy tu, bảo dưỡng nhưng chưa có kinh phí thực hiện.
Nhiều loại máy móc, thiết bị của BVUT đã đến thời kỳ duy tu, bảo dưỡng nhưng chưa có kinh phí thực hiện.

Những con số thiếu thống nhất

Theo tài liệu mà chúng tôi có được, việc quản lý thu, chi tài chính của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (gọi tắt là Hội, đơn vị được xem là chủ sở hữu bệnh viện này) có nhiều điểm chưa thống nhất. Ngay từ khâu đầu tư cho BVUT đã không rõ ràng và có sự chồng chéo trong các nguồn vốn đầu tư.

Trong báo cáo ngày 1-6-2015 của Hội về “Tình hình hoạt động của BVUT và những đề xuất về cơ chế hoạt động bệnh viện” gửi lãnh đạo thành phố, doanh thu năm 2014 của BVUT là 110.154.973.837 đồng; còn chi phí trong năm 2014 của BVUT là 130.154.973.837 đồng, thiếu hụt đúng 20 tỷ đồng mà thành phố đã phải trích ngân sách để hỗ trợ cho bệnh viện.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là trong báo cáo của Hội cung cấp cho phóng viên thì doanh thu của BVUT năm 2014 là 113.886.105.688 đồng (từ nguồn BHYT và thu viện phí). Còn trong một báo cáo khác gửi UBND thành phố, doanh thu năm 2014 của bệnh viện là 110.154.973.837 đồng (chênh lệch hơn 3 tỷ đồng). Trong khi đó, số tiền 3,1 tỷ đồng thực hiện miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nghèo thì được bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội, khẳng định là không tính vào doanh thu của bệnh viện (!).

Không chỉ có thu, chi tài chính mà trong việc huy động quỹ Hội cũng có nhiều điểm thiếu thống nhất. Chẳng hạn trong báo cáo của Hội ngày 21-5-2015 về “tình hình hoạt động của Hội, các đơn vị trực thuộc Hội và một số kiến nghị” gửi lãnh đạo thành phố, từ khi thành lập đến nay (12 năm), Hội đã vận động được hơn 279 tỷ đồng quỹ hội. Thế nhưng, cũng trong báo cáo ngày 1-6-2015 của Hội gửi lãnh đạo thành phố, vốn do Hội vận động tài trợ (cả tiền và hiện vật cho BVUT) là 504,6 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng số tiền huy động cho BVUT đã gần gấp đôi số tiền quỹ Hội vận động được trong 12 năm qua (!?).

Mặc dù trong 12 năm ấy, Hội đã thực hiện khá nhiều chương trình khác ngoài việc đầu tư cho BVUT như: chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh tại cộng đồng, hỗ trợ Làng Hy Vọng, hỗ trợ Bệnh viện Phụ nữ… Trong khi đó, báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư Đà Nẵng ngày 1-6-2015 gửi UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, trong tổng nguồn vốn đã bố trí cho BVUT, nguồn vận động được chỉ có khoảng 95,5 tỷ đồng, khác với con số 504,6 tỷ đồng mà Hội báo cáo.

Ngân sách cấp để… chi thường xuyên

Năm 2014, BVUT có 400 giường bệnh và mức thành phố đầu tư cho một giường bệnh là 70 triệu đồng/giường, cao hơn hẳn con số 56 triệu đồng/giường mà ngân sách thành phố đầu tư cho Bệnh viện Đà Nẵng (bệnh viện tuyến 1 trực thuộc thành phố)… Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ năm 2014 là 20 tỷ đồng/năm (tính trên giường bệnh), và không thu tiền sử dụng đất cùng nhiều ưu đãi khác. Thế nhưng, BVUT vẫn gặp khó khăn.

Bác sĩ Trịnh Lương Trân, Giám đốc BVUT cho biết, hiện tại, nhiều loại máy móc, thiết bị đã đến thời kỳ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhưng đầu tiên là… tiền đâu? “Thêm 20 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước chỉ đủ trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Hiện có 2 máy dự trù phải duy tu tốn khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng lấy đâu ra tiền để thực hiện”, ông Trân nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần như toàn bộ bệnh nhân khám bệnh tại bệnh viện thuộc diện BHYT. Mức thu viện phí tại BVUT áp dụng theo mức HĐND thành phố ban hành, tương đương 77% giá viện phí Bộ Y tế quy định. Trong giá viện phí tại bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế chỉ cơ cấu 3 thành phần: chi thuốc men, y cụ, tiền điện, nước, khử khuẩn, tu bổ một phần nhỏ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, vật tư tiêu hao.

Còn những khoản như: tiền lương, tiền công, khấu hao tài sản, duy tu bảo dưỡng, nghiên cứu, đào tạo… không cơ cấu vào giá viện phí nên giá thu hiện tại của bệnh viện đều không có những khoản đó. Trong khi, nghịch lý là bệnh viện vận hành thì cần nhiều nguồn thu đầy đủ như thế.

“Hiện tại, nếu không thay đổi cơ cấu đầu vào (tức là giá viện phí) thì không đủ chi phí. Cho nên, những khoản chi phí đó đang được thành phố cấp bằng 20 tỷ đồng/năm. Giờ nói BVUT phải tăng thu dịch vụ để bù vào khoản 20 tỷ đồng đó thì đối tượng nào có thể thu dịch vụ? Bệnh viện chủ yếu chữa trị cho bệnh nhân ung thư, hầu hết là người nghèo, thì làm sao có thể thu được?”, bà Sử Thị Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BVUT nêu quan điểm.

Như vậy, số tiền 20 tỷ đồng thành phố hỗ trợ BVUT trong năm 2014 để “đặt hàng” cho bệnh viện tính trên số giường bệnh thực chất hiện nay không phải chi cho người bệnh mà để trả tiền lương, tiền công và một phần chi phí đào tạo, vận hành thiết bị, máy móc của bệnh viện. Điều đó trái với Luật Ngân sách, như Công văn 2943/BTC-NSNN ngày 10-3-2014 của Bộ Tài chính đã nêu. Như vậy, nếu không tìm được nguồn kinh phí để duy trì hoạt động mà cứ trông chờ vào ngân sách như hai năm 2014 và 2015 thì BVUT sẽ tiếp tục gặp khó khăn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám và điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Bài và ảnh: NGUYỄN - LÊ

;
.
.
.
.
.