.

Y tế Đà Nẵng "lột xác"

.

Không chỉ giúp người Đà Nẵng bớt gánh nặng đi xa điều trị, việc phát triển các bệnh viện trên địa bàn thành phố còn theo hướng đưa Đà Nẵng trở thành một địa chỉ du lịch chữa bệnh lý tưởng.

Y tế Đà Nẵng phát triển theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu.
Y tế Đà Nẵng phát triển theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu.

5 năm trở lại đây, ngành y tế Đà Nẵng có cuộc “lột xác” thực sự về quy mô cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn. Sự ra đời các bệnh viện công, tư với hình thức đẹp hơn, chất lượng chuyên sâu và thái độ phục vụ tốt hơn minh chứng cho điều này.

Đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu

Trên một địa bàn có khoảng 1 triệu dân, Đà Nẵng có 1 bệnh viện đa khoa, 7 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm và chi cục, 7 trung tâm y tế quận, huyện, 56 trạm y tế xã, phường và 1 trạm quân dân y kết hợp, thuộc Sở Y tế quản lý. Bên cạnh đó, còn phải kể đến 5 bệnh viện thuộc Bộ, ngành Trung ương, quân đội và 8 bệnh viện tư nhân cùng 22 phòng khám tư. Cứ 10.000 dân Đà Nẵng thì có trên 61 giường bệnh và gần 14 bác sĩ.

Với mật độ cơ sở y tế như hiện nay, người dân Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận nơi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, không chỉ nhiều về số lượng, các bệnh viện, phòng khám còn phát triển về chuyên môn, qua đó can thiệp được nhiều ca bệnh khó, phức tạp cho cả người bệnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Những năm gần đây, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung thư, Trung tâm xạ trị - Y học hạt nhân và sắp đến là Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng ra đời cho thấy sự chuyên sâu trong điều trị. Ngoài chăm sóc cho bệnh nhân trong và ngoài thành phố (bệnh nhân ngoại tỉnh chiếm 30%), các đơn vị này còn đóng vai trò đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ sở y tế tuyến dưới và ở những địa phương lân cận.

Các bệnh viện chuyên khoa như: Y học cổ truyền, Tâm thần, v.v… cũng ghi dấu ấn với những đột phá. Cụ thể, Bệnh viện Y học cổ truyền thực hiện thành công cai nghiện bằng phương pháp châm cứu; Bệnh viện Tâm thần giúp hỗ trợ trẻ tự kỷ, rối loạn chức năng phát triển, v.v…

Một số thành công khác đáng kể của Đà Nẵng là khống chế tốt dịch bệnh, nhiều năm liền không để xảy ra tử vong mẹ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ngày càng giảm, và tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế được xếp vào mức cao nhất nước…

Sự “trỗi dậy” của y tế tư nhân

Từ 2 bệnh viện tư vào năm 1997, đến nay, Đà Nẵng có 8 bệnh viện tư nhân xứng đáng là “đối thủ” của các bệnh viện lớn. 300 giường của khối y tế tư nhân chiếm 7,2% tổng số giường bệnh trên toàn thành phố. Đặc biệt, năm 2014, bệnh viện tư trở thành địa điểm “hút” bệnh nhân nội trú hơn nhiều bệnh viện công.

Theo số liệu từ Sở Y tế thành phố, năm qua, bệnh nhân điều trị nội trú trên toàn địa bàn đạt gần 283.000 người. Bệnh nội trú tuyến thành phố tăng 3,93%, trong khi tuyến y tế tư nhân tăng đến 34,14%. Công suất sử dụng giường bệnh ở bệnh viện tư cũng tăng 19,68% so với năm 2013.

Mới đây, trong buổi đến thăm một số bệnh viện tư, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, y tế tư nhân là sự bổ sung cần thiết cho ngành y nói chung. Không chỉ tạo cuộc cạnh tranh lành mạnh mà các bệnh viện và phòng khám tư nhân còn giúp người bệnh có thêm nhiều sự lựa chọn chăm sóc sức khỏe.

Đến Bệnh viện đa khoa Gia đình, nhiều bệnh nhân “xuýt xoa” như có cảm giác bước vào khách sạn sang trọng. Tại Bệnh viện Tâm Trí, đội ngũ bác sĩ tự hào khi “xét nghiệm nào làm ở Bệnh viện Đà Nẵng được thì Tâm Trí cũng làm được”. Bệnh viện Hoàn Mỹ thì vững chắc với một chỗ đứng trong khối y tế tư nhân, v.v…

Đà Nẵng là thành phố du lịch, trong đó có du lịch chữa bệnh. Ở khía cạnh này, y tế tư nhân đóng góp phần quan trọng để biến ý tưởng thành hiện thực.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.