.

Bún không bẩn, vẫn lo

.

Kết luận mới nhất của Sở Y tế thành phố khẳng định 100% mẫu bún được lấy ngẫu nhiên tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng không nhiễm hóa chất, nhưng tâm lý của người dân vẫn lo.

Thông tin bún, mì bẩn tại các địa phương khác làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình buôn bán của các tiểu thương Đà Nẵng.
Thông tin bún, mì bẩn tại các địa phương khác làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình buôn bán của các tiểu thương Đà Nẵng.

Nghi ngại bún trắng

Chị Nguyễn Nhỏ (45 tuổi, tiểu thương tại chợ Hòa Khánh) cho biết: “Khách nào mua hàng cũng hỏi bún có hóa chất không, nhìn sợi bún hơi trắng một tí thì người ta bỏ đi không mua. Trước đây, tôi bán trung bình được 30kg/ngày, nhưng kể từ có tin bún nhiễm bẩn thì giảm còn 20kg, thậm chí có ngày chỉ bán được 15kg thôi”.  

Tại chợ Cồn, gần chục quầy hàng bún, mì trong tình trạng ế ẩm hoặc rất ít khách mua. Bà Huỳnh Thị Thu Lan (69 tuổi), có thâm niên hơn 30 năm bán bún, than thở: “Kể từ khi có thông tin bún ở các nơi khác nhiễm bẩn, người dân lo sợ nên mua ít lắm. Ngày nào tôi cũng đem giấy chứng nhận của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đặt trên quầy để người ta an tâm nhưng vẫn không mấy khả quan”.

Mặc dù kết luận của Sở Y tế khẳng định 84 mẫu bún được lấy ngẫu nhiên tại tất cả các chợ trên điện bàn thành phố đều không nhiễm hóa chất độc hại nhưng người tiêu dùng vẫn không biết đâu là bún sạch. Gia đình chị Đặng Thị Thủy (30 tuổi, ở quận Hải Châu) lâu nay vẫn ăn điểm tâm tại quán bún gần nhà nhưng kể từ khi nghe thông tin bún có hóa chất, chị cũng e ngại: “Gần 2 tuần nay, sáng nào tôi cũng tranh thủ dậy sớm nấu cơm hoặc cháo để cả nhà cùng ăn. Hơi vất vả nhưng bảo đảm sức khỏe mình hơn, chứ nghe như vậy, tôi rất sợ dù biết bún ở Đà Nẵng mình đã được kiểm tra kỹ càng”.

Tiếp tục thanh tra, hậu kiểm

Nhiều người bày tỏ sự lo ngại khi thấy bún, mì tươi dù để lâu vẫn không bị ôi thiu. Khi được hỏi về vấn đề này, những người làm nghề lâu năm đều khẳng định, bún, mì đều sẽ ôi thiu nếu để quá lâu trong ngày. “Nếu lượng bún, mì làm ra trong ngày không bán hết thì chắc chắn phải đổ đi chứ không thể bán vì người mua rất tinh ý”, một chủ lò cho biết.

Chủ một lò bún trên đường Vũ Quỳnh (quận Thanh Khê) khẳng định: “Hiện nay hầu như các lò đều phải làm bún 24/24 giờ. Nếu làm để bán trong buổi sáng thì phải thức dậy từ 3 giờ mới làm kịp. Bán buổi chiều thì bắt đầu làm từ 13 giờ. Nói chung, chúng tôi làm với số lượng có hạn vì mức mua cũng trong chừng mực nào đó hoặc theo đặt hàng. Nếu hết thì lò sẽ làm tiếp chứ không thể bỏ hóa chất tẩy trắng sợi bún, mì vì vừa tốn tiền, lại chẳng lời bao nhiêu. Hơn nữa, người tiêu dùng Đà Nẵng cũng không chuộng loại bún, mì quá trắng”.

Tại các điểm sản xuất bún, mì tươi trên địa bàn các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, các chủ lò đều tỏ ra khá bức xúc khi bị “vạ lây” bởi thông tin bún có chất tẩy trắng tại các địa phương khác làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh doanh. Ông Huỳnh Bá (59 tuổi, chủ lò bún số 45 Lê Độ) cho hay: “Trước đây lò của tôi bỏ mối được khoảng 100kg/ngày nhưng kể từ khi người ta nghe nói bún bẩn ở nơi này, nơi kia, chúng tôi chỉ có thể bỏ với mức cao nhất chừng 80kg/ngày”.

Ông Bá còn cho biết, nếu nắm được công thức trộn hai loại gạo làm bún là gạo xuyệt và gạo khang dân (gạo tẻ) theo một tỷ lệ thích hợp và trong quá trình làm bỏ thêm ít bún vào nữa thì sợi bún sẽ đạt tiêu chuẩn mềm, dẻo, trắng.

Đa số các chủ lò đều bày tỏ mong muốn các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và liên tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mới, để vừa bảo đảm tính trung thực của các hộ kinh doanh, vừa gầy dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng.

Về phía ngành chức năng, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) - cho biết: “Kết quả được công bố mới đây chỉ là một phần. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Công thương thanh tra, hậu kiểm đột xuất các cơ sở sản xuất bún, mì, phở tươi trên địa bàn Đà Nẵng; đồng thời sẽ có hướng phân cấp để UBND các quận, huyện quản lý về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất này”.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.