.

Hiệu quả từ chương trình Methadone

.

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được áp dụng ở Đà Nẵng vào tháng 9-2011. Đến nay, chương trình ghi nhận những thay đổi vượt bậc nơi người từng nghiện chích ma túy, giúp họ tìm lại cuộc đời bị đánh mất trong “cái chết trắng”.

Đối tượng tham gia điều trị Methadone cần phải có sự theo dõi sát sao và tư vấn tâm lý của bác sĩ điều trị.
Đối tượng tham gia điều trị Methadone cần phải có sự theo dõi sát sao và tư vấn tâm lý của bác sĩ điều trị.

Tiếp xúc với chị N.T.T.L (SN 1988) khó ai có thể nghĩ chị từng có một khoảng thời gian gần 5-6 năm nghiện chích heroin. Gia đình, hàng xóm cũng không thể ngờ chị thay đổi nhanh như vậy. Tất cả là nhờ vào điều trị Methadone. Chị L. tham gia chương trình từ tháng 6-2011. Bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, Trưởng Cơ sở điều trị Methadone số 2 vẫn còn nhớ như in hình ảnh chị ngày đầu tới cơ sở với hai điếu thuốc dắt hai bên mang tai, đội chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp và mắt lim dim trong cơn phê thuốc. Còn bây giờ, chị L. luôn là thành viên điều trị tích cực nhất của trung tâm. Chị L. thành thật chia sẻ: “Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi điều trị Methadone. Tôi không còn thèm hay nghĩ tới thuốc nữa. Tôi tránh xa hoàn toàn với những bạn bè xấu mà trước đây đã cù rủ mình vào con đường nghiện ngập. Hàng xóm thương tôi lắm mà do trước đây mình chơi nên họ e ngại. Cha mẹ giờ đã tin tưởng tôi, không khí gia đình đã vui vẻ trở lại. Hơn hết, là tôi có được công ăn việc làm ổn định để làm lại cuộc đời mình”. Nhận thấy nhiều điều tích cực từ chương trình mang lại, chị L. đã giới thiệu khá nhiều bạn bè cùng tham gia điều trị.

Nói về hiệu quả của chương trình, bác sĩ Đoan Trinh cho biết, điều dễ nhận thấy nhất là những lời cảm ơn rối rít của người nhà và sự tuân thủ nghiêm ngặt chương trình điều trị của người bệnh - đối tượng thường có thái độ, hành vi hung hăng, tính cách nóng nảy. “Trước đây nhà cửa không còn gì để mà mất vì cứ hễ để ra là bị con cái lấy đi bán để mua thuốc chích. Bây giờ nhìn con mình trưởng thành, khỏe mạnh, tích cực sống là điều mà các bậc cha mẹ không thể ngờ tới”, bác sĩ Trinh nói.

Methadone thực chất là một dạng thuốc phiện, được sử dụng trong chương trình cai nghiện ma túy. Theo đó, người nghiện muốn uống thuốc Methadone phải qua đăng ký và đảm bảo các điều kiện gắt gao, đặc biệt là phải uống tại chỗ. Tính đến ngày 1-4, có tổng cộng 285 bệnh nhân đang được điều trị ở cả 2 cơ sở, trong đó có 32 người ngoại tỉnh, chủ yếu là ở Quảng Nam. Hiện nay tại Đà Nẵng chương trình điều trị Methadone được áp dụng hoàn toàn miễn phí.

Không phải ai cũng có cơ hội học nghề và kiếm được việc làm ổn định như chị L. Hiện nay, đối tượng điều trị Methadone không được xem là đối tượng cai nghiện hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng nên những chính sách hỗ trợ những đối tượng này vẫn còn hạn chế. Bác sĩ Trinh cho hay: “Khó tìm được công ăn việc làm, rảnh rỗi lại la cà với bạn bè, bị cù rủ trở lại con đường nghiện chích là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Rất nhiều bệnh nhân tâm sự với tôi họ vẫn còn bị kỳ thị nơi cộng đồng và rất khó khăn trong tìm việc làm”.

Không chỉ vấn đề việc làm, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiện nay chỉ có Đà Nẵng và Quảng Trị là hai địa phương có cơ sở điều trị Methadone. Bệnh nhân tham gia chương trình điều trị càng lâu càng tốt và bắt buộc phải đến uống thuốc mỗi ngày tại cơ sở kèm theo đó là sự theo dõi sát sao, tư vấn tâm lý, nhận thức, hành vi của bác sĩ điều trị. Do vậy, bệnh nhân muốn đi làm ăn xa rất khó vì không có cơ sở điều trị khiến cho quá trình điều trị bị gián đoạn. Có khá nhiều bệnh nhân khi đến các địa phương khác không chịu được cơn thèm thuốc đã trở lại con đường hút chích.

Đà Nẵng là một trong những địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh. Các bác sĩ, tư vấn viên tại 2 cơ sở cho phép người bệnh đến uống thuốc bất cứ giờ nào trong ngày, thậm chí là 6 giờ sáng hoặc 7 giờ tối. Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, khi đến làm việc tại những địa phương có cơ sở điều trị Methadone, người bệnh phải sắp xếp thời gian, công việc đến uống thuốc trước 11 giờ sáng mỗi ngày, bỏ thuốc một ngày sẽ bị ra khỏi chương trình. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi, cả người bệnh, người nhà và bác sĩ điều trị, ngoài việc bệnh nhân tích cực tham gia chương trình là cơ hội tìm được việc làm. Có việc làm, họ mới ổn định cuộc sống, tránh xa lối sống không lành mạnh”, bác sĩ Trinh nói.

Hãy đến với chúng tôi

Đừng mặc cảm! Hãy bắt đầu cuộc sống mới

Nếu bạn có nhu cầu tư vấn cai nghiện ma túy, hãy đến với Văn phòng tư vấn Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng để được tư vấn, giúp đỡ, giới thiệu các hình thức cai nghiện và các biện pháp quản lý để giúp người nghiện ma túy có cơ hội từ bỏ ma túy.

Văn phòng tư vấn Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng.

Địa chỉ: Số 55 Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Điện thoại: 05113.910.506 hoặc 05113.986.644.

Thời gian làm việc: Từ 7 giờ 30 đến 17 giờ vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.