.

Cà-phê... bẩn

.

Những ngày cuối tháng 10, phóng viên Báo Đà Nẵng đã thâm nhập thực tế để ghi nhận hoạt động sản xuất, chế biến cà-phê tại một cơ sở và không khỏi giật mình khi chứng kiến cảnh hoạt động, pha chế của lò sản xuất cà-phê bẩn ở cạnh chùa Kim Sơn (thuộc khu phố Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).

Những thùng hóa chất dùng để pha chế cà-phê. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Những thùng hóa chất dùng để pha chế cà-phê. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Cà-phê ở đây được trộn đủ loại từ bắp, đậu nành, bơ, hóa chất… Chung quanh khu vực lò sản xuất cà-phê này là những bức tường rào cao quá đầu người với duy nhất một cửa ra vào, nên chỉ cần người lạ bước vào thì bị phát hiện ngay lập tức.

Nhiều loại “nước lạ” trộn trong cà-phê

Vừa đến khu vực chùa Kim Sơn, chúng tôi đã nghe mùi cà-phê rang cháy khét nghẹt phả ra từ bên trong lò chế biến. Bên trong, công nhân cởi trần, mồ hôi nhễ nhại cả người đang làm việc. Sau khi đổ một ít hột cà-phê nhân, cùng với bắp, đậu nành vào lò rang, một công nhân nhóm lửa, rồi thi thoảng anh này lấy que khơi tàn trong bếp.

Khoảng hơn một tiếng sau, khi mẻ cà-phê rang bốc khói khét lẹt bao trùm cả không gian, các công nhân mang đổ ra chiếc khay lớn làm bằng thiếc đặt ở nền xi-măng đen sì. Tiếp đó, một số công nhân nam cởi trần lấy các can nhựa đựng dung dịch màu trắng, màu vàng đổ vào mẻ cà-phê vừa đổ ra khay và liên tục đảo trộn đều.

Không đợi mẻ cà-phê được tẩm các chất phụ gia nguội hẳn, công nhân bắt đầu đưa vào máy xay đặt ở nền xi-măng cạnh đó nghiền thành bột. Công đoạn cuối cùng là các công nhân cả nam, lẫn nữ lấy cà-phê đã xay thành bột đóng bao theo từng gói lớn, nhỏ rồi bỏ vào túi nilon lớn chờ khách hàng đến lấy. Cứ thế, hết mẻ này đến mẻ khác, các công nhân làm việc ở lò sản xuất cà-phê này thoăn thoắt làm việc.

Bên trong và phía ngoài “đại bản doanh” chế biến cà-phê này, ngoài những bao bắp, đậu nành chất ngổn ngang dưới nền nhà, các thùng nhựa đựng dung dịch pha chế cà-phê vứt tứ tung trong xưởng và bên ngoài vỉa hè. Trong đó, ở khu vực pha chế có một số rổ rá đựng các viên màu đen giống hắc ín. Một nam công nhân ở đây cho biết, viên màu đen này là caramel dùng để trộn cho mẻ cà-phê có màu đậm.

Chỉ trong hai ngày 29 và 30-10, chúng tôi ghi nhận sau khi các gói cà-phê được pha chế thành phẩm thì có nhiều khách hàng mang túi xách đến lấy về tiêu thụ. Ngoài ra, lò sản xuất cà-phê còn có một ô-tô loại nhỏ dùng để vận chuyển cà-phê để đi giao hàng ở khắp nơi.

Dù lò cà-phê này có trụ sở ở Đà Nẵng, nhưng sau khi chế biến thành phẩm, thì gói cà-phê được mang đủ loại nhãn hiệu có địa chỉ ở các địa phương khác. Nhiều bao bì ở xưởng cà-phê này ghi nhãn hiệu: Tây Thành, với dòng chữ Công ty TNHH MTV Glory International, văn phòng chính ở thành phố Hồ Chí Minh và chi nhánh Đà Nẵng tại tổ 10, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ; nhãn hiệu Đại Long; một số gói cà-phê thành phẩm khác bao bì không có nhãn hiệu.

Một nam công nhân làm việc ở đây cho biết, mỗi gói cà-phê xuất lò có giá dao động từ 50.000 đồng trở lên, tùy theo loại ngon, loại vừa… Cũng theo công nhân làm việc ở lò cà-phê, trung bình mỗi tuần lò sản xuất cà-phê này tung ra thị trường Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung khoảng 600kg cà-phê thành phẩm.  

Pha độn mới có lãi nhiều

Tìm hiểu ở một số cơ sở chế biến, rang xay cà-phê, hầu hết những người làm nghề chế biến cà-phê khẳng định rằng bất kỳ cơ sở chế biến cà-phê nào cũng sử dụng các chất phụ gia, một số hương liệu hóa học trong quá trình chế biến cho cà-phê ngon hơn và có lãi nhiều (!).

Ông B., chủ một cơ sở rang xay cà-phê ở quận Cẩm Lệ “bật mí”: Nghề làm cà-phê mỗi nơi có một bí quyết pha chế riêng. Cà-phê nguyên chất nhiều hay ít, pha chế hóa chất hàm lượng bao nhiêu thì vấn đề này phụ thuộc vào cái tâm của nhà sản xuất, chứ việc này không có ai kiểm tra, giám sát trong quá trình pha chế. Ông B. dẫn chứng thêm, thường thì pha chế cà-phê hỗn hợp, cơ quan chức năng chỉ cho phép độ các loại như bắp, đậu nành tỷ lệ dưới 20%, nhưng trên thực tế, để có lợi nhiều, một số cơ sở chế biến thường tăng tỷ lệ bắp, đậu nành lên 50%, thậm chí hạt cau… rồi pha thêm hương liệu, tẩm các loại hóa chất vào cho cà-phê đậm, màu đẹp… Cũng chính nhờ cách làm này, nên mỗi ký cà-phê chỉ có giá thành vài chục nghìn đồng.

Theo phản ánh của người dân trong khu vực, lò rang xay, sản xuất cà-phê bột nằm gần chùa Kim Sơn hoạt động suốt gần 2 năm trở lại đây. Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho hay, lò cà-phê này đã hoạt động trên địa bàn lâu nay. Tuy nhiên, do ở cách xa khu dân cư, hoạt động sản xuất, chế biến không ảnh hưởng nhiều đến bà con, nên UBND phường cũng chỉ nhắc nhở chú trọng công tác bảo đảm về môi trường.

Cũng theo ông Khánh, UBND phường chỉ có chức năng kiểm tra, xử lý về ô nhiễm môi trường. Còn chuyện sản xuất, chế biến, sử dụng các chất phụ gia trong quá trình rang xay cà-phê như thế nào thì thuộc chức năng của cơ quan y tế.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 30-10, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết, theo quy định, cà-phê hỗn hợp được pha trộn một số thành phần như bắp, đậu nành… Tuy nhiên, tỷ lệ pha trộn này phải là 80% cà-phê hạt và 20% các loại hạt khác. Khi xét nghiệm hàm lượng cafein phải đạt trên 1%.

Trên cơ sở phản ánh của phóng viên về lò sản xuất cà-phê ở gần chùa Kim Sơn, ông Nguyễn Minh Tiến nói, trước hết việc pha chế cà-phê để dưới đất, công nhân hoạt động không có đồ bảo hộ lao động, cởi trần… như thế là vi phạm. Riêng với những thùng hóa chất dùng để pha trộn trong cà-phê, ông Tiến cho rằng phải kiểm tra thì mới biết đó là những thùng chứa hóa chất gì, có được phép sử dụng hay không. “Trên cơ sở phản ánh của phóng viên, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đột xuất cơ sở chế biến cà-phê này”, ông Tiến nhấn mạnh.   

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.