.

Nâng cao nhận thức về sức khỏe tình dục

.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn và đặc trư­ng là sự phát triển mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, tình cảm và khả năng hòa nhập cộng đồng. Trẻ vị thành niên và thanh-thiếu niên từ 10-30 tuổi hiện chiếm 40% dân số của Việt Nam.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền được tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền được tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Ngoài những tiến bộ trong công tác chăm sóc sinh sản và sức khỏe tình dục cho tuổi vị thành niên, một vấn đề đáng ngại là tỷ lệ mang thai ở lứa tuổi này tăng rất cao (35,4% ở nhóm 15-19 tuổi, 34,6% ở nhóm 20-24 tuổi), trong lúc những cơ sở cung cấp dịch vụ chưa thể đáp ứng nhu cầu trước mắt. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên và thanh niên là yêu cầu cần thiết.

Việc chăm sóc SKSS giúp vị thành niên và thanh niên có lối sống lành mạnh, chuẩn bị tốt việc hướng nghiệp để tạo dựng t­ương lai vững chắc cho thanh niên. Chăm sóc SKSS h­ướng thanh niên đến những suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu, để tiến tới hôn nhân khi trưởng thành; có đủ điều kiện về sức khỏe, vật chất và tinh thần sinh con và nuôi con. Điều này sẽ là nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Xã hội ngày nay tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, cách nhìn của xã hội cởi mở hơn về chuyện tình dục, các dịch vụ xã hội cũng dễ dãi hơn. Ngoài ra, trong giáo dục, ngoài chuyện thiếu thông tin, kiến thức về SKSS, bản thân giáo viên thiếu kỹ năng để giảng dạy và vẫn có tâm lý e ngại.

Một thực tế hiện nay là nhiều bậc cha mẹ băn khoăn về việc khi nào sẽ bắt đầu giáo dục giới tính cho con mình và giáo dục như­ thế nào. Không ít ngư­ời nghĩ rằng, vẫn cần giấu giếm những thông tin về sinh lý vì con mình ch­ưa đủ lớn và làm như­ vậy là “vẽ đ­ường cho h­ươu chạy”. Điều đó đã gây cho tuổi mới lớn những mặc cảm, xấu hổ, dẫn đến việc họ không dám chia sẻ những khúc mắc về những biến đổi tâm sinh lý và không biết cách phòng ngừa khi sự việc đã rồi. Vì vậy, sự gắn kết giữa nhà tr­ường, gia đình, xã hội - 3 môi trường giáo dục SKSS cho vị thành niên và thanh niên - là rất cần thiết.

Tại Đà Nẵng, nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm giúp vị thành niên và thanh niên nâng cao nhận thức và hành vi về chăm sóc SKSS, thu hút hàng nghìn học sinh và sinh viên tham gia. Thông qua hoạt động truyền thông, nói chuyện chuyên đề, tư vấn đã cung cấp l­ượng kiến thức nhất định về SKSS, về sinh lý tuổi dậy thì, tình dục an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, tác hại của nạo phá thai, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tác hại của việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai...

Tuy nhiên, chăm sóc SKSS cho vị thành niên và thanh niên là công việc không phải một sớm một chiều mà cần có sự phối kết hợp cả ba môi trường nhà trường, gia đình và xã hội; đòi hỏi sự khéo léo trong việc phát hiện những thay đổi về tâm sinh lý, về mối quan hệ giữa tình bạn - tình yêu - hôn nhân và gia đình tuổi vị thành niên, từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời. Đây không phải chỉ là nhiệm vụ chung của ngành y tế, của những người làm công tác DS- KHHGĐ mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà tr­ường và gia đình cùng phối hợp thực hiện.

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.